Cái gì tạo ra niềm tin kinh doanh?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Dự án đầu tư trị giá 1 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn Samsung vừa được TPHCM chấp thuận, thể hiện niềm tin của tập đoàn này vào môi trường kinh doanh ở VN. Ảnh minh họa: Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh - Lê Hoàng |
(TBKTSG) - Khi tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh để làm sao doanh nhân hăm hở bỏ vốn, công sức và tâm huyết ra làm ăn, vừa làm giàu cho họ vừa làm giàu cho đất nước, mọi nỗ lực dường như chỉ nhắm đến các vấn đề thủ tục hành chính.
Phải nói ngay là những nỗ lực này cũng rất cần thiết, rất hữu ích.
Mới tuần trước, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ cần rút ngắn 29 ngày làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, GDP của Việt Nam sẽ tăng được khoảng 27,3 tỉ đô la Mỹ. Người ta có thể tranh luận về con số này nhưng lợi ích của việc rút ngắn thủ tục là không thể chối cãi, nhất là với nền kinh tế có độ mở rất lớn như nước ta.
Thế nhưng khi chúng tôi hỏi một số doanh nhân đang làm ăn trong nhiều lĩnh vực, điều gì theo họ giúp tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất thì tất cả đều nói cải cách hành chính chỉ là một vế.
Cái vế thứ nhì, quan trọng hơn nhiều lần là niềm tin vào sự công minh của pháp luật, là cách hiểu và áp dụng luật pháp một cách nhất quán, là niềm tin vào hệ thống tư pháp như một nơi mà doanh nhân có thể theo đuổi công lý. Đó còn là sự hữu hiệu của một hệ thống tôn trọng hợp đồng đã cam kết, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt đúng mực để tạo dựng niềm tin.
Lấy ví dụ, có những chuyện không liên quan gì đến từng doanh nghiệp cụ thể nhưng doanh nhân sẽ nhìn vào đó như một tấm gương phản ánh môi trường kinh doanh, xem người trong cuộc được xử lý như thế nào thì họ sẽ suy ra mình cũng sẽ được xử lý như thế ấy. Nếu một doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng, tiền đã vào hệ thống ngân hàng này nhưng sau đó bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt mà ngân hàng kia phủi tay không chịu trách nhiệm, thử hỏi còn doanh nhân nào tin tưởng vào ngân hàng đó mà giao gửi tiền bạc?
Một ví dụ khác, bấy lâu nay, giám đốc tài chính một công ty vẫn thường xuyên mua bán trái phiếu, cổ phiếu để tối ưu hóa dòng tiền vô ra, không để tiền mặt nhàn rỗi không sinh lợi nằm nguyên một chỗ trong công ty. Đó là nhiệm vụ thường xuyên của họ, lại được khen thưởng mỗi khi xoay vòng đồng tiền một cách hữu hiệu nhất. Bỗng có tin những hoạt động như thế phải được ghi vào giấy đăng ký kinh doanh nếu không sẽ bị buộc tội kinh doanh trái phép! Thử hỏi còn ai có niềm tin vào hệ thống tài chính của nước nhà sẽ hoạt động bình thường như bất kỳ một nước nào khác? Thử hỏi một môi trường lập lờ như thế sẽ khuyến khích hay làm nản lòng nhà đầu tư?
Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi để loại bỏ yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, như vậy doanh nghiệp sẽ không còn bị trói buộc bởi quy định “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Thế nhưng cuộc sống có biết bao quy định như thế, làm sao sửa đổi bổ sung hết cho được. Điều quan trọng vẫn là tạo dựng một môi trường kinh doanh đúng thông lệ quốc tế và dựa vào cán cân công lý.