(KTSG Online) - Mặc dù giá dừa đang tốt hơn năm trước nhưng tình hình hạn mặn, mùa khô kéo dài đã khiến năng suất dừa toàn tỉnh Bến Tre giảm, đẩy người nông dân trồng dừa rơi vào tình cảnh "được giá" nhưng... "mất mùa".
- HDBank chung tay xây cầu nông thôn tặng bà con Bến Tre
- Tập đoàn TTC đồng hành cùng quê hương Bến Tre
Theo ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, từ tháng 4-2024, nước mặn 4‰ xâm nhập đến địa bàn tỉnh cách cửa sông từ 42 – 50 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 53 – 75 km. Xâm nhập mặn tác động xấu đến quá trình sinh trưởng của các loại cây ăn trái, rau màu, cây nông nghiệp lâu năm gây thiệt hại cho người nông dân.
Trong đó, cây dừa bị ảnh hưởng nặng, khiến cho năng suất dừa giảm, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân ở đây. Không chỉ vậy, tình hình đất nhiễm mặn còn tác động xấu đến cây dừa vào các vụ mùa sau. Năng suất thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng vào mùa nắng nóng đã đẩy người nông dân trồng dừa vào cảnh được giá nhưng lại mất mùa.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 79.000 héc-ta diện tích đất canh tác dừa, chiếm khoảng 40% diện tích dừa của cả nước. Trong đó, một số vùng cập sông Hàm Luông ở phía Bắc của Mỏ Cày, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Châu Thành bị ảnh hưởng rất lớn do xâm nhập mặn. Đồng thời, nếu không khắc phục được hạn mặn năm nay thì sẽ ảnh hưởng đến vụ dừa tiếp theo.
Tỉnh Bến Tre hiện tại đang trồng hai loại dừa chính, dừa công nghiệp dùng lấy cơm để chế biến sản phẩm và loại dừa để uống như dừa xiêm. Giá dừa xiêm hiện tại biến động rất nhiều, khung dao động cao từ 40.000 – 70.000 đồng/chục dừa. Trước đó, giá dừa xiêm tháng 3 nằm ở mức chỉ 25.000 – 45.000 đồng/chục. Đối với dừa dùng để chế biến, cùng kỳ năm trước có giá 50.000-60.000 đồng/chục, năm nay tăng lên thành 60.000 – 80.000 đồng/chục.
Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cũng cho biết mặc dù giá dừa đang tốt hơn nhưng vì tình hình hạn mặn, mùa khô kéo dài khiến cho năng suất toàn tỉnh giảm hơn 10% so với năm trước.
Theo bà Phạm Thị Lin, một nông dân trồng dừa tại huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), xâm nhập mặn thường sẽ gây khô trái, teo trái, trái đậu không nhiều… làm giảm năng suất thu hoạch, tác động xấu đến quá trình sinh trưởng của cây dừa, khiến tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm vào vụ, thương lái thường thu mua với giá khoảng 40.000 – 50.000 đồng/ chục trái. Năng suất thu hoạch giảm khiến lợi nhuận giảm theo, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân ở đây. Nếu như trước đây mỗi tháng, bà Lin kiếm được từ 5 triệu – 8 triệu đồng trên 1 héc-ta dừa thì giờ đây chỉ thu được từ 2 triệu – 3 triệu đồng. Ngoài ra, ở những khu vực bị nhiễm mặn nặng, cây dừa con thậm chí bị chết gốc do hạn hán và độ mặn của đất quá cao.
Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của dừa trong vụ hiện tại mà còn gây những tác động xấu đối với các vụ tiếp theo. Vì dừa là cây trồng lâu năm, quá trình đất nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến đất rồi thân cây dừa từ từ… Theo những người nông dân tại huyện Mỏ Cày Bắc, nếu hạn mặn làm giảm năng suất mùa vụ năm nay khoảng 20% thì sẽ ảnh hưởng thất mùa cho năm sau đến 60%.
Ông Nguyễn Thanh Phong, một hộ dân trồng dừa ở huyện Giồng Trôm, cho biết mặc dù đã dự báo trước hạn mặn, tuy nhiên các biện pháp ứng phó vẫn chưa thể cải thiện được tình hình hiện nay. Nguồn nước ngọt dự trữ không đủ để sinh hoạt và sử dụng cho sản xuất vì năm nay mùa khô kéo dài, thời tiết nóng bức và tỷ lệ nhiễm mặn của đất cũng tăng cao so với các năm trước. Hạn mặn ảnh hưởng nặng nề đến năng suất của vườn dừa.
Lý giải cho việc giảm năng suất, ông Phong cho biết hạn mặn khiến dừa bị treo trái, nguồn nước ngọt dự trữ lại không đủ vì mùa khô kéo dài lâu hơn dự tính. Lúc bình thường, bình quân một tháng có thể thu hoạch được gần 2.000 trái/héc-ta nhưng trong đợt hạn mặn, số lượng dừa giảm đi một nửa.
Giảm năng suất gây ra tình trạng khan hiếm dừa, mặc dù giá dừa cao trên 80.000 đồng/chục nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thương lái, dẫn đến tình trạng được giá lại mất mùa. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như phân bón, chi phí cải tạo đất nhiễm mặn lại tăng cao, khiến cho người nông dân hầu như không có lãi trọng vụ mùa năm nay và đứng trước nguy cơ thất mùa cho năm sau vì xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến các cây lâu năm.
Hiện nay, người dân tại các khu vực bị nhiễm mặn không thể sử dụng nước để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ do nước muối có tính ăn mòn cao, gây hư hại hệ thống dẫn nước, vật dụng chứa nước…
Không chỉ vậy, không có nước ngọt, nông dân không thể tưới tiêu các loại cây ăn trái, cây hoa màu, lương thực… dẫn đến năng suất thu hoạch thấp, chất lượng nông sản không cao. Đồng thời, nước mặn phá huỷ cấu trúc đất, giảm khả năng phát triển của rễ cây, giảm khả năng thẩm thấu và thoát nước trong đất, gây thiếu khí cho sự phát triển của bộ rễ. Cây không thích nghi được môi trường mặn xảy ra vấn đề chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.
Dự báo trước tình hình trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân ở đây chủ động trong việc dự trữ nước ngọt, đắp đê, đào mương và sử dụng tiết kiệm nước trong trường hợp hạn mặn kéo dài.