Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ý nguyện của Đại tướng cần được đặt lên hàng đầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ý nguyện của Đại tướng cần được đặt lên hàng đầu

Lê Thiên Hương

(KTSG) – Những ngày gần đây, có thông tin về việc bộ Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm nhiều cuốn sách có giá trị có nguy cơ không thể tiếp tục đến được với bạn đọc vì vướng mắc tranh chấp bản quyền.

Được biết, bộ Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sáu quyển sách vốn do nhà văn Hữu Mai chấp bút. Khi Đại tướng và nhà văn Hữu Mai còn sống, số sách này từng được xuất bản với ghi chú “Hữu Mai thể hiện” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chia nhuận bút với tỷ lệ 50/50 cho nhà văn Hữu Mai. Tuy nhiên, sau khi cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai đều qua đời, thì gia đình Đại tướng không còn công nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả của số sách nói trên nữa (1).

Ý nguyện của Đại tướng cần được đặt lên hàng đầu
Bộ Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nếu như gia đình Đại tướng vẫn giữ im lặng trong vụ tranh chấp, thì có ý kiến cho rằng những quyển sách này “mang đậm dấu ấn Võ Nguyên Giáp từ văn chương, cách kể chuyện đến tư tưởng”, và vì thế, có thể hiểu rằng theo ý kiến này, nhà văn Hữu Mai không đóng vai trò gì đáng kể trong bộ sách Hồi ký của Đại tướng. Nếu như đây chính là lý do để gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp không công nhận quyền tác giả của nhà văn Hữu Mai, thì cả về tình, lẫn về lý, đều có vẻ khó thuyết phục.

Nhìn về góc độ pháp lý, câu hỏi chính đặt ra ở đây là nhà văn Hữu Mai có là đồng tác giả với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay không? Hồi ký là một dạng tác phẩm văn học đặc biệt vì nội dung chính của tác phẩm dựa trên những sự kiện có thật trong cuộc đời một cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp hồi ký được viết chung với một cá nhân khác, thì tùy vào mức độ hợp tác làm việc mới có thể kết luận được người này có thể được coi là đồng tác giả hay không.

Theo điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, thì “những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học” được coi là “đồng tác giả”. Tuy nhiên, cũng theo điều 6, “người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm” lại không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.

Thoạt nhìn, có vẻ như ranh giới giữa “đồng tác giả” hay không “đồng tác giả” chỉ là một sợi chỉ thật mỏng manh. Tuy nhiên, có thể hiểu điều khoản nói trên rằng nếu như không có một sự “phối hợp”, “hợp tác” chặt chẽ trong cả quá trình sáng tác để cùng tạo ra tác phẩm thì không thể công nhận vị trí “đồng tác giả” được.

Tất nhiên, câu hỏi khó này chỉ đặt ra khi không có thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên liên quan, và đó lại chính là trường hợp của nhà văn Hữu Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rõ ràng là, khi không có thỏa thuận bằng văn bản cụ thể giữa hai người (do bối cảnh lịch sử thời đó), thì nếu sự việc được đưa ra trước tòa án, tòa án sẽ phải sử dụng các bằng chứng khác về việc hợp tác giữa nhà văn và Đại tướng, để có thể đưa ra kết luận về vai trò của nhà văn trong bộ sách này.

Kết luận cho rằng chỉ vì bộ sách “mang văn phong Đại tướng”, nên không thể công nhận vai trò của nhà văn Hữu Mai, là một cách tiếp cận “chủ quan”, khó có thể đưa lại kết luận chính xác về vai trò của ông. Thường trong trường hợp tranh chấp như trên, tòa án sẽ coi trọng những chứng cứ về quá trình làm việc chung của các bên liên quan, như nhật ký làm việc, bản thảo, ghi chú, sổ tay làm việc hay thậm chí nhân chứng được nghe kể lại về “ý nguyện hợp tác” của các tác giả.

Hiện trong vụ tranh chấp bản quyền này, bằng chứng có giá trị nhất về vai trò của nhà văn Hữu Mai chính là việc bộ sách đã được xuất bản trước đây với ghi chú “Hữu Mai thực hiện” cũng như việc chia sẻ nhuận bút đồng đều giữa ông và Đại tướng khi hai người còn sống.

Điều này cho thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người rõ nhất về việc phối hợp, hợp tác với nhà văn Hữu Mai – đã gián tiếp công nhận vai trò “đồng tác giả” của nhà văn trong bộ sách hồi ký và trước khi qua đời, chúng ta được biết ông cũng chưa từng chính thức lên tiếng phủ nhận vai trò này. Theo điều 38 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các đồng tác giả là “chủ sở hữu quyền tác giả” đối với tác phẩm tạo ra, và vì thế “có chung” các quyền nhân thân và quyền tài sản.

Trừ thỏa thuận riêng giữa các đồng tác giả, không có sự khác biệt gì về quyền sở hữu trí tuệ giữa các đồng tác giả cả. Tuy nhiên, nếu như tác phẩm có phần riêng biệt của đồng tác giả thì người này có thể tách ra sử dụng độc lập, không ảnh hưởng tới phần tác phẩm của các đồng tác giả khác.

Xin nhấn mạnh là triết lý của luật quyền tác giả bắt nguồn từ phương Tây đặt rất cao vai trò của chính tác giả – người có toàn quyền quyết định “số phận” của sản phẩm sáng tạo do mình làm ra. Ở đây, ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – tác giả không thể tranh cãi của bộ Hồi ký – cần được đặt lên hàng đầu.

Vì thế, trừ trường hợp gia đình Đại tướng có thể cung cấp bằng chứng ngược lại trong việc ông công nhận quyền “đồng tác giả” của nhà văn Hữu Mai, thì khó có thể phủ nhận quyền đồng tác giả của nhà văn trong bộ sách này.

Cuối cùng, có thể nói, trong tranh chấp này, người thiệt thòi nhất, đó chính là các độc giả của bộ sách Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu như hai bên gia đình liên quan không thể đi đến thống nhất để cho phép tái xuất bản sách đáp ứng mong chờ của độc giả, thì điều đó không chỉ đi ngược lại ước nguyện của các tác giả, mà còn không phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Điều này hoàn toàn xa lạ với tôn chỉ của pháp luật về bản quyền, vốn có mục đích khuyến khích sáng tạo nhưng đồng thời cân bằng mục đích này với việc thúc đẩy lợi ích chung, mà ở đây chính là lợi ích của độc giả.

(1) https://tuoitre.vn/ban-quyen-hoi-ky-chuyen-khong-don-gian-20210328105854447.htm

https://tuoitre.vn/ban-quyen-hoi-ky-dai-tuong-vo-nguyen-giap-ung-xu-the-nao-cho-phai-20210328214047879.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới