Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức

Cảnh Thái

(TBKTSG) – Lợi ích của cá nhân hay của tổ chức quan trọng hơn? Bất công xảy ra đối với một người là có nguy cơ sẽ xảy ra đối với mọi người!

Báo chí trong nước đưa nhiều tin bài về vụ một huấn luyện viên Taekwondo đi máy bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), và xảy ra va chạm với tiếp viên của hãng hàng không này. Đúng sai thuộc về ai chưa rõ nhưng đây là một điển hình cho xung đột lợi ích hay mâu thuẫn xuất hiện giữa một cá nhân và một tổ chức, hơn nữa, đây là một tổ chức có tính độc quyền về vận chuyển hàng không.

Tin tức khác cho thấy một vài cá nhân ở Hà Nội không đồng ý với quyết định bồi thường di dời căn nhà của mình cho dự án quy hoạch và xây dựng tại khu “đất vàng” của một công ty cổ phần về xây dựng và bất động sản đang thực hiện. Liệu các cá nhân không đồng ý với giá thỏa thuận đền bù có bị “cưỡng chế” giải tỏa để thực hiện dự án cho lợi ích của tổ chức?

Có dư luận cho rằng những người đại diện cho tổ chức như cô tiếp viên của Vietnam Airlines hay lực lượng an ninh hàng không hành động thái quá… Dư luận khác lại ủng hộ “tổ chức” và cho rằng các cá nhân có thể đã hành động “quá đáng”. Vị huấn luyện viên có thể đã “nóng nảy” hay “chống cự”, “bất hợp tác” với nhân viên hàng không… và chủ nhân các ngôi nhà trong dự án quy hoạch có thể đã “quá tham” khi không chấp nhận giá đền bù gần 1 tỉ đồng/mét vuông trong khi đời sống chung của người dân không được như vậy…

Bên cạnh đó, các thông tin phản hồi từ hàng trăm độc giả của các diễn đàn cho thấy có người ủng hộ cá nhân là vị huấn luyện viên không quen biết nọ hay ủng hộ các cá nhân là chủ nhân các ngôi nhà bị quy hoạch giải tỏa ở “khu đất vàng” Hà Nội vì họ ở vị thế yếu, bị “tổ chức” lớn, có tính độc quyền, các dịch vụ được tổ chức đưa ra có tính “không thể không theo hay không sử dụng được”.

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu quyền lợi của cá nhân so với tổ chức có công bằng và được đặt ngang nhau? Khi có xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức hay tập thể, đặc biệt là các tổ chức có tính độc quyền cao như Vietnam Airlines hay các công ty đầu tư quy hoạch và xây dựng dự án dân cư… thì nên giải quyết trên cơ sở nào?Nếu chúng ta xem nhẹ lợi ích của cá nhân bất chấp các cá nhân này có lý lẽ đúng đắn thì trong tương lai nếu chính chúng ta rơi vào tình cảnh tương tự, ai sẽ bênh vực cho cá nhân chúng ta?

Cơ sở của công lý hay pháp luật là nhằm đảm bảo quyền lợi của cá nhân hay tổ chức? Một số người có thể nhầm tưởng rằng lợi ích của tổ chức luôn phải đặt cao hơn lợi ích của cá nhân. Khi có xung đột thì “cá nhân” đương nhiên phải hy sinh quyền lợi cho “tập thể” hay tổ chức. Điều này dễ dẫn tới xem nhẹ lợi ích của mỗi cá nhân hay cá thể trong cộng đồng mà quên rằng mỗi cá nhân trong cộng đồng là con người của chính mỗi chúng ta, sẽ tạo ra một cộng đồng có mạnh mẽ và phát triển bền vững được hay không, một xã hội có “thượng tôn pháp luật” hay không.

Thử nghĩ một ngày nào đó, nếu vị huấn luyện viên nói trên bị cấm đi máy bay của Vietnam Airlines mà không còn cách nào để di chuyển bằng đường hàng không (Vietnam Airlines đang chiếm thị phần lớn tuyệt đối trong nước) mặc dù có thể ông ta đúng trong xung đột với nhân viên hàng không! Sẽ không còn hành khách nào dám phản đối các hành vi không đúng của cơ quan hàng không, sẽ không ai dám có ý kiến nếu dịch vụ của cơ quan hàng không không tốt, kể cả việc có thể bị đối xử bất công. Lâu dài sẽ ra sao?

Các cá nhân chủ nhà ở Hà Nội nếu bị “cưỡng chế” giải tỏa bất chấp việc pháp luật đất đai có quy định quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của người dân và các chủ dự án đầu tư phải thương lượng giá đền bù với người dân (Luật Đất đai 2003) thì bất công có thể xảy ra đối với cá nhân người chủ nhà này có thể sẽ lặp lại với bất kỳ ai. Một ngày nào đó, sẽ có một tổ chức hay công ty nào khác tới quy hoạch và giải tỏa nhà của chính chúng ta hay con em mình đang ở mà không cần thương lượng giá đền bù thỏa đáng (vấn đề giá đền bù thế nào là thỏa đáng là một đề tài khác)!

Con đường dung hòa là “nhất thể hóa” lợi ích của cá nhân và tập thể. Lợi ích của cá nhân chính là lợi ích của tập thể hay cộng đồng. Công lý cho cá nhân chính là công lý cho cộng đồng. Bảo vệ lợi ích cá nhân cũng chính là bảo vệ cộng đồng. Tránh bất công xảy ra đối với cá nhân cũng chính là chống nguy cơ bất công xảy ra đối với tất cả mọi người trong tương lai.

Pháp luật để bảo vệ công lý của mỗi cá nhân và mang lại công bằng cơ hội về lợi ích của cá nhân trong cộng đồng. Nếu lợi ích của cá nhân không được nhìn nhận thích đáng, không được tôn trọng, thì công lý có nguy cơ bị xâm hại và trong trường hợp đó, lợi ích thật sự chưa chắc thuộc về tổ chức hay tập thể, mà chỉ là của những cá nhân khác, tổ chức khác, nhân danh hay ngụy trang “tổ chức” hay “tập thể” để mưu cầu lợi ích khác mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới