Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất sang Mỹ: giá trị gia tăng ngành dệt may đang tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất sang Mỹ: giá trị gia tăng ngành dệt may đang tăng

T.Thu

Xuất sang Mỹ: giá trị gia tăng ngành dệt may đang tăng
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương (trái), và ông Trần Ngọc Châu, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ TPHCM (phải) tại hội thảo hôm 31-7 tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Trong năm 2014, ngành dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu 24,3 tỉ đô la Mỹ, trong đó tỷ lệ thặng dư (tức là kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trừ đi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu) gần 50%, riêng với thị trường Mỹ, tỷ lệ này có thể còn cao hơn, theo ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) hôm 31-7.

Tại hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ kinh tế” do Hội hữu nghị Việt Mỹ TPHCM tổ chức tại TPHCM hôm 31-7, ông Lê Quốc Ân cho biết, trong doanh số xuất khẩu nói trên, giá trị nguyên liệu trong nước, công sản xuất của doanh nghiệp,… chiếm 50% (hơn 12 tỉ đô la Mỹ).

Riêng với thị trường Mỹ, ông Ân cho rằng, tỷ lệ này còn cao hơn vì các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ luôn muốn đặt đơn hàng trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, họ không thích đặt gia công, mà muốn nhà cung cấp phải cung cấp trọn gói, như lo cả phần nguyên phụ liệu.

Trước đây doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi xuất qua Mỹ phải qua ít nhất 3 trung gian, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ, hoặc chỉ qua một trung gian.

Theo ông Lê Quốc Ân, trong năm 2014, xuất khẩu dệt may của Việt Nam qua Mỹ đạt kim ngạch khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 10% kim ngạch nhập khẩu hàng hoá này của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc hiện nay là nhà xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ về dệt may, với kim ngạch 42 tỉ đô, chiếm 37%.

Tuy nhiên, nếu có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Ân cho rằng khoảng cách này sẽ rút ngắn. Với TPP, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn vì được hưởng thuế thấp, có một số dòng thuế hàng dệt may sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, và một số sẽ được giảm dần về 0%, thay vì chịu mức thuế chung bình quân 17% như đang phải chịu hiện nay. 

“Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc, nhưng sẽ thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc (về xuất khẩu dệt may vào Mỹ – PV) và ít nhất là đạt được gấp đôi thị phần so với hiện nay trong 10 năm tới (tức lên 20%)”, ông Ân nói.

Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trong 20 năm qua, hầu hết các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Mỹ đều qua nhà trung gian. Nhiều khoản đầu tư cũng không phải trực tiếp từ Mỹ, mà từ một chi nhánh nào đó của doanh nghiệp Mỹ tại một nước thứ ba. Việc qua trung gian thứ ba khiến giá trị gia tăng bị hạn chế nhiều. Nên nếu TPP được ký kết, theo ông Huỳnh Thế Du, giao thương giữa Việt Nam và Mỹ được thực hiện trực tiếp, thay vì qua trung gian, theo đó tiềm năng sẽ được phát huy hơn nữa.

Ngoài ra, cũng tại hội thảo, bên cạnh ngành dệt may, doanh nghiệp trong ngành khác là thép cũng đang chuẩn bị để tận dụng cơ hội từ TPP. Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, hiện công ty đang đầu tư 7.000 tỉ đồng xây dựng nhà máy ở Đông Hồi (Nghệ An) để vừa bán trong nước và xuất khẩu sang Mỹ.

Vào năm 1995, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt chỉ gần 500 triệu đô la Mỹ và đã đạt gần 36 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014, và dự kiến đạt được 40 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015. Sự phát triển thương mại của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa trên dung lượng của thị trường Mỹ, theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại hội thảo.

Xem thêm:

Dệt may nhắm xuất khẩu 28,5 tỉ đô la Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới