Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Có nên kiện ở mức độ doanh nghiệp không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên kiện ở mức độ doanh nghiệp không?

Ngô Vĩnh Long

(TBKTSG Online) – LTS: Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do đã cho giàn khoan dầu vào hoạt động tại vùng biển của Việt Nam một cách trái phép, một số ý kiến nghiêng về hướng để PetroVietnam kiện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) như bước chuẩn bị đầu tiên.

Chúng tôi mời GS Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, bình luận về đề xuất này.

PetroVietnam chỉ có thể kiện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vì lý do bị CNOOC làm tổn thất về kinh tế. Hai nơi tòa án có thể thụ lý vụ kiện này là ở Trung Quốc và ở Việt Nam. Tổn thất về kinh tế như thế nào thì lúc khởi kiện sẽ có thể trình bày. Nhưng PetroVietnam sẽ không có thể đem vấn đề CNOOC đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng mà PetroVietnam cho là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam là lý do để kiện được.

Hiện nay chính phủ Trung Quốc nói một cách quả quyết là CNOOC đặt giàn khoan trong EEZ của Trung Quốc từ đảo Hoàng Sa (chắc là từ đảo Phú Lâm tuy không nói rõ). Trung Quốc cố ý làm như đây là có sự trùng lập EEZ và bắt buộc chính phủ Việt Nam phải thương lượng với chính phủ Trung Quốc để phân định. Do đó, việc PetroVietnam kiện -dẫu có được xử ở một tòa án của Việt Nam và được thắng kiện vì tòa Việt Nam cho là PetroVietnam bị tổn thất đi nữa – sẽ chẳng có hiệu quả gì cả trong vấn đề vận động sự quan tâm và ủng hộ của thế giới.

Ai cũng biết Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 đến nay. Nhưng dù sao đi nữa, theo Luật Biển thì không thể nào Hoàng Sa có lãnh hải hơn 12 hải lý hết. Giả định có đi chăng nữa thì việc Trung Quốc ngang nhiên cắm giàn khoan trong EEZ của Việt Nam (mà vùng này nếu có trùng lắp với EEZ giả định của Hoàng Sa) trước khi thương lượng với Việt Nam là việc làm bất hợp pháp.

Về việc Trung Quốc cho là Hoàng Sa có EEZ (nhưng theo định nghĩa của điều 121 của UNCLOS thì không có đảo nào có vì trong trạng thái tự nhiên nó “không thể nuôi sống con người và có nền kinh tế riêng biệt”) và vì thế trùng lập với EEZ từ lãnh thổ Việt Nam thì chỉ có chính phủ Việt Nam mới có thể đem ra Toà Án Luật Biển.

Chính phủ Việt Nam có quyền yêu cầu Tòa án Trọng tài (Abitration Tribunal) xem xét giải thích và áp dụng (interpretation and application) Luật Biển theo Phần 15 (Part XV). Trung Quốc không có quyền từ chối như việc Philippines đã đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài dựa vào Part XV.

Việt Nam muốn cho nhanh thì có thể ngay lập tức ủng hộ vụ kiện của Philippines (với một amicus curiae submission) và vận động các nước khác trong khu vực cũng như các cường quốc có quyền lợi ở Biển Đông lên tiếng ủng hộ luôn thì Việt Nam vừa “được tiếng vừa được miếng.”

Nhưng quan trọng hơn nữa là vận động các nước ủng hộ việc đem Trung Quốc ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng của Liên Hiệp Quốc với lý do là Trung Quốc đang đe dọa an ninh cho khu vực và cho toàn thế giới, như tôi đã nói trong bài trước. Đây là một cơ hội hiếm có để trình bày một cách rất cụ thể và rõ ràng hiểm hoạ của việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và dùng nó làm cơ sở để xiết chặt yếu huyệt của Biển Đông cũng như làm bàn đạp để thôn tính khu vực. Việc này cũng sẽ không mất nhiều thời gian và cũng sẽ không phải bỏ ra nhiều tiền nếu biết tham vấn và thúc đẩy cho đúng chỗ.

Ngược lại, trong tình trạng hiện tại mà đưa việc PetroVietnam ra kiện CNOOC thì nếu có làm cho dư luận thế giới chú ý đi nữa thì cũng chỉ làm cho người ta nghĩ là Việt Nam đang cố tình tìm cách đánh lạc hướng hay trốn tránh việc phải trực diện với Trung Quốc.

Có người cho rằng một vụ kiện CNOOC tại một toà án Việt Nam có một lợi ích như là một “thực tập luật pháp” (moot court) qua đó Việt Nam có thể tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý để chuẩn bị kiện cấp chính phủ sau này. Đây là trò chơi của các sinh viên trường luật bên Mỹ. Nhưng đối với tình thế hiện nay thì dư luận thế giới có thể sẽ cho đó là một việc làm không thích hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới