Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xung đột leo thang quanh đồng nhân dân tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xung đột leo thang quanh đồng nhân dân tệ

Thái Bình

(TBKTSG) – Những diễn biến mới trong cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chung quanh vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) cho thấy xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới có nguy cơ lan rộng và tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu trong những tháng tới.

Bất đồng ở cấp cao

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Liên hiệp quốc ngày 23-9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã gia tăng áp lực yêu cầu Trung Quốc nới lỏng tỷ giá đồng tiền. Đáp lại Thủ tướng Ôn trấn an ông Obama rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh công cuộc cải cách tiền tệ, nghĩa là Trung Quốc sẽ để cho đồng NDT tăng giá dần dần trong một tương lai không xác định chứ không điều chỉnh tăng một lần như mong muốn của phía Mỹ.

Chỉ một ngày sau đó, Ủy ban Ngân sách và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ thông qua việc đưa dự luật “Luật cải cách tiền tệ vì thương mại công bằng”, mang số hiệu HR 2378, ra thảo luận tại Hạ viện.

Dự luật này, cùng với một dự luật tương tự mang số hiệu S 3134 của Thượng viện Mỹ, nếu được phê chuẩn, sẽ cho phép Chính phủ Mỹ áp đặt thuế đối kháng (countervailing duties) và thuế chống bán phá giá (antidumping duties) lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước bị coi là có chính sách thao túng tỷ giá, chủ yếu nhắm tới Trung Quốc.

Kết quả biểu quyết dự luật HR 2378 của Hạ viện Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư 29-9 tại Mỹ, tức sáng sớm hôm nay giờ Việt Nam, nhưng giới phân tích cho rằng, cũng như các dự luật trước đó về vấn đề tỷ giá, rất ít khả năng dự luật này được ban hành thành luật vì chính giới Mỹ vẫn chưa có được sự đồng thuận về chiến lược ứng xử với Trung Quốc về thương mại.

Mỹ: nội bộ chưa đồng thuận

Quốc hội Mỹ, một mặt chịu sức ép chính trị rất lớn buộc phải hành động khi sự phục hồi kinh tế Mỹ vẫn chập chờn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức gần 10% và thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng tăng. Số liệu mới nhất cho thấy trong bảy tháng đầu năm nay, Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc 145 tỉ đô la Mỹ, tăng 22 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những tác giả của dự luật HR 2378, dân biểu Tim Ryan cảnh báo Mỹ “không thể tiếp tục ngoảnh mặt đi khi chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang chầm chậm nhưng đều đặn bóp chết ngành công nghiệp Mỹ”. Ủng hộ quan điểm của các nhà lập pháp Mỹ có các nhà nghiên cứu kinh tế mà nổi bật là Giáo sư Paul Krugman, giải Nobel Kinh tế năm 2008.

Tuy nhiên, hành pháp Mỹ dưới quyền Tổng thống Obama vẫn cố né tránh một cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung, thiên về hướng vận động, thuyết phục Trung Quốc thay cho việc áp dụng biện pháp trừng phạt. Chính quyền Obama gần như không công khai chỉ trích Trung Quốc về tỷ giá, thường xuyên cử các quan chức cấp cao đối thoại với Bắc Kinh trong vòng bí mật. Washington cũng đã nhiều lần từ chối đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng đồng tiền, bất chấp sức ép của Quốc hội. Theo giới quan sát, gần đây sự kiên nhẫn của Washington dường như đã bắt đầu cạn.

Trong cuộc bất đồng quan điểm giữa lập pháp và hành pháp Mỹ, giới doanh nghiệp dường như đứng về phía chính phủ, cố tránh gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nước. Theo các tập đoàn lớn như General Electric Co., Citigroup, nếu dự luật HR 2378 được thông qua, chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách trả đũa bằng cách gây áp lực lên các công ty Mỹ hoạt động tại nước này. Điều đó sẽ gây khó khăn chứ không giúp thúc đẩy xuất khẩu và tạo công ăn việc làm của Mỹ. Các nhà doanh nghiệp cũng tin rằng, Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tỷ giá, dù rất chậm và tiến trình này có thể bị đình chỉ, thậm chí đảo ngược, nếu Mỹ gia tăng sức ép vì Chính phủ Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu đuối trước áp lực bên ngoài.

Tỷ giá đô la Mỹ và đồng NDT trong sáu tháng qua.

Trung Quốc không thay đổi lập trường

Bắc Kinh hiểu rõ rằng, việc nâng giá đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc chuyển nhanh từ nền kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng, bớt lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ ở nước ngoài, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, từ trước đến nay Trung Quốc vẫn kiên trì “cơ chế tỷ giá ngoại hối có kiểm soát”, thực chất là kiềm chế tỷ giá đồng NDT dưới mức giá trị thực để thúc đẩy xuất khẩu.

Một mặt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cơ chế đó đem lại sự tăng trưởng thần kỳ cho kinh tế Trung Quốc trong mấy thập niên qua và không có lý do gì để thay đổi. Họ không muốn đi vào vết xe đổ của Nhật Bản: cuối thập niên 1980, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ, Nhật đã nâng giá đồng yen từ 240 yen lên 160 yen ăn 1 đô la trong vòng hai năm, dẫn tới việc kinh tế bị trì trệ, kéo dài tới tận ngày nay.

Mặt khác, Trung Quốc lo ngại việc nâng giá đồng tiền sẽ làm phá sản nhiều doanh nghiệp xuất khẩu – hiện tỷ suất lợi nhuận chỉ vào khoảng 2-4% – dẫn tới việc gia tăng tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội. Theo các nhà phân tích, trong tính toán của Bắc Kinh, tạo ra và duy trì công ăn việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu so với việc cân bằng kinh tế vĩ mô.

Một yếu tố khác khiến Trung Quốc lo ngại là đồng NDT tăng giá sẽ kích hoạt một dòng “tiền nóng” do các nhà đầu cơ tiền tệ tiến hành, có thể làm mất cân bằng trong thanh toán quốc tế của nước này.

Chính vì thế, tạp chí Foreign Policy của Mỹ hôm 24-9 nhận định, Washington sẽ rất ngây thơ nếu kỳ vọng đồng NDT sẽ tăng giá nhanh và Trung Quốc sẽ rất dối trá nếu cam kết sẽ tăng giá đồng NDT.

Sống chung với xung đột

Hiện thời, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đang tiến hành một chiến dịch vận động đưa vấn đề chính sách tiền tệ của Trung Quốc ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Seoul vào đầu tháng 11 tới. Ông Geithner hy vọng sẽ huy động được sự đồng thuận của nhiều nước thành viên G20, cùng với Mỹ tạo thành một sức ép quốc tế, buộc Trung Quốc phải thay đổi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Reuters, nỗ lực ấy dường như không có kết quả không phải vì các nền kinh tế khác không bị thiệt hại từ chính sách tiền tệ không công bằng của Trung Quốc mà vì không ai muốn đối đầu với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Brazil chẳng hạn, đã nói thẳng rằng, ý tưởng gây áp lực với một quốc gia không phải là cách đúng đắn để tìm ra giải pháp”. Ngoại trưởng Hàn Quốc, nước chủ nhà của hội nghị, từ chối đưa vấn đề tỷ giá đồng NDT vào nghị trình G20 mà cho rằng, hội nghị chỉ thảo luận vấn đề tỷ giá nói chung và tác động của nó đối với kinh tế toàn cầu chứ không bàn tới tỷ giá riêng của quốc gia nào.

Trong lúc này, Mỹ và Trung Quốc vẫn “ăn miếng trả miếng” nhau bằng những vụ áp thuế lên các mặt hàng riêng lẻ: hôm 28-9 Mỹ áp thuế nhập khẩu 61% lên ống đồng từ Trung Quốc đáp lại việc trước đó hai ngày Trung Quốc tăng thuế 105% lên chân gà nhập khẩu từ Mỹ… Các nước nhỏ hơn thì tìm cách sống chung với cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn, cách thức phổ biến là can thiệp vào thị trường tài chính để làm giảm giá đồng bạc theo tình hình thực tế. Đó là chính sách mà các nước như Nhật Bản, Việt Nam đang thực hiện và Hàn Quốc dự kiến cũng sắp triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh được với các đối thủ Trung Quốc.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới