Thứ Năm, 22/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán phục hồi, khối ngoại quay lại mua ròng…

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cùng với đà phục hồi của thị trường trong những phiên gần đây, đáng lưu ý là động thái mua ròng trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều gì đang dẫn dắt thị trường và có thể làm đảo chiều chiến lược giao dịch của khối ngoại?

Ngày 16-8-2024, VN-Index đã bật tăng trở lại với khối lượng giao dịch cũng tăng vọt gấp 2,1 lần so với phiên trước đó, đã mang lại sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư. Ảnh: LÊ VŨ

Phục hồi tích cực

Sau khi điều chỉnh về mức thấp nhất 1.185 điểm vào ngày 5-8-2024, chỉ số VN-Index đã bật tăng trở lại gần 80 điểm, tương đương tăng 6,5% kể từ đó tính đến phiên giao dịch đầu tuần này (19-8-2024). Đặc biệt, phiên tăng mạnh gần 30 điểm trong ngày cuối tuần trước, với khối lượng giao dịch cũng tăng vọt gấp 2,1 lần so với phiên trước đó, đã mang lại sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư.

Tiếp đến, trong phiên giao dịch đầu tuần này, VN-Index tăng thêm gần 10 điểm. Như vậy, chỉ trong vòng hai phiên nói trên, VN-Index đã tăng đến 40 điểm, tương đương một nửa mức tăng trong 10 phiên giao dịch tính từ ngày 6-8 đến ngày 19-8.

Nỗi lo sợ về rủi ro điều chỉnh từ thị trường thế giới dường như đã lắng xuống, khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Mỹ đã trải qua tám phiên tăng liên tiếp tính đến đầu tuần này. Tuần trước cũng đã ghi nhận mức tăng lớn nhất của cả ba chỉ số chính trong năm nay.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất có lẽ đã bị làm quá lên, khi mà mức lãi suất dù sau hai lần tăng của BoJ vẫn đang là mức thấp nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, các quan chức của BoJ gần đây cũng đã bác bỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong ngắn hạn, khi chứng kiến sự chao đảo của thị trường tài chính toàn cầu do tác động của lần tăng lãi suất gần nhất vào cuối tháng 7 vừa qua của BoJ.

Đà tăng của thị trường chứng khoán trong những ngày vừa qua và động thái mua ròng trở lại của khối ngoại dường như cũng đang phản ánh trước kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới.

Điều quan trọng hơn là kinh tế trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn, thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam có tháng thứ 2 liên tiếp đạt mốc 54,7 điểm vào tháng 7 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn, cũng như tín dụng toàn nền kinh tế đang tăng mạnh mẽ trở lại. Vì vậy, nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán sẽ sớm khởi sắc, khi đây luôn được xem là phong vũ biểu do thường đi trước diễn biến nền kinh tế ít nhất sáu tháng.

Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay thấp cùng với các gói cho vay ưu đãi dành cho khách hàng mua nhà của các ngân hàng, các dự án bất động sản dần được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cũng như việc Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai mới có hiệu lực từ đầu tháng 8 này. Cùng với nhóm chứng khoán, cổ phiếu bất động sản là một trong những động lực kéo thị trường phục hồi trong nửa tháng qua.

Khối ngoại quay lại mua ròng

Cùng với đà phục hồi của thị trường, đáng lưu ý là động thái mua ròng trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi bán ròng mạnh mẽ trong những ngày đầu tháng 8, giai đoạn thị trường cũng đang lao dốc mạnh, từ phiên ngày 9-8 đến phiên ngày 19-8 khối ngoại đã có 5/7 phiên mua ròng, với tổng giá trị 1.045 tỉ đồng trên ba sàn, đánh dấu chuỗi mua ròng tích cực tính từ đầu năm đến nay. Khối ngoại mua ròng lớn ở các mã VNM, MSN, KDC, VCB, MGW…

Lũy kế từ đầu năm đến nay khối ngoại vẫn đang bán ròng gần 63.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc mua ròng trở lại trong những phiên gần đây có thể phát đi những tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn tới.

Ngoài triển vọng kinh tế Việt Nam đang tích cực hơn, rủi ro tỷ giá hiện nay cũng đã giảm bớt nên có thể khuyến khích dòng tiền khối ngoại quay trở lại.

Tính từ đầu tháng 8 đến nay, tiền đồng đã tăng trở lại xấp xỉ 1% so với đô la Mỹ ở thị trường trong nước, trong bối cảnh chỉ số USD Index cũng giảm 2,5% trong cùng khoảng thời gian. Giới phân tích thời gian qua nhận định tiền đồng có thể tăng giá trong những tháng cuối năm nay, và điều này dường như đang diễn ra, khi đô la Mỹ có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới trước triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất đang ngày càng đến gần hơn.

Đà tăng của thị trường chứng khoán trong những ngày vừa qua và động thái mua ròng trở lại của khối ngoại dường như cũng đang phản ánh trước kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới. Trước thềm hội nghị thường niên Jackson Hole diễn ra trong tuần này, với sự tham dự của các quan chức Fed và các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương (NHTƯ) từ khắp nơi trên thế giới, câu hỏi chính đặt ra là Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ như thế nào.

Dù một số ý kiến cho rằng Fed cần triển khai từ tốn việc giảm lãi suất, nhưng hiện các nhà đầu tư đang đặt cược khả năng 100% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, đánh dấu lần giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong bốn năm trở lại đây. Xác suất Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 18-9 là khoảng 70%, trong khi xác suất Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần cắt giảm này là khoảng 30%.

Thị trường cũng dự đoán đến hết năm nay, Fed sẽ giảm lãi suất đến 1% từ mức hiện tại ở 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 23 năm qua. Đồng nghĩa, trong ba cuộc họp cuối cùng của năm nay, lần họp nào cũng có thể chứng kiến NHTƯ lớn nhất thế giới này giảm lãi suất và sẽ có ít nhất một lần giảm 0,5 điểm phần trăm nhằm đuổi kịp chính sách nới lỏng của các NHTƯ khác. Trước Fed, các NHTƯ lớn khác như NHTƯ Anh (BoE), NHTƯ châu Âu (ECB) và NHTƯ Canada (BoC) đều đã hạ lãi suất.

Do lạm phát ở Mỹ hồi đầu năm nay có dấu hiệu tăng nhanh trở lại nên Fed có chủ trương thận trọng, dẫn tới trì hoãn việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế bởi lãi suất cao duy trì quá lâu đang hiển hiện, cùng với lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn, có thể buộc Fed phải hành động giảm lãi suất nhanh hơn và quyết liệt hơn. Trước đó, báo cáo việc làm xấu hơn kỳ vọng trong tháng 7 đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, góp phần gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu toàn cầu, dẫn tới một bộ phận nhà đầu tư và chuyên gia kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp.

Bên cạnh đó, số liệu công bố vào tuần vừa rồi cho thấy mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 7 giảm còn 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong ba năm. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, còn tăng 2,6% trong tháng 6. PCE toàn phần – chỉ số mà Fed dựa vào để đặt mục tiêu lạm phát 2%, cũng có mức tăng 2,5% trong tháng 6.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới