Yêu nước thế nào?
Phạm Văn
(TBKTSG) - Mấy hôm nay, người dân cả nước đứng ngồi không yên, ngóng chờ từng giờ để nhận thông tin từ biển Hoàng Sa Việt Nam, nơi mà theo giới chuyên gia nhận định đang bị Trung Quốc bày đủ trò khiêu khích nhằm mục đích “đun sôi” tình hình an ninh khu vực.
Hơn lúc nào hết, trong những ngày nóng hừng hực của tháng 5 cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, dư luận bắt đầu dấy lên những làn sóng “hành động vì quốc gia”. Ngay lập tức, câu hỏi được người dân đặt ra là hành động thế nào, và làm việc gì để thể hiện lòng yêu nước?
Phạm trù “yêu nước” mở ra rất nhiều hướng để người dân hành động. Trên mặt trận, các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên, ngư dân vẫn kiên quyết bám biển, bất chấp nguy hiểm và sự hung hăng của những chiếc tàu Trung Quốc khổng lồ. Người thì ngày đêm theo sát hiện trường để có những bức ảnh, thước phim, bài viết tường thuật ấn tượng nhất, chân thật nhất, cảm xúc nhất để đánh động dư luận Việt Nam và thế giới.
Ở hậu phương, nhiều nhà trí thức dùng ngòi bút sắc bén phân tích tính chính đáng về mặt pháp lý, đạo lý của Việt Nam để dư luận trong nước lẫn quốc tế thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ. Nhiều bạn trẻ, người già, bác xe ôm, cô hàng rong, và em nhỏ bắt đầu xuống đường với những khẩu hiệu phản đối bằng thái độ ôn hòa, nhưng vẫn kiên quyết lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh làn sóng đấu tranh ôn hòa, một số cá nhân còn mở phạm trù “yêu nước”, theo cách họ hiểu, theo các hướng hành động “nóng” hơn, thậm chí là đi ngược lại hành động của số đông người dân. Đã xuất hiện hành động tẩy chay người Trung Quốc tại Việt Nam; tấn công, đập phá các cơ sở sản xuất của người Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam...
Việc đi lệch đường của một bộ phận nhỏ người dân tạo ra cuộc tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng với các nguồn thông tin đa dạng, tại các thời điểm nhạy cảm, thì điều này là bình thường, khó tránh khỏi. Đây được xem là thất bại của xã hội thông tin, khi các “khoảng trống thông tin” vẫn tồn tại.
Chính vì thế, điều quan trọng trong lúc dầu sôi lửa bỏng này không phải là chuyện tranh luận đúng hay sai về hành động của dân mình. Việc “ném đá” nhau với những suy nghĩ “bạn làm sai, tôi mới là người yêu nước” chẳng khác nào “chưa đánh đã thua”.
Điều cốt yếu là nắm tay nhau để triệt tiêu các cá thể lợi dụng khoảng trống thông tin, cung cấp thông tin sai lệch để công kích số đông nhằm trục lợi. Song song đó, ngành chức năng và các đoàn thể phải cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận xã hội.
Thế nên, dù hiểu khái niệm “yêu nước” theo kiểu nào, thì suy cho cùng hành động yêu nước phải dựa trên nguyên tắc “có lợi cho nhân dân, cho đất nước” thì làm. Cái lợi ấy phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc “hợp thời thế”.
Trong bối cảnh hiện nay, có ít nhất ba cái “hợp”: i) Hợp trong ứng xử khi Việt Nam giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa trong quan hệ nước nhỏ - nước lớn. Sự ôn hòa sẽ hạn chế va chạm đáng tiếc, tránh “bẫy” khiêu khích của đối phương đang cố gắng tìm cớ để động tay, động chân với người hàng xóm nhỏ con; ii) Hợp về lý lẽ khi quan điểm chính của Việt Nam vẫn dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; iii) Hợp về chiến lược khi dùng dư luận tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để cân bằng sức mạnh, gây áp lực số đông với đối thủ.