Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ý đồ của TQ đằng sau vụ thâu tóm trị giá 43 tỉ đô la Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ý đồ của TQ đằng sau vụ thâu tóm trị giá 43 tỉ đô la Mỹ

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) mới đây công bố chào mua tập đoàn sản xuất hóa chất nông nghiệp và hạt giống Thụy Sĩ Syngenta với giá 43 tỉ đô la Mỹ, tương đương 480 franc Thụy Sĩ (khoảng 465 đô la Mỹ) /cổ phiếu. Nếu thương vụ được hoàn tất, đây sẽ là vụ thâu tóm công ty nước ngoài lớn nhất của một doanh nghiệp Trung Quốc (TQ) từ trước đến nay.

Ý đồ của TQ đằng sau vụ thâu tóm trị giá 43 tỉ đô la Mỹ
Ban lãnh đạo của ChemChina và Syngenta đã nhất trí thương vụ thâm tóm trị giá 43 tỉ đô la Mỹ. Ảnh CBN

Nỗi lo 1,4 tỉ miệng ăn

Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, logic đằng sau thương vụ thâu tóm tham vọng nhất của TQ là khoảng cách ngày càng lớn giữa hai con số: số dân ngày một phình ra và số diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
TQ chiếm 21% dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu 9% diện tích đất trồng trọt toàn cầu, theo Ngân hàng đầu tư Jefferies Group (Mỹ).

Đó chính là điểm mấu chốt để ChemChina quyết định thâu tóm Syngenta. Với vị thế là nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới và nắm trong tay nhiều loại hạt giống biến đổi gen giúp tăng sản lượng, Syngenta sẽ giúp tăng sản lượng lương thực mà TQ sản xuất trên mỗi hecta và tăng cường sức mạnh cho ChemChina để cạnh tranh với các đối thủ khác, bao gồm tập đoàn hóa chất nông nghiệp và hạt giống Monsanto (Mỹ).

Với gần 1,4 tỉ miệng ăn, TQ cần phải tăng nhanh chóng năng suất nông nghiệp, vốn dễ bị tổn thương bởi tình trạng đất đai bạc màu, nguồn nước ô nhiễm và việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu.

Nhiều năm canh tác cộng với việc lạm dụng các hóa chất nông nghiệp đã khiến đất bị thoái hóa và các nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm, khiến sản lượng các vụ mùa ở TQ rất dễ bị thiếu hụt. Thương vụ này phù hợp với kế hoạch của Bắc Kinh nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp trong 5 năm tới.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã xem tăng sản lượng nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và kêu gọi đưa TQ lên vị trí dẫn đầu trong việc phát triển các vụ mùa trồng cây lương thực biến đổi gen. TQ đã mua các tài sản nông nghiệp khắp toàn cầu từ nông trại cho đến các nhà máy đường để bảo đảm nguồn cung lương thực cho dân số ngày càng tăng và giàu có hơn.

“Khi nhu cầu lương thực mạnh hơn, an ninh lương thực trở thành một cân nhắc chính sách quan trọng đối với chính quyền TQ”, ông Nirgunan Tiruchelvam, Giám đốc nghiên cứu ở Công ty tư vấn dịch vụ tài chính Religare Capital Markets cho biết.

Ông nói một thương vụ có quy mô lớn như vậy có thể là nhằm bảo đảm an ninh lương thực tốt hơn cho người dân và TQ sẽ thực hiện thêm nhiều thương vụ tầm cỡ như vậy trong vài năm tới.

“TQ muốn phát triển các vụ mùa biến đổi gen, đặc biệt các các hạt giống được chỉnh sửa gen để giúp nông dân giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và phân bón”, Wei Ruan, nhà kinh tế trưởng ở Viện Nghiên cứu Norinchukin ở Tokyo cho biết. “Công nghệ sinh học của Syngenta sẽ giúp nâng cao năng suất nông nghiệp ở TQ và giúp các nhà sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng TQ”, ông nói.

Mặc dù nước sản xuất bắp lớn thứ hai thế giới nhưng sản lượng bắp của TQ thấp hơn nước dẫn đầu Mỹ đến 44% do TQ không có những giống bắp biến đổi gen có sản lượng cao như ở Mỹ.

Giảm phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu

Hãng tin Reuters cũng nhận định với kế hoạch thâu tóm Syngenta, TQ muốn hướng đến mục tiêu cải thiện sản xuất lương thực ở trong nước, giảm sự thuộc vào lương thực nhập khẩu.

“Chỉ khoảng 10% đất nông nghiệp ở TQ có hiệu quả. Do vậy, thương vụ này không chỉ đơn giản là công ty này mua lại công ty khác. Đây là một nỗ lực của chính phủ TQ để giải quyết một vấn đề thực sự”, một nguồn tin nắm rõ thương vụ thâu tóm nói với hãng tin Reuters.

Theo một nguồn tin khác của Reuters, nguồn tài chính để thực hiện vụ thâu tóm Syngenta có thể huy động từ nhiều nguồn bao gồm ngân hàng HSBC và Ngân hàng quốc tế CITIC Trung Quốc.

Theo tờ The Wall Street Journal, Bắc Kinh đang tìm cách cắt giảm phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu trong bối cảnh đất nông nghiệp của nước này rất hạn chế, dân số ngày càng gia tăng và tiêu thụ thịt ngày càng cao. Tổng tiêu thụ thịt heo, bò, gà ở TQ tăng trung bình 1,7 triệu tấn/năm trong 10 năm qua, gây căng thẳng cho các nguồn cung cấp thức ăn.

Đối với Syngenta, thương vụ sẽ mở ra triển vọng cơ hội tiếp cận thị trường khổng lồ của TQ, còn đối với ChemChina, vụ thâu tóm sẽ giúp tập đoàn này tiếp cận được công nghệ sinh học tân tiến để phát triển hạt giống.

Chủ tịch ChemChina Ren Jianxin (trái) và Chủ tịch của Syngenta Michel Demare tại cuộc họp báo thông báo thương vụ thâu tóm ở Basel, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Có thể gặp rắc rối pháp lý ở Mỹ

Hội đồng quản trị của Syngenta đã nhất trí ủng hộ đề nghị chào mua của ChemChina và cho biết sẽ xin ý kiến của các cổ đông về đề nghị này.

Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, Giám đốc điều hành của Syngenta John Ramsay nói: “Chúng tôi đang nhận được đề nghị chào mua hấp dẫn và chúng tôi sẽ đưa ra lấy ý kiến của cổ đông”. Syngenta hy vọng thương vụ sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016.

Chủ tịch ChemChina Ren Jianxin cho biết sau khi hoàn tất thương vụ, ChemChina sẽ giữ lại ban lãnh đạo và nhân viên của Syngenta để duy trì sức mạnh cạnh tranh dẫn đầu của Syngenta trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp toàn cầu hiện nay.

Vụ thâu tóm sẽ giúp ChemChina phát triển công việc kinh doanh của Syngenta ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác và giúp tập đoàn này giành được chỗ đứng vững chắc ở Mỹ.

Đón nhận tin tốt, cổ phiếu của Syngenta đã tăng lên mức 412 franc Thụy Sĩ/ cổ nhưng vẫn thấp so với mức chào mua 480 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu. Điều này phản ánh lo ngại của thị trường về khả năng thương vụ có thể đổ bể vì các rắc rối pháp lý.

Syngenta có nhiều cơ sở sản xuất và nghiên cứu ở Mỹ nên để thương vụ này được chấp thuận có thể cần có sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS).

Hãng tin Bloomberg cho biết CFIUS sẽ thẩm định kỹ hai vấn đề để quyết định, gồm thương vụ này có gây nguy hại an ninh lương thực của Mỹ hay không và liệu các cơ sở của Syngenta mà ChemChina chào mua có nằm sát các căn cứ quân sự Mỹ hay không.

CEO của Syngenta John Ramsay tự tin cho rằng CFIUS sẽ không ngăn chặn thương vụ này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới