Để dân sợ, có nên không?
Nguyễn Vũ
(TBKTSG Online) - Vì sao ngành cảnh sát giao thông phải ra quy định cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ không được rình, nấp sau gốc cây, chỗ khuất để “bắt bài” các vụ vi phạm luật giao thông?
Đó không chỉ là vì hình ảnh, tác phong của người cảnh sát giao thông; đó còn là nguyên lý của luật pháp: làm sao để người dân hiểu và chủ động chấp hành luật lệ thành một thói quen cơ hữu chứ không phải vì sợ người đại diện công quyền mà làm theo. Thói quen đầu tiên sẽ giúp duy trì trật tự xã hội ở ngay những nơi những lúc không có bóng dáng cảnh sát giao thông; cái sau sẽ tập thói quen cho người dân dáo dác nhìn quanh rồi vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến, đi ngược chiều, chạy lên lề đường mỗi khi vắng bóng người đại diện công quyền.
Vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai, từ các thông tin đã được công khai mấy ngày qua, cho thấy một điều: trong khi nhận thức của người dân nói chung và báo chí nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tuân thủ pháp luật, dùng pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì cơ quan công quyền vẫn còn giữ tâm lý xưa cũ: hù dọa, rồi biện bạch, rồi thanh minh cho hành động của mình mà không thấy lẽ ra nhiệm vụ của họ trước hết là giúp người dân chấp hành luật pháp.
Giả thử tiệm vàng Hoàng Mai có mua bán ngoại tệ mà không có giấy phép hay thậm chí mua bán vàng miếng, là hành vi đã bị cấm sau những thay đổi về luật lệ gần đây thì nhiệm vụ của cơ quan quản lý là chấn chỉnh để họ không làm trái pháp luật chứ không phải triệt tiêu con đường kinh doanh hợp pháp khác của họ như đòi niêm phong luôn vàng nữ trang, là loại vàng người dân có quyền kinh doanh. Thực tế cho thấy hành xử của cơ quan công quyền làm người dân hoảng sợ đến mức ngưng kinh doanh cho đến hết năm nay. Như thế xét về mặt quản lý cũng như tạo điều kiện để người dân kinh doanh hợp pháp là đã thất bại.
Những tình tiết liên quan đến vụ việc như dư luận nghi ngờ người vào mua bán 100 USD là “cài cắm”, bên công an phủ nhận không có chuyện đó; dư luận nghi ngờ ngày ký lệnh khám xét là ký trước, bên công an nói ghi nhầm ngày… nói cho cùng chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nhưng nó nói lên một điều rất quan trọng: ý thức của người dân đã được nâng cao, rằng luật pháp đã quy định rõ chứng cứ nào thu thập không đúng trình tự, không theo đúng thủ tục sẽ không được xem là hợp lệ. Ở hướng ngược lại, rõ ràng bước đầu cơ quan công an Bình Thạnh phải phủ nhận chuyện “cài người”, chuyện ký khống hay ký trước lệnh khám xét vì không thể bỏ qua trình tự mà pháp luật đã quy định rõ. Trước đây rất có thể họ sẽ bất kể những trình tự này.
Điều quan trọng hơn nữa, báo chí thông qua các ý kiến xác đáng của các chuyên gia như luật sư hay đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định những sai sót của cơ quan công an như niêm phong 559 lượng vàng mặc dù nó không liên quan gì đến vụ việc. Nếu như công luận không lên tiếng, sẽ không thể có chuyện công an phải tháo gỡ niêm phong, trả vàng lại cho người dân ngay trong vòng mấy ngày.
Và một khi báo chí làm đúng vai trò, làm cầu nối thông tin giữa các nguồn tin có thẩm quyền và người dân, khả năng kiến thức luật pháp của người dân sẽ được tăng lên là rõ ràng. Ví dụ, nay người dân biết rõ chủ tịch UBND quận huyện không có thẩm quyền ký quyết định về một vi phạm hành chính mà lại khám xét nơi kinh doanh. Khi nghi vấn có việc mua bán ngoại tệ trái phép thì chỉ được dừng ở tang vật liên quan chứ không được khám xét két sắt, hộc tủ, hay nói cách khác không được lạm quyền.
Như vậy cách quản lý những hành vi liên quan đến kinh tế, kinh doanh mà làm cho dân sợ để ép tuân thủ sẽ chẳng còn mấy tác dụng. Ngược lại, một khi ý thức pháp luật của người dân được nâng lên, những cách hù dọa lại có thể phản tác dụng.
Ngày hôm qua, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: "Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó". Thiết nghĩ cách ứng xử hay nhất là quan chức quận Bình Thạnh, kể cả bên công an, không nên đôi co nữa; nên học bài học nóng hổi hôm qua, xin lỗi người dân về những sai sót đã rõ trong vụ khám xét này và sau đó cứ xử lý nghiêm minh những sai phạm đã xác minh. Làm được vậy thì người dân sẽ tâm phục, khẩu phục mà chấp hành luật pháp.
Theo tôi, một xã hội mà khi hữu sự người dân thấy bóng dáng công an, cảnh sát là mừng rỡ vì sẽ được bảo vệ, sẽ được người thi hành công lực bảo đảm công lý được duy trì thì mới là xã hội bình thường. Một xã hội mà người dân phải lo đối phó, thấy cảnh sát giao thông thì nghĩ ngay đến phong bì; thấy hải quan nghĩ ngay đến bao thư là xã hội không bình thường.