Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc sẽ bỏ rơi DNNN?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc sẽ bỏ rơi DNNN?

Phúc Minh

Trung Quốc sẽ bỏ rơi DNNN?
Lần đầu tiên, Bắc Kinh cảnh cáo nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Trung Quốc để hai doanh nghiệp nhà nước phá sản, báo trước nhiều doanh nghiệp nhà nước bị phá sản tiếp theo. Động thái này cũng cho thấy Trung Quốc đang thực hiện cam kết giảm bớt mức độ can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế.

>> Nhân dân tệ mất giá, vì sao?

Ngày 13-3, tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề ra những định hướng cho chính sách kinh tế năm 2014. Lần đầu tiên, Bắc Kinh cảnh cáo nhiều doanh nghiệp nhà nước bị phá sản.

Từ vụ phá sản của công ty Chaori Solar

Đầu tháng 3-2014, tập đoàn cung cấp thiết bị chế tạo pin mặt trời Chaori Solar (Siêu Nhật Thái Dương) thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, thông báo vỡ nợ trái phiếu phát hành cách nay hai năm. Cụ thể, Chaori không thể trả 90 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,6 triệu đô la Mỹ) tiền lãi đúng hạn cho các chủ nợ.

Được thành lập cách nay hơn 10 năm, Chaori phát triển nhanh theo mô hình vay nợ mới để thanh toán nợ cũ. Tất cả diễn ra suôn sẻ đến khi Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn “vỡ bong bóng pin mặt trời” – giai đoạn các xí nghiệp lao vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngày càng nhiều, mạnh dạn đi vay để mở rộng khả năng sản xuất trong lúc nhu cầu tại thị trường thế giới và Trung Quốc bắt đầu bão hòa.

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc mất khả năng thanh toán mà không một ngân hàng nhà nước nào hay chính quyền địa phương can thiệp để cứu giúp.

Trước đó, Trung Quốc thường thông qua hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát hay các chính quyền địa phương để can thiệp, tránh cho các doanh nghiệp nhà nước mất khả năng thanh toán. Tháng 1-2014, Trung Quốc vừa cứu quỹ đầu tư China Credit.

Trường hợp của Chaori Solar được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế Trung Quốc: Thúc đẩy tiến trình mở cửa kinh tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mà đến nay vẫn do nhà nước độc quyền kiểm soát.

Đến vụ vỡ nợ của công ty bất động sản Zhejiang Xingrun

Những ngày gần đây, công ty bất động sản Zhejiang Xingrun (Chiết Giang Hưng Nhuận) thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cũng trên bờ vực phá sản. Công ty này nợ 15 ngân hàng trong nước tổng cộng 2,4 tỉ nhân dân tệ (hơn 390 triệu đô la Mỹ) và nợ các nhà đầu tư khác 1,1 tỉ nhân dân tệ (gần 179 triệu đô la Mỹ), trong khi tài sản chỉ có 3 tỉ nhân dân tệ (gần 488 triệu đô la Mỹ).

Trên thị trường bất động sản, chuyện vỡ nợ là bình thường nhưng vụ vỡ nợ của công ty Zhejiang Xingrun làm gia tăng lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đến các công ty đang chìm ngập trong nợ nần.

Những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc vay nặng lãi để mua đất và xây nhà. Sau đó, lợi dụng giá nhà đất tăng cao, các công ty này dùng số đất và nhà làm tài sản thế chấp để tiếp tục vay.

Đặc biệt, những tuần gần đây, các công ty bất động sản tại các thành phố Hàng Châu, Thường Châu, Thành Đô và Ninh Ba bắt đầu hạ giá nhà đất. Các công ty này đều cho biết phải vay nặng lãi của các ngân hàng ngầm.

Cho thị trường vai trò quan trọng hơn

Câu hỏi đặt ra là vì sao không chỉ Trung Quốc mà ngay cả châu Âu và Mỹ dư luận cũng dồn sự chý ý vào những vụ phá sản của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc?

Chaori Solar là doanh nghiệp tương đối nhỏ và vụ vỡ nợ chưa đầy 15 triệu đô la Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, qua vụ Chaori Solar, người ta thấy Trung Quốc đang thực hiện cam kết giảm bớt mức độ can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế, dành cho thị trường vai trò quan trọng hơn.

Tối ngày 18-3, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng bác bỏ việc can thiệp vào vụ vỡ nợ của công ty bất động sản Zhejiang Xingrun.

Những vụ việc trên là tín hiệu Trung Quốc gửi đến các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước rằng nhà nước sẽ không còn đứng ra đảm bảo cho tất cả doanh nghiệp. Có vay thì có trả, không trả được nợ thì bị phá sản.

Tờ Financial Times (Anh) ngày 14-3 nêu lên câu hỏi phải chăng Trung Quốc đang đứng trước thời điểm như Mỹ vào mùa thu năm 2008 khi chính phủ quyết định bỏ rơi tập đoàn ngân hàng Lehman. Phải chăng tại Trung Quốc, thời kỳ các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước ỷ lại vào nhà nước để đi vay bừa bãi mà không sợ bị vỡ nợ đã đi qua?

Ngày 17-3, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng vừa chính thức nới rộng biên độ tỷ giá nhân dân tệ từ 1% đến 2%. Động thái này là biện pháp mới nhất của Ngân hàng trung ương Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc quốc tế hóa nhân dân tệ và nới lỏng kiểm soát ngoại hối. Nhân dân tệ liên tục mất giá trong những ngày gần đây cho thấy không phải lúc nào đồng tiền này cũng tăng và an toàn.

Giới hạn hoạt động của hệ thống tài chính ngầm

Mục tiêu sau cùng của Trung Quốc chính là giới hạn bớt rủi ro nợ khó đòi và hoạt động của hệ thống tài chính ngầm. Khi khả năng vỡ nợ không còn là kịch bản không bao giờ xảy ra, các chủ nợ cần có nhiều đảm bảo hơn.

Tính chung, cả nợ của nhà nước và tư nhân Trung Quốc hiện hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong hai năm rưỡi qua, tổng nợ công của các chính quyền địa phương trên toàn quốc tăng tổng cộng 70%.

Trong quí 4-2013, nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc tăng thêm gần 5 tỉ đô la Mỹ so với quí trước đó, lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2008.

Theo cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế Standard & Poor's, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang nợ tổng cộng 13.800 tỉ đô la Mỹ.

Hệ thống tài chính ngầm là nguyên nhân đẩy nợ công của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng vọt trong thời gian gần đây. Theo nghiên cứu của ngân hàng JP Morgan, các quỹ tín dụng ngầm làm chủ các khoản nợ tương đương 70% GDP cả nước trong năm 2012.

Tại cuộc họp báo ngày 13-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến những rủi ro tài chính và mối đe dọa do nợ nần chồng chất mang lại.

Nhà đầu tư cần thận trọng

Điều khiến giới tài chính thế giới chú ý là vụ phá sản của Chaori Solar và Zhejiang Xingrun chỉ là những vụ đầu tiên, báo trước nhiều vụ phá sản khác.

Chỉ riêng trong ngành năng lượng mặt trời, trong năm nay, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phải thanh toán trái phiếu đáo hạn khoảng 8 tỉ đô la Mỹ – khá nhỏ so với nợ của các ngành như công nguyện luyện thép, tàu thủy hay khai thác than đá…

Năm 2008, tổng số nợ dưới dạng trái phiếu của 945 tập đoàn nhà nước tham gia sàn chứng khoán Trung Quốc lên tới 1.820 tỉ nhân dân tệ (hơn 296 tỉ đô la Mỹ). Đến năm 2014, khối lượng trên nhân lên hơn gấp đôi, đến hơn 4.700 tỉ nhân dân tệ (hơn 744 tỉ đô la Mỹ).

Trong khi đó, vụ phá sản của công ty Zhejiang Xingrun hình thành nên lời cảnh báo đối với ngành công nghiệp bất động sản quá nóng của Trung Quốc. Ngành công nghiệp bất động sản chiếm đến 16% GDP của Trung Quốc.

Điều mà Trung Quốc không muốn trông thấy là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thêm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và không trả được nợ đáo hạn. Đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến trái phiếu của nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị bán đổ bán tháo, tạo nên làn sóng khủng hoảng tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới