Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Yếu tố quyết định luôn là sức mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Yếu tố quyết định luôn là sức mua

(TBKTSG) – Lần đầu tiên sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam chính thức nêu lên quan điểm của mình về mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.

Tại hội nghị “Định hình lại mô hình tăng trưởng châu Á” do Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Đại Liên, Trung Quốc, từ ngày 10 đến 12-9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra thông điệp: “Việt Nam vẫn sẽ dựa vào xuất khẩu, nhưng cơ cấu xuất khẩu sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm mạnh xuất khẩu thô, ưu tiên các ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, đồng thời chú trọng hơn tới thị trường nội địa cũng như trong khu vực” (theo website của Chính phủ).

Đây là một sự điều chỉnh cần thiết, nhất là trong bối cảnh sức mua của các thị trường Âu – Mỹ vẫn được dự báo còn chưa phục hồi trong cả vài năm tới và Việt Nam ngay từ mấy năm trước đã có chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô. (Xem thêm chuyên mục Sự kiện & Vấn đề: Chiến lược khai khoáng trên số báo này).

Tuy nhiên, định hướng chiến lược này không phải là điều dễ thực hiện. Hiện nay cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu nông sản thô như gạo, cà phê, chè hay tài nguyên như dầu thô, than đá… Muốn giảm mạnh xuất khẩu thô, cần phải xây dựng những ngành chế biến đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chiến lược thị trường rõ ràng, và xác định cho được vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Vấn đề quan trọng hơn là ứng xử như thế nào với thị trường nội địa, là nơi được kỳ vọng bù đắp vào mức sụt giảm xuất khẩu do nguyên nhân khách quan và cả nguyên nhân chủ quan do triển khai định hướng phát triển nói trên.

Khác với những phân tích về vai trò của doanh nghiệp, về chất lượng và giá cả sản phẩm, điều mà nhiều chuyên gia kinh tế nêu bật khi bàn về việc tái cấu trúc các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ sức mua của thị trường.

Đó là xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội vững chắc, trong đó cột trụ là nền y tế và giáo dục nằm trong tầm với của mọi người dân. Một điều tưởng chừng không liên quan như thế hóa ra có tác dụng rất lớn vì người dân sẽ yên tâm, không còn phải dành một phần lớn thu nhập cho những lúc khó khăn như mất việc, bệnh tật…

Một khía cạnh khác là cải cách toàn diện chế độ hưu bổng để người làm công ăn lương có thể yên tâm tiền lương hưu mà họ góp phần dành dụm đủ để nuôi sống họ trong tuổi già.

Trước mắt, cho dù có điều chỉnh chiến lược hay không, chúng ta cũng cần phải tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng với bối cảnh xuất khẩu suy giảm trước mắt và trong trung hạn. Ví dụ phải làm gì để giảm nhẹ thiệt hại cho những nông dân đã đổ vốn vào ngành nuôi cá, nuôi tôm mà sản lượng một khi không xuất khẩu hết cũng không thể tiêu thụ hết ở thị trường nội địa.

Một khi chưa có sự điều chỉnh đó, các biện pháp kích thích kinh tế nhắm vào tăng sản lượng càng làm nặng thêm tình hình dư thừa, thể hiện ở lượng hàng tồn kho lớn hiện nay. Tất cả những điều này đòi hỏi một cuộc thảo luận nghiêm túc, công phu để thu hút ý kiến của càng nhiều phía càng tốt để mục đích cuối cùng là tìm ra một mô hình phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường – không những cho hiện tại mà còn cho con cháu mai sau.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới