Vì sao NHNN phải quản lý chặt thị trường vàng?
Hồ Quốc Tuấn
Việc NHNN nắm quyền quản lý và phải quản lý chặt thị trường vàng như hiện nay là kết quả tất yếu của chính sách “ổn định vĩ mô” của Chính phủ. Ảnh: KINH LUÂN |
(TBKTSG) - Gần đây có hai việc liên quan tới chuyện vàng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến người viết phải suy nghĩ về vai trò của NHNN đối với việc quản lý vàng trong nền kinh tế.
Thứ nhất, là chuyện niêm phong hơn 500 lượng vàng ở tiệm vàng Hoàng Mai, TPHCM. Thứ hai là chuyện một báo cáo nghiên cứu của Đại học Kinh tế TPHCM đề nghị cho phép NHNN thành lập một định chế tài chính chuyên biệt để quản lý thị trường vàng.
Vàng và NHNN
Về chuyện niêm phong vàng, điều đầu tiên tôi quan ngại là việc quản lý vàng quá chặt trong khi hệ thống được giao dịch vàng mới do NHNN thiết lập chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường sẽ khiến ấn tượng của người dân về môi trường kinh doanh và môi trường xã hội xấu đi. Dù việc chống đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế là cần làm, nhưng việc xóa bỏ chức năng kinh doanh vàng miếng ở hàng chục ngàn cửa hàng vàng miếng trước đây và thay thế chỉ bằng 2.500 điểm giao dịch vàng thuộc các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty kinh doanh được cấp phép, tất yếu sẽ dẫn đến việc giao dịch vàng miếng của người dân trở nên bất tiện hơn. Và vì người dân có nhu cầu giữ vàng làm phương tiện cất trữ, khi giao dịch chính thức bất tiện, sẽ có những nhu cầu giao dịch “phi chính thức” xuất hiện.
Tuy việc NHNN phải ôm đồm nhiều thứ, bao gồm thị trường vàng, không phải lỗi của họ mà cũng chẳng phải công, mà là do vấn đề nội tại nền kinh tế hiện nay. Nhưng nếu quản lý không tốt, để dân phiền hà, thì trách nhiệm phải là của NHNN. |
Không thể đơn giản nghĩ rằng làm giao dịch vàng trở nên khó khăn hơn thì người dân sẽ thay đổi hành vi tích trữ của mình một cách dễ dàng, bởi vì lịch sử cho thấy giữ vàng trong thời gian dài thì nhiều người vẫn có lợi, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn và niềm tin tiêu dùng và kinh doanh còn yếu. Vì vậy, vụ việc của tiệm vàng Hoàng Mai cho thấy một điểm bất cập của cơ chế cấp phép hiện tại của NHNN, không đáp ứng hết được nhu cầu thu đổi vàng (và nói rộng ra là ngoại tệ của dân), nên phát sinh nhu cầu giao dịch “phi chính thức” (ở đây ta chưa nói tới vấn đề chênh lệch giữa giá chính thức và giá phi chính thức).
Về báo cáo của Đại học Kinh tế, hai điểm được nhiều bài báo khai thác là kết luận kêu gọi loại vàng ra khỏi hệ thống NHTM và thành lập định chế tài chính chuyên biệt trực thuộc NHNN để quản lý sản xuất và giao dịch vàng. Đọc kỹ báo cáo, tôi nhận ra có nhiều điểm quan trọng hơn. Từ việc phân tích các chính sách và diễn biến thị trường vàng hơn 10 năm qua, các tác giả của báo cáo này đã cho thấy chính sách quản lý vàng chuyển từ trạng thái nới lỏng thông qua cho phép huy động và chuyển đổi vàng năm 2000, rồi cho phép kinh doanh vàng tài khoản năm 2006 sang trạng thái thắt chặt kể từ 2010 gắn chặt với những lợi ích của giới chủ ngân hàng và rủi ro cho nền kinh tế.
Cụ thể, báo cáo này đưa ra nhận định rằng trong thời điểm sau năm 2006, các chủ thể kinh doanh liên quan đến vàng - bao gồm các NHTM và công ty kinh doanh vàng liên quan - đều được hưởng lợi, nhưng nền kinh tế lại không được hưởng lợi mà còn tiểm ẩn những nguy cơ bất ổn và đổ vỡ từ các hoạt động “ảo thuật tài chính” và “...nguy cơ đáng kể nhất là ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ và cùng với đó là sự bùng nổ trong cung tiền và tín dụng cho nền kinh tế”. Ở đây xin không bàn tới những yếu tố kỹ thuật trong báo cáo này (mà có một số điểm có thể một số chuyên gia kinh tế khác sẽ còn tranh cãi và tôi cũng không hoàn toàn được thuyết phục), mà xin bàn đến điểm chính mà tôi hoàn toàn đồng ý. Việc nới lỏng kinh doanh và huy động, chuyển đổi vàng tại các ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà tiêu biểu là trường hợp của bầu Kiên và vàng (TBKTSG, số 9-2014). Đến khi có bất ổn thì Nhà nước phải ra tay ổn định thị trường và ra những chính sách cuối cùng là gây khó khăn hơn trong giao dịch vàng của người dân. Có thể vì nguyên nhân như vậy của giới kinh doanh vàng mà các chuyên gia của Đại học Kinh tế cho rằng kiểm soát chặt giao dịch và sản xuất vàng trong tay NHNN sẽ giúp bình ổn ngoại hối và giảm rủi ro. Đây là một logic dễ hiểu. Còn đề xuất hình thành một định chế trực thuộc NHNN để xử lý chuyện liên quan đến thị trường vàng thì chỉ cho thấy nhu cầu thực tế phải có một định chế giao dịch vàng tập trung như một sở giao dịch vàng chẳng hạn.
Một định chế siêu quyền lực
Tuy nhiên, xin lùi lại một bước để đặt câu hỏi, liệu rằng ổn định ngoại hối có thật là mục tiêu tiên quyết của NHNN? Để NHNN nắm trong tay thị trường vàng thì NHTM không thể làm những loại “ảo thuật” khác? Và vì sao một định chế giao dịch vàng tập trung phải thuộc NHNN?
Nhìn về lâu dài, tôi thật khó tin rằng NHNN có thể độc lập thực thi được chuyện ổn định tỷ giá trong một nền kinh tế có sự mất cân bằng đáng kể ở cán cân thương mại và sự phụ thuộc lớn vào dòng vốn ngoại và kiều hối để duy trì cân bằng cán cân thanh toán như Việt Nam.
Nếu nói NHTM kinh doanh vàng gây rủi ro thì thay từ “vàng” bằng trái phiếu, sản phẩm phái sinh, cổ phiếu, bất động sản... kết quả sẽ giống như vậy mà thôi (trừ việc những sản phẩm này có thể ít ảnh hưởng tới tỷ giá hơn). Phải chăng NHNN không thể chặn hết những thủ thuật của NHTM nên chọn giải pháp “ôm trọn” thị trường vàng cho chắc ăn? Như vậy khác nào là tạo tiền đề để NHNN thành một cơ quan siêu quyền lực?
Nói một cách khác, việc NHNN nắm quyền quản lý và phải quản lý chặt thị trường vàng như hiện nay là kết quả tất yếu của chính sách “ổn định vĩ mô” của Chính phủ. Nói chính xác hơn, để NHNN quản lý vàng dường như là hệ quả của ba vấn đề: (1) những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế (mà có NHNN góp tay trước đây qua việc cung tiền ồ ạt và nới lỏng tín dụng) dẫn đến dòng tiền đổ vào vàng một cách lệch lạc, (2) sự thiếu độc lập của NHNN khiến họ phải góp công thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô của Chính phủ (từ tỷ giá, lãi suất cho tới thị trường vàng), và (3) sự thiếu hiệu quả của một số bộ ngành trong việc kiểm soát nhập lậu vàng và tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng để cân bằng ngoại tệ, khơi thông các nguồn lực ra khỏi vàng cho nền kinh tế.
Điều này dường như cũng có nghĩa là xu thế này khó đảo ngược, vì ba vấn đề kể trên là bản chất nội tại của nền kinh tế và thể chế kinh tế hiện tại. Cách thức điều hành nền kinh tế thế nào thì cái định chế quản lý do cách thức điều hành đó sinh ra sẽ như vậy. Cho nên việc NHNN ngày càng có nhiều quyền lực, đến mức các chuyên gia kinh tế cũng phải đề xuất NHNN nắm những chức năng mà tôi tin là họ cũng không thực sự thấy yên tâm hoàn toàn, không hề là một tin tốt. Họ đang chấp nhận một sự đánh đổi trong đề xuất chính sách của mình, giữa hiệu quả ngắn hạn và ổn định thực sự (vốn dĩ có thể rất lâu mới đạt được nếu cách điều hành kinh tế dẫn nó ngày càng xa trạng thái tái cân bằng - rebalancing). Đó là một tín hiệu cho thấy có gì đó không bình thường trong nền kinh tế mất cân bằng.