(KTSG Online) – Môi trường lãi suất thấp và doanh thu bảo hiểm xe cơ giới có xu hướng sụt giảm buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thay đổi định hướng kinh doanh thời gian gần đây.
- Bảo hiểm nhân thọ: Làm gì để người dân không quay lưng?
- Bảo hiểm Hàng không (VNI) kỳ vọng nội lực mới năm 2024
Thận trọng với chỉ tiêu kinh doanh
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024, đại diện Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh cho biết cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp, gồm: 57% vào tiền gửi ngân hàng, 28,5% vào trái phiếu, 8,6% vào cổ phiếu, còn lại là hình thức đầu tư khác.
Với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ khoảng 4% một năm, thấp hơn 50% so với đầu năm 2023, doanh nghiệp dự kiến doanh thu tài chính năm 2024 chỉ ở mức 313 tỉ đồng trong năm 2024, giảm 27% mức thực hiện năm 2023. Để khắc phục khó khăn, doanh nghiệp đã nghiên cứu mở rộng các kênh đầu tư, thay vì tập trung vào tiền gửi ngân hàng.
Tương tự, ông Trần Xuân Hoàng, đại diện HĐQT Tổng công ty cổ phần bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết mặt bằng lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp là cơ sở để ban điều hành BIC xem xét đẩy mạnh đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, BIC sẽ giữ tỷ trọng tiền gửi tương tự các năm trước (năm 2023 là khoảng 80% - PV) để đảm bảo an toàn vốn, cũng như nhằm hỗ trợ hoạt động bán chéo qua các ngân hàng.
Với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm bưu điện (PTI), danh mục đầu đầu tư tập trung vào các tài sản thanh khoản cao là tiền gửi và trái phiếu, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng danh mục. Trong môi trường lãi suất thấp hiện tại, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch PTI cho biết sẽ nghiên cứu chuyển dịch sang các công cụ đầu tư khác, đồng thời có định hướng giảm tỷ trọng tiền gửi, gia tăng tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
“PTI trong nhiều năm qua chưa tích lũy được tài sản để tạo lợi nhuận ổn định và bền vững, gần như toàn bộ danh mục hiện tại là tiền gửi. Đây là thách thức lớn cho PTI trong thời gian tiếp theo, làm thế nào để đi tìm được các tài sản có thu nhập bền vững”, bà Hương nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024.
Bên cạnh môi trường lãi suất thấp, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới nói chung và xe ô tô nói riêng - vốn là nghiệp vụ kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu - cũng liên tục sụt giảm những năm gần đây. Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy doanh thu bảo hiểm cơ giới đạt mức 17.754 tỉ đồng năm 2023, giảm 1,9% so với năm 2022. Còn giá trị bồi thường ở mức 9.315 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường là 52,5% và là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao nhất, xếp sau là bảo hiểm tàu và bảo hiểm sức khỏe với tỷ lệ lần lượt là 35,7% và 34,6%.
Phân loại cụ thể, doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt mức 4.342 tỉ đồng - giảm 0,6%, trong khi giá trị bồi thường ở mức 948 tỉ đồng, - tương ứng tỷ lệ bồi thường là 21,8%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỉ đồng - giảm 2,4%, trong khi giá trị bồi thường ở mức 8.366 tỷ đồng – tương ứng tỷ lệ bồi thường là 62,4%.
Như vậy tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe ở mức cao là nguyên nhân chính khiến nhiều hãng bảo hiểm hụt thu ở mảng này.
Với PTI, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới năm 2023 giảm 22,53% do tỷ lệ bồi thường vật chất xe năm 2022 là 66,8% - cao hơn tỷ lệ bồi thường kế hoạch 6%, dẫn tới lỗ nghiệp vụ 165 tỉ đồng.
Để giải quyết khó khăn, doanh nghiệp đã chủ động đánh giá lại cơ cấu sản phẩm, áp dụng chính sách nghiệp vụ chặt chẽ. Trước mắt, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh các dòng sản phẩm có hiệu quả với chi phí phân phối thấp, thay vì tập trung tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá như trước đây.
Theo đó, doanh thu nghiệp vụ xe máy giảm 34,09%, do doanh thu khai thác qua VNPost và Thế giới Di động giảm, sau chính sách cắt giảm nhân sự, số lượng cửa hàng của đối tác.
Chiến lược tái cơ cấu này, theo ban lãnh đạo PTI, dự kiến tiếp tục được triển khai trong năm 2024, nên doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe tiếp tục giảm.
Tương tự, tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024 Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), ông Đoàn Kiên - Tổng giám đốc BSH dự báo thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 còn chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn, có thể tiếp tục tăng trưởng âm về doanh số. Do đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe ô tô cũng được dự báo kém khả quan, thậm chí tăng trưởng âm trong năm nay.
Mặt bằng lãi suất huy động thấp, bối cảnh kinh tế vĩ mô còn tồn tại nhiều khó khăn khiến không ít đơn vị thận trọng trong việc xây dựng chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.
PJICO đặt mục tiêu doanh thu khá khiêm tốn, với doanh thu bảo hiểm gốc chỉ “không thấp hơn kết quả thực hiện năm 2023”. BIC lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu hơn 14%, song chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 4,5% - dù từng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gần 20% trong năm 2023. Thận trọng hơn, PVI đặt kế hoạch lợi nhuận giảm hơn 13%, dù doanh thu mục tiêu tăng khả quan.
Kỳ vọng từ kế hoạch tăng vốn và kênh bancassurerance
Khác với trước đây, khi chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ báo doanh số bán bảo hiểm qua kênh bancassurance, thì nay các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng tự tin công bố con số này.
Tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC), doanh thu từ kênh bancassurance đạt 1.483 tỉ đồng năm 2023, tăng 21% so với năm trước và chiếm tới 32% tổng doanh thu. Với ba tháng đầu năm 2024, kênh này ghi nhận mức tăng trưởng 24%, một mức tăng trưởng tương đối cao.
Trong số các nghiệp vụ kinh doanh, nghiệp vụ bảo hiểm con người - chiếm tỷ trọng 25% trong tổng doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp - dự kiến tiếp tục được đẩy mạnh qua các kênh phân phối gồm bancassurance, đại lý và kênh số trong năm 2024.
Ông Đinh Như Tuynh, Tổng giám đốc MIC cho biết với trên nền tảng của ngân hàng mẹ MB và mối quan hệ liên kết với 13 ngân hàng khác, thì bancassurance sẽ là kênh bán hàng chủ lực của doanh nghiệp trong năm nay và các năm sau. Hiện kênh này đang duy trì mức tăng trưởng hai chữ số mỗi năm.
Tương tự MIC, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) cũng phát triển thêm đối tác ngân hàng mới, đưa tổng số ngân hàng đối tác lên con số 13 trong năm 2023.
Mạng lưới ngân hàng đối tác rộng lớn góp phần giúp bancassurance mang về doanh số tương ứng khoảng 17,9% tổng doanh thu cho doanh nghiệp năm 2023. Ngoài ra, chương trình thúc đẩy kênh bán qua ngân hàng cũng giúp doanh thu của VNI tăng trưởng 5,5% trong cùng năm.
Với năm 2024, tăng cường doanh thu từ bán bảo hiểm sức khỏe qua kênh ngân hàng đang là mục tiêu đơn vị này hướng tới.
Bên cạnh động thái thúc đẩy phân phối sản phẩm qua kênh bancassurance, một số đơn vị đã khởi động lại kế hoạch tăng vốn.
Với PTI, các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024 đã thông qua phương án phát hành gần 40,2 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1, để tăng vốn điều lệ từ 804 tỉ đồng lên 1.205,9 tỉ đồng.
Với MIC, việc tăng vốn điều lệ từ 1.726 tỉ đồng lên 2.014 tỉ đồng được thực hiện qua việc phát hành thêm 28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng một cổ phiếu.
Việc tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp bảo hiểm hướng tới hai mục tiêu chính, gồm: tăng cường năng lực tài chính trong hoạt động bảo hiểm để nâng cao năng lực giữ lại với các hợp đồng/nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, mở rộng hoạt động đầu tư tài chính.
Cụ thể, Thông tư 67/2023 của Bộ Tài chính quy định, mức trách nhiệm giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu với nghiệp vụ tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.
Theo đánh giá của HĐQT PTI, đơn vị này sở hữu năng lực về vốn ở mức thấp so với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Theo đó, các chỉ số như biên khả năng thanh toán, tỷ lệ an toàn vốn (BCAR) đều thấp hơn doanh nghiệp khác. Đơn vị cũng bị AM Best đánh giá triển vọng ở mức tiêu cực (negative outlook) do thiếu vốn.
Lãnh đạo PTI cũng cho rằng quy mô vốn điều lệ nhỏ khiến doanh nghiệp bảo hiểm khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ.
“Quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Bởi thế, tăng vốn điều lệ giúp tăng năng lực tài chính, PTI có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch PTI nhận định.
Với MIC, ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT đánh giá việc bổ sung vốn giúp doanh nghiệp tăng mức giữ lại với các hợp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, qua đó gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, MIC đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số, cần vốn để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các dự án công nghệ, dự án chuyển đổi theo các sáng kiến chiến lược giai đoạn 2022 - 2026.
Ngoài ra, tăng vốn còn nhằm thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating), phát triển mạng lưới, tăng cường năng lực đầu tư, sức cạnh tranh, khả năng thắng thầu.
Về đấu thầu bảo hiểm, Chủ tịch MIC thừa nhận doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong cạnh tranh đấu thầu các dự án lớn, đòi hỏi quy mô vốn lớn, dù đơn vị hiện nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm và quy mô vốn chủ sở hữu. Theo đó, việc tăng vốn, ngoài giúp tăng vị thế trên bảng xếp hạng, còn giúp tăng năng lực tài chính – qua đó đáp ứng các điều kiện và tăng khả năng trúng thầu các dự án.