Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn bủa vây con đường trở thành trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu thế giới

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành chế biến gỗ xuất khẩu được dự báo sẽ mang về 25 tỉ đô la vào năm 2030, trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với muôn trùng khó khăn. Từ nỗi lo đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, công nhân không có việc làm, lãi suất ngân hàng tăng, lượng hàng tồn kho cao, tiền hàng bị trả chậm, họ còn gặp trở ngại trong khi việc hoàn thuế VAT bị ách tắc.

Doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu đang gặp khó khăn do lượng đơn hàng sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa: L.Hoàng

Bộ NN&PTNT cho rằng việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Trở ngại nối tiếp, khó khăn chồng chất

Ông Thang Văn Thông, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ván dăm, viên nén và ván ghép thanh, kể rằng thời gian qua công ty của mình khốn khó vì thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) phức tạp, kéo dài.

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ đang bị sụt giảm mạnh, các nhà sản xuất phải gồng mình xoay xở tài chính cho các khoản phải chi thường kỳ như tiền lương công nhân, lãi suất ngân hàng, nguyên liệu… và họ kỳ vọng vào khoản hoàn thuế VAT như một sự tiếp sức về vốn trong giai đoạn khó khăn này. Thế nhưng, trên thực tế, khâu hoàn thuế VAT lại đang rất chậm và ách tắc do không thể xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng đến cấp "F0".

Theo chia sẻ của ông Thông, quá trình thu mua dăm gỗ của các doanh nghiệp xuất khẩu theo một quy trình như sau: từ chủ rừng (F0) bán cho các thương lái (F1), các F1 lại bán cho F2, F3, F4… qua rất nhiều khâu mới đến doanh nghiệp xuất khẩu (Fn).

Doanh nghiệp Fn chỉ có thể truy xuất được 1-2 chủ thể trước họ chứ không thể truy xuất đến F0. Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu như Hào Hưng phải chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác (F0) không khác gì “mò kim đáy bể”, trong khi các quy định của cơ quan quản lý ngành không yêu cầu F0 phải có xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.

“Chính sách hoàn thuế VAT hiện nay của cơ quan thuế khiến các doanh nghiệp như Hào Hưng khốn đốn. Chúng tôi không được hoàn thuế khi không thể xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng đến F0”, ông Thông bộc bạch.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khác cho rằng việc cơ quan thuế căn cứ vào “sổ đỏ” để xác minh nguồn gỗ khai thác cũng rất bất cập bởi không phải tất cả các hộ trồng rừng đều được cấp “sổ đỏ”.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, gần đây, quản lý địa phương và công an xác minh truy xuất nguồn gốc tại các hộ trồng rừng. Những hộ này có bán hàng cho các xưởng dăm nhưng họ nói là không bán, dẫn đến nguồn gốc gỗ của doanh nghiệp không chứng minh được.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, cho rằng tính hợp pháp của sản phẩm gỗ đầu ra có sử dụng gỗ rừng trồng của hộ gia đình không chỉ phụ thuộc vào tính hợp pháp của nguồn đất đai của hộ trồng rừng mà còn phụ thuộc vào các bên tham gia các khâu trung gian.

Trong những năm qua, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu và quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu, giúp cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều bên tham gia các khâu trung gian của chuỗi có quy mô nhỏ lẻ, bao gồm hộ gia đình không đăng ký các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động phi chính thống và không hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Điều này đang xảy ra phổ biến đối với chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng hiện nay. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ hiện nay sử dụng gỗ rừng trồng không thể thực hiện được việc hoàn thuế VAT đối với các sản phẩm xuất khẩu, bởi cơ quan thuế cho rằng các bên tham gia các khâu trung gian của chuỗi không hoàn thành trách nhiệm thuế.

Một xưởng chế biến gỗ bóc. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trông chờ được hoàn thuế VAT

Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc/ván ép, viên nén đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong kinh doanh và sản xuất. Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực này cho biết đang lao đao, dòng tiền kiệt quệ vì bị ách tiền hoàn thuế VAT.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Anh đang suy giảm đến 50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiệm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. Đã có tình trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu, và một số hoạt động cầm chừng.

Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho rằng ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn, phải dừng xuất khẩu hoặc hoạt động cầm chừng, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.

Theo quy định, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4 và tháng 5-2022. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1-2022.

Có hàng trăm doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng với con số trên dưới 1.000 tỉ đồng thuế chưa được hoàn. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý tới vấn đề khó khăn này của doanh nghiệp gỗ xuất khẩu.

Vấn đề hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố (40 ngày) với thời gian thực tế (có thể lên tới nhiều tháng thậm chí cả năm), làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.

Trên thực tế, vấn đề này đã được Ban IV báo cáo Thủ tướng tại kỳ báo cáo tháng 4-5 năm 2021. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền. Do đó, Ban IV cho đây là một trong những trọng tâm mà Chính phủ cần tháo gỡ thời gian tới.

Mặt khác, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đã và đang làm theo yêu cầu của thị trường thế giới, tức phải truy xuất nguồn gốc và phải là gỗ rừng trồng. Cụ thể, nhiều thị trường nhập khẩu đều đặt ra điều kiện sản phẩm phải được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Nếu lô hàng đó không đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì sẽ bị trả lại. Điều kiện này gần như trùng với điều kiện của thủ tục hoàn thuế VAT.

Vẫn còn tình trạng nhiều thủ tục, quy định không đồng nhất về hoàn thuế xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh minh họa: TL

Tìm phương án, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc

Lý do dẫn đến tình trạng ách tắc như hiện nay là do nhiều thủ tục, quy định không đồng nhất về hoàn thuế xuất khẩu. Theo đó, hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 429/TCT- TTKT, Công văn số 2124/TCT-TTKT, Công văn số 2928/TCT-TTKT và Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27-10-2020… coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Do đó, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Điều này dẫn tới cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa phương đi xác minh tới từng chủ rừng bao gồm: diện tích rừng trồng có sổ đỏ hay không? diện tích rừng trồng có khớp với lượng gỗ kê khai của chủ lâm sản; người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực; có đủ năng lực cung cấp hàng; và gỗ có đủ tuổi để khai thác?

Khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản, thậm chí có địa phương còn đưa công an vào quá trình đi xác minh nguồn gốc gỗ.

Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc gỗ phức tạp, xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện bởi chuỗi cung ứng phức tạp. Hiện, có tới 80% nguồn nguyên liệu sử dụng trong ngành gỗ là nguồn gỗ từ rừng trồng, cây phân tán, cao su thanh lý trong nước (khoảng 40 triệu m3), trong đó chiếm 60% là gỗ trồng rừng của hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, do khối lượng khai thác ít, manh mún và đều ở vùng sâu, vùng xa, nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu (F4) đều không mua trực tiếp được nguyên liệu từ người dân/hộ trồng rừng (F0), mà phải mua từ các công ty thương mại (F3). Các công ty thương mại này lại mua nguyên liệu đầu vào từ rất nhiều đơn vị khác nhau, có thể là đơn vị thương mại khác, hay người dân, hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ (F1, F2)... phân tán ở nhiều vùng, nhiều địa phương, để gom được khối lượng gỗ đủ lớn cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. Và theo mô hình trên, để nguyên liệu tới được doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu thì ít nhất đã trải qua 3 đầu mối từ F0 tới F3. Do đó, việc xác minh nguồn nguyên liệu đầu vào “tới tận hộ dân” sẽ mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.

Đại diện Viforest đánh giá, Tổng cục Thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng. Trong đó yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm trên địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản là khó. Điều này rõ ràng là rất khó thực hiện với các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhiều nguồn rừng trồng.

Vào ngày 5-12, Bộ NN&PTNT có Công văn số 8187/BNN-TCLN ký gửi Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản… Nội dung đáng chú ý của công văn là Bộ này khẳng định: “Việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp".

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ NN&PTNN đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thuế VAT.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới