Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ý kiến trái chiều của đại biểu QH về điều hành kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ý kiến trái chiều của đại biểu QH về điều hành kinh tế

Tư Hoàng

Ý kiến trái chiều của đại biểu QH về điều hành kinh tế
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội sáng 31/10. Ảnh QH.

(TBKTSG Online) – Các đại biểu vừa phê bình, vừa tán dương kết quả điều hành của Chính phủ trong một năm nền kinh tế được cho là "chạm đáy" khó khăn tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 31-10.

Đã đi đúng hướng

Đại biểu Trần Du Lịch, TPHCM, nói: "Điểm nổi bật nhất của năm 2013 đó là chúng ta tăng cường được những nhân tố ổn định vĩ mô, thể hiện rất rõ trên vấn đề kiểm soát lạm phát, vấn đề làm mạnh dần từng bước ổn định thị trường tiền tệ qua các chính sách".

Dẫn chứng dấu hiệu hồi phục kinh tế như báo cáo Chính phủ khẳng định, ông Lịch cho biết tăng trưởng của TPHCM đã tăng từ 7,6% trong quí 1 năm nay lên 8,1% quí 2 và tới 10,3% trong quí 3.

Ông Lịch nói ông "hoan nghênh" các mục tiêu kế hoạch của cả năm 2014 và 2015 với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là 7%.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Hòa Bình, bổ sung: "Chính phủ đã điều hành quyết liệt … đem lại kết quả tích cực cho nền kinh tế".

Biểu hiện rõ nhất, theo ông Sơn, là xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo khoảng 5,4%, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều giảm.

Ông nói: "Ngân hàng Nhà nước đang có chiều hướng điều hành chính sách tiền tệ khởi sắc, thanh khoản các hệ thống ngân hàng được cải thiện".

Ông Sơn cho biết bản thân rất "đồng tình" với Chính phủ về việc tăng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Về điểm này, đại biểu Lê Hữu Đức, Khánh Hòa, nói: "Tôi ủng hộ việc nâng bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 – 2014 lên 5,3%. Tôi ủng hộ Chính phủ phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia".

Ông nói: "Trong điều kiện vô cùng khó khăn của nền kinh tế đất nước ngay sau Đại hội Đảng XI, Chính phủ đã có những phản ứng nhanh, kịp thời, chủ động chuyển từ chủ trương đẩy nhanh tăng trưởng sang chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội".

Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng, cho rằng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý điểm nghẽn của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, áp dụng biện pháp đặc biệt cho vay, tăng vốn tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay, xử lý nợ xấu.

"Kinh tế quá khó khăn"

Trong phần thảo luận sáng 31-10, nhiều đại biểu vừa khen cách điều hành của Chính phủ, đã lại phê bình ngay những nỗ lực của cơ quan hành pháp khi đối chiếu với những diễn biến trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Hòa Bình, nói: "Nguyên nhân tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay do quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thắt chặt quá mức các nguồn nhân lực cho tăng trưởng. Do đó tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu ngân sách khó khăn. Tình trạng này nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô trong trung hạn".

Ông đề nghị Chính phủ thực hiện đồng thời 2 nội dung kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng, bổ sung: "Năm 2013 lại xuất hiện một số vấn đề mới có nguy cơ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, đó là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch, chỉ ước 9 tháng đạt gần 544.000 tỉ đồng bằng 66% dự toán năm".

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị, nói: "Kinh tế quá khó khăn, xã hội quá nhiều vấn đề bức xúc".

Ông cho rằng, chưa có kỳ họp nào mà Quốc hội phải đưa ra quyết định về đề xuất nới bội chi, tăng phát hành trái phiếu chính phủ một lượng rất lớn như kỳ họp này, trong bối cảnh ngân sách hụt dự toán đến 63.000 tỉ đồng.

"Đây là quyết định rất khó khăn, nhưng lại càng nan giải hơn khi báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế. Các con số thống kê vẫn đang gây hoài nghi không nhỏ…".

Ông cũng cho rằng, dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2012 đã không hoàn thành.

"Trong khi chờ đợi sự đột phá này, tôi đề nghị cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo, then chốt của doanh nghiệp nhà nước", ông đề nghị.

Ông đề nghị Chính phủ không nên trao cơ chế độc quyền hay những ưu ái đặc biệt cho bất cứ doanh nghiệp nào.

"Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, vì vậy không cần thiết đặt mục tiêu tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều phải hoành tráng, không nên quá ưu ái bơm tiền vào những doanh nghiệp nhà nước đã không dưới một lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán, mà nên dùng ưu ái đó cho những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế xã hội cho dù doanh nghiệp đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào", ông Đồng nói.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phú Yên, tỏ ra băn khoăn, báo cáo Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014; trong khi báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới.

"Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang đà phục hồi, nhưng lại đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 – 2014 là 5,3% GDP, chủ yếu để trả nợ. Tôi thấy không thực sự thuyết phục".

Suy giảm niềm tin

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói: "Thưa Quốc hội, đời sống văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều vấn đề bức xúc, gần đây lại có thêm những sự kiện ngày càng gây thêm bức xúc, là người Việt Nam chúng ta xấu hổ và lo lắng với những sự kiện tiêu cực đó. Ở đây về mặt chính trị và pháp lý, ta thấy xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an và sự suy giảm niềm tin của người dân với nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân tự xử. Tự xử là quan niệm và hành vi xấu, phải khẳng định như vậy, điều đó đáng lên án vì vi phạm pháp luật nhưng trách dân sao được khi thực sự khách quan và nói rằng vai trò quản lý của nhà nước ta còn mờ nhạt và yếu kém là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này. Đơn cử như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đến ba bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả. Có lúc chúng ta bảo người dân phải nên tự bảo vệ mình, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Nói như vậy không sai nhưng rõ ràng quản lý nhà nước đang có dấu hiệu bất lực… Để khắc phục hiện trạng suy giảm niềm tin và tự xử trong dân, theo tôi chỉ có một cách duy nhất là phải thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật đến xử lý thường xuyên có hiệu quả các vụ việc và phải chứng tỏ quản lý nhà nước luôn chỉ vì dân và công bằng với dân. Quản lý nhà nước cũng không nên theo kiểu phong trào, khi có việc thì cán bộ cấp cao, cấp thấp đổ xuống đầy chợ, báo đài đưa tin sôi động nhưng đến trưa chiều thì đâu lại vào đó".

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới