Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ý tưởng hay, nhưng…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ý tưởng hay, nhưng…

Phan Trọng Hiền

(TBKTSG) – Ngày 17-8-2011, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự thảo kế hoạch của UBND thành phố (do sở chuẩn bị) về “giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015”.

Theo đó, từ nay đến năm 2013 (giai đoạn 1), ở các quận trung tâm sẽ không còn người ăn xin. Đến năm 2015 sẽ mở rộng ra toàn địa bàn thành phố. Để thực hiện điều đó, một số biện pháp được đưa ra như: bắt buộc những người ăn xin ở các tỉnh phải trở về địa phương, hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để giáo dục văn hóa, dạy nghề cho họ, đồng thời mở rộng nhà lưu trú cho người lang thang, cơ nhỡ…

Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 8.500 người lang thang ăn xin, trong đó chỉ có gần 900 người (10%) cư ngụ tại thành phố (Tuổi trẻ, 23-8-2011). Theo tôi, ý tưởng trên tuy hay nhưng không dễ thực hiện, nếu lấy mốc hoàn thành vào năm 2015. Có người lấy bài học kinh nghiệm xóa tệ lang thang ăn xin của Đà Nẵng để áp dụng cho TPHCM, nhưng quên rằng hai địa phương này có nhiều điểm khác nhau. Thí dụ, TPHCM diện tích rộng gần gấp đôi Đà Nẵng, dân số đông gấp gần chục lần, là một trung tâm kinh tế – văn hóa lâu đời và cũng là địa phương thường được nghĩ đến đầu tiên của những người dân tứ xứ khi có ý định tha hương tìm kế sinh nhai.

Trên thực tế, chính quyền Đà Nẵng mấy năm qua giải quyết vấn đề người lang thang ăn xin khá kiên quyết nhưng cũng chỉ xử lý được hơn 1.000 trường hợp, và vẫn còn tiếp tục thực hiện đề án “Không có người lang thang ăn xin giai đoạn 2010-2015”.

Vậy TPHCM liệu có làm nổi không với hơn 8.500 đối tượng (số liệu thống kê chắc chắn chưa đầy đủ), hay chỉ làm theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”? Thật ra cái gốc của tệ nạn lang thang ăn xin là vấn đề phân phối thu nhập xã hội chưa công bằng (tương đối), tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng. Mặt khác, trong xã hội cũng còn khá nhiều người lười biếng, ăn bám, chỉ biết lợi dụng, sống dựa vào lòng tốt của kẻ khác…

Giải quyết được tận gốc các vấn đề trên là cả một quá trình lâu dài và cần nhiều giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, kiên quyết. Bởi lẽ khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương, ý thức tự giác vươn lên của mỗi người… không phải là chuyện có thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới