Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế Việt Nam bị lấn át thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nền kinh tế Việt Nam bị lấn át thế nào?

Tư Giang

Nền kinh tế Việt Nam bị lấn át thế nào?
Ngoài dệt may, ngành da giày Việt Nam cũng đang sử dụng phần lớn máy móc, nguyên vật liệu của Trung Quốc. Trong ảnh: Tìm hiểu máy đóng giày tại một hội chợ ngành da giày ở TPHCM. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) - Từ những cây kim, sợi chỉ trong các gia đình cho đến những tổ hợp máy trong các đại dự án công nghiệp; từ mặt trận thương mại đến công nghiệp, hàng Trung Quốc đang áp đảo hàng Việt Nam.

>> Nguy nhất là tổng thầu EPC!

Nhóm sản phẩm máy và thiết bị đồng bộ có giá trị nhập khẩu hàng năm tới 10 tỉ đô la Mỹ. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí trong suốt giai đoạn 2003-2013 cho thấy, Trung Quốc đang thống trị nhóm sản phẩm này ở bốn trong năm ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bauxite, và sàng tuyển than tại Việt Nam.

Về thủy điện, Việt Nam đủ năng lực làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa thành công đạt 30%. Đến nay, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủ công cho 30 nhà máy thủy điện bao gồm Sơn La, Lai Châu với tỷ lệ nội địa hóa đến 90%.

Song đây là điểm sáng duy nhất.

Ngành công nghiệp xi măng có 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC (nhà thầu thực hiện toàn bộ công việc, từ thiết kế, cung cấp máy móc, thiết bị đến thi công xây dựng, vận hành chạy thử rồi bàn giao). Các dự án EPC do Trung Quốc làm tổng thầu có tỷ lệ nội địa hóa 0%. Theo Viện Nghiên cứu cơ khí, về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có thể thiết kế, chế tạo trong nước tới 40% giá trị thiết bị của các nhà máy này.

Với công nghiệp nhiệt điện đốt than, trong 20 dự án đã và đang đầu tư, có tới 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa 0%.

Trung Quốc hiện là nhà thầu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu EPC phần lớn các công trình năng lượng, khai khoáng, luyện kim ở Việt Nam.

Hai dự án công nghiệp nhôm và bauxite hiện nay đều do Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa chỉ vỏn vẹn 2%. Viện Nghiên cứu cơ khí trích dẫn Công ty Hatch của Úc cho rằng, Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, chế tạo trong nước để đáp ứng 50% thiết bị trong ngành này.

Hiện tại, cả nước có ba nhà máy tuyển than, thì cả ba nhà máy này đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, dù Việt Nam có thể hoàn toàn nội địa hóa được 50-70% giá trị thiết bị.

Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tổng thầu EPC rơi vào tay người Trung Quốc?

Thứ nhất, nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, và họ đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu ưu tiên giá rẻ mà không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa, do vậy hầu hết các dự án rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó, các nhà máy chế tạo của Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ.

Trung Quốc hiện là nhà thầu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu EPC phần lớn các công trình năng lượng, khai khoáng, luyện kim ở Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp có liên quan đến thị trường sản phẩm cơ khí giai đoạn 2013-2025 vào khoảng 289 tỉ đô la Mỹ. Với xu thế các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu EPC như hiện nay, họ có thể sẽ chiếm phần lớn chiếc bánh này.

Không những thế, các gói thầu EPC do Trung Quốc thắng trong suốt 10 năm qua đã góp phần làm gia tăng nhanh chóng nhập siêu từ Trung Quốc.

Từ năm 2001 Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm với tốc độ chóng mặt, từ 200 triệu đô la Mỹ năm 2001 lên gần 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013. Cần lưu ý tổng nhập siêu của Việt Nam, sau khi đạt đỉnh 18 tỉ đô la Mỹ vào năm 2008, bắt đầu xu thế giảm xuống từ năm 2009 đến nay, thậm chí năm 2012 và 2013 Việt Nam còn chuyển sang xuất siêu. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc thì không hề giảm mà vẫn không ngừng tăng mạnh, từ 11 tỉ đô la Mỹ năm 2009 lên 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013.

Vì sao nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng mạnh đến vậy? Theo nhiều chuyên gia, có một số nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, hàng Trung Quốc (từ máy móc thiết bị đến nguyên phụ liệu hay hàng tiêu dùng), hầu hết đều có giá rất rẻ do chi phí nhân công của Trung Quốc vào loại thấp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Với giá rẻ, hàng tiêu dùng Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt người thu nhập thấp chấp nhận. Nguyên phụ liệu từ Trung Quốc được nhập khẩu nhiều cũng do giá rẻ, nhất là khi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ đủ mạnh để cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành gia công xuất khẩu. Máy móc thiết bị giá rẻ của Trung Quốc được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do khả năng tài chính hạn chế của họ.

Thứ hai, khả năng cạnh tranh kém của hàng Việt Nam, xét cả về giá cả và chất lượng, khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam khó vào được thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, hầu hết hàng Việt Nam chưa có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường quốc tế, nên càng khó cạnh tranh.

Thứ ba là trong cơ cấu sản phẩm trong thương mại Việt - Trung, Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc khoáng sản, nông lâm thủy sản (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc). Đây là các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, giá cả lại bấp bênh và thường có xu hướng giảm, giá so sánh tương đối thấp so với các sản phẩm chế biến - chế tạo. Còn các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hóa chất, sản phẩm chế tác cơ bản, máy móc thiết bị, chiếm trên 80% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thứ tư, Việt Nam hầu như không có hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, từ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sử dụng đối với máy móc, thiết bị, đồ gia dụng. Do đó, hàng hóa của Trung Quốc bất kể chất lượng, phẩm cấp thế nào vẫn nhập khẩu được vào Việt Nam. Trung Quốc thì ngoài hàng rào kỹ thuật còn yêu cầu hàng Việt Nam sang Trung Quốc buộc phải qua một số cửa khẩu do Trung Quốc chỉ định (như hải sản chỉ được đi qua Móng Cái, cao su chỉ được đi qua Móng Cái, Lục Lầm, hoa quả tươi chỉ được qua Lào Cai, Lạng Sơn).

Bên cạnh đó, trong khi Việt Nam chưa tận dụng được bao nhiêu thì Trung Quốc triệt để khai thác lợi thế trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3). Chẳng hạn 10 năm sau khi Hiệp định ASEAN+3 có hiệu lực (2000-2010), xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng 25 lần, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 5 lần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới