Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xưng danh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xưng danh

Hồ Hùng

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) – Vậy là cuối cùng anh cũng được xưng danh! Mấy chục năm nay, hết ngày rồi lại đêm, anh âm thầm lặng lẽ đóng góp vào “sự nghiệp” giao thông vận tải của nước nhà. Bất kể nắng chang chang hay mưa rào quất mặt, anh vẫn hăng hái tận tâm với công việc chở khách đi đến bất cứ nơi nào. Hỏi có mấy ai được như anh?

Cũng có người nói ra nói vào, rằng anh hăng hái như vậy chẳng qua để thu tiền. Nghe chẳng lọt lỗ tai, anh lắc đầu. Chuyện lạ! Ai lại chẳng cần tiền. Mấy anh công chức ăn lương, hưởng lộc hàng tháng, phải chăng tiền bổng lộc ấy từ trên trời rơi xuống? Cũng là tiền dân… Còn anh, lương không, bổng cũng chẳng có, phải thu tiền ngay mỗi khi cung ứng “dịch vụ” vận tải cho dân thôi mà. Tính ra cũng vậy.

Lâu lâu nghe chuyện những người soát vé xe buýt mắng chửi khách, đuổi người tàn tật xuống xe, anh buồn rười rượi. “Mần vậy mai mốt mất khách hết trọi, lấy chi sống?”. Mấy ai nghĩ như anh. Mà cũng phải, giữa một “dịch vụ công” và một “dịch vụ tư” như anh còn lắm điều khác biệt. Anh phải tự cạnh tranh để nuôi thân và gia đình, còn họ dù thế nào hàng tháng cũng đã có lương, cứ làm sao cho hết ngày hết tháng, chất lượng phục vụ khách thế nào chẳng được.

Có bữa nọ, một chị ngơ ngác chạy ra chỗ anh ngồi, mặt mày méo xẹo. “Lạc con”, chị vừa trả lời, vừa nức nở. Anh xăng xái thúc chị lên xe, chạy hết hang cùng ngõ hẻm. Mà trí nhớ của chị cũng kỳ cục. Hồi nhớ thằng nhỏ hay đi chỗ này, chạy gần tới lại biểu quay lại, chắc nó ở chỗ khác. Xoay cả buổi, tốn mấy lít xăng. Thời may, rốt cuộc thằng nhỏ lên nhà bà nội nó chơi vào sáng hôm đó. Mà nhà bà nội nó có đâu xa, cách chỗ anh ngồi hồi sáng lúc gặp chị có chừng trăm mét. “Thây kệ, coi như mình giúp người ta”, anh nghĩ bụng.

Vậy là bây giờ, anh cũng đã được xưng danh!

Biết bao lâu nay, gặp ai ngoài đường, họ đều kêu anh gọn lỏn: “Ông xe ôm”. Nghe mà tức, người ta có tên có tuổi đàng hoàng, cha mẹ ghi đủ trong khai sanh, sao cứ kêu trỏng vậy hoài. Bây giờ, tháng Tám tới, nghe nói bộ “chủ quản” sẽ cho anh mặc đồng phục, đeo bảng tên. Oách chưa! Ai lại gần, anh cứ ễnh ngực, đưa bảng tên ra, đố ai dám kêu trỏng nữa.

Đồng phục hẳn hoi, bảng tên oai vệ, ra đường sau này anh sẽ “hiên ngang” sánh bước mọi người, chẳng thua kém ai mà sợ.

Nghĩ thì nghĩ vậy, chứ như lời của thằng bạn “đồng nghiệp” thì cũng như không! “Ông cũng chỉ là ông xe ôm thôi cha! Công chức gì mấy cái bảng tên, đồng phục đó”. “Ủa, vậy hả”, anh cười méo xệch. Vậy là cũng tự mình bươn chải nuôi mình, tự mình “cải tiến” dịch vụ để cạnh tranh, chứ làm gì có ai trả lương, đưa lộc hàng tháng đâu. Mà không chừng cái bảng tên còn hại anh, lỡ có làm gì sai như mấy tay soát vé xe buýt là báo chí nêu tên, khách hàng tẩy chay thì khổ nữa. Rồi con anh nữa. Lâu nay, cứ sợ nó mắc cỡ với mấy đứa bạn học, anh giấu tiệt nghề xe ôm, nói rằng ba cũng đi “mần sở”. Giờ đồng phục, bảng tên trương ra giữa ngã ba, ngã tư đường, giấu ai bây giờ? Nhưng thây kệ. Nghề nào chẳng là nghề, trước sau nó cũng biết, chẳng sợ gì ráo trọi.

Chỉ tội cho mấy ông công chức tỉnh này. Giữa muôn công nghìn việc còn đang triển khai, rút kinh nghiệm, nhưng vì anh, mấy ổng sẽ phải họp tới bàn lui để tính giá sàn “vận chuyển” cho anh, tính cách làm sao để phát hiện ra anh là “ông xe ôm” nếu như anh tiếc tiền chẳng dám mua đồng phục, bảng tên. Rồi nghe đâu, họ cũng lo tới chuyện tính tuyến, tính khung giờ hoạt động cho anh. Chắc ăn là giữa năm phải có sơ kết, cuối năm tổng kết để ăn nhậu ì xèo cũng… vì anh. “Vậy ít ra mình cũng là “VIP” vì được nhiều người chăm lo rồi”, anh cười phá lên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới