Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Yêu cầu đặt ra cho chính sách tiền tệ: chủ động, linh hoạt, hiệu quả

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống an toàn; thực hiện tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Đây là nội dung chính từ cuộc họp Thường trực Chính phủ vào sáng 6-12, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo TTXVN, từ đầu năm 2022, Việt Nam đã và đang khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Chính phủ cũng liên tục đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Chính phủ đã rà soát, có biện pháp chấn chỉnh hoạt động, cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… và hoạt động của các ngân hàng công khai, minh bạch, an toàn hơn, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan.

Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các bộ, ngành, địa phương cũng tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các chính sách tài khóa. Tích cực giải quyết có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các bộ ngành phải tiếp tục nắm vững tình hình, diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các khó khăn, rủi ro, có các giải pháp hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doan nghiệp và người dân.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Tăng cường giám sát, kiểm tra để tín dụng đi đúng, đi trúng mục tiêu và chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách. Kiểm soát các hoạt động tín dụng nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Về các giải pháp chính sách tài khóa, phải đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công; các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại hằng tuần, hằng tháng tiến độ giải ngân, điều chỉnh kịp thời theo hướng dẫn của bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ.

Có chính sách giá cả hợp lý đối với các lĩnh vực hàng không, thuốc, trang thiết bị y tế, xăng dầu… tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu nhưng khi có vấn đề đột xuất thì phải có công cụ quản lý của Nhà nước để ổn định lại thị trường, đưa thị trường trở lại vận hành bình thường.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương không để lặp lại tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ Y tế khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị, thuốc trong tháng 12-2022 và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá kỹ lưỡng thị trường lao động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Cơ quan chức năng phải có biện pháp khắc phục hiệu quả, phù hợp, cơ cấu lại thị trường lao động phù hợp giữa số lao động mất việc và nhu cầu tuyển dụng lao động; xây dựng, triển khai ngay chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là vào dịp Tết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới