Thứ Bảy, 13/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hôn nhân đồng tính – ủng hộ hay không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hôn nhân đồng tính – ủng hộ hay không?

Lê Minh Tiến

(TBKTSG Online) – LTS: Tiếp theo bài Dư luận đã cởi trói, còn pháp luật? bàn về vấn đề hôn nhân đồng giới, TBKTSG Online xin giới thiệu đến bạn đọc một ý kiến khác về vấn đề này.

Tháng ba vừa rồi Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) công bố kết quả điều tra quốc gia về “Quan điểm xã hội về hôn nhân đồng giới”, thực hiện năm 2013 tại 68 xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành với sự tham gia của 5.300 người dân.

Qua kết quả cuộc khảo sát, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, nhận định rằng “Đa phần người dân đều ủng hộ sự thừa nhận pháp lý về quyền đối với các cặp sống chung cùng giới, đặc biệt về quyền đối với con cái, thừa kế, đại diện theo pháp luật…”. Nếu như các con số phản ánh đúng như nhận định đó thì rõ ràng người dân Việt Nam đã có một sự thay đổi rất nhanh trong quan niệm về người đồng tính nói chung và hôn nhân đồng tính nói riêng.

Thế nhưng, khi nhìn vào các con số được công bố, chúng tôi lại thấy không phù hợp với nhận định trên khi chỉ có 33,7% tổng số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Khi nhận định về con số thống kê thì con số 33,7% không thể nào là con số thể hiện “đa số” hay “đa phần” được vì con số 66,3% còn lại thì sao? Bên cạnh đó, khi người dân được hỏi về việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, tỷ lệ ủng hộ cũng chỉ là 41,2% trong khi có đến 46,7% không ủng hộ.

Vậy, nếu nhận định trung thực thì phải nói là đa số người được hỏi không ủng hộ quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính chứ không phải như nhận định của những người thực hiện cuộc khảo sát (đa số ủng hộ).

Đồng thời, cuộc khảo sát này cũng không cho biết sai số trong chọn mẫu khi tiến hành cuộc điều tra. Vì cuộc điều tra được tiến hành trên mẫu (sample) chứ không phải trên tổng thể (population) nên chắc chắn có sai số.

Và trong điều tra xã hội thì sai số cho phép thường là 5%. Với mức sai số này thì các con số phần trăm (%) phải có khác biệt ít nhất từ 6 điểm phần trăm trở lên thì mới được xem như có khác biệt, tức muốn nói đa số ủng hộ hôn nhân đồng tính thì tỷ lệ phải ít nhất là 53% so với 47% (cách biệt 6 điểm).

Như vậy, dựa vào kết quả khảo sát của các cơ quan nghiên cứu trên cho thấy hiện mới chỉ có một phần ba số người dân Việt Nam ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới mà thôi nên không thể đưa ra nhận định rằng “đa phần người dân Việt Nam ủng hộ” được.

Nhìn sang nước Pháp. Vào tháng 5-2013, nước này đã thông qua luật cho phép hôn nhân đồng giới (nhưng chưa cho phép các cặp đồng giới nuôi trẻ con). Các con số điều tra liên quan đến vấn đề này được thực hiện đều đặn và do nhiều cơ quan thăm dò khác nhau thực hiện cũng cho thấy đa số người dân Pháp chấp nhận hôn nhân đồng giới, nhưng cũng không phải là đa số lớn vì chưa có cuộc điều tra nào cho kết quả 70% dân Pháp ủng hộ hôn nhân đồng giới. Cụ thể như:

Với số liệu trên cho thấy một thời gian dài vừa qua tỷ lệ đồng ý với hôn nhân đồng giới của dân Pháp cũng chỉ khoảng 60% và nếu so với con số 33,7% của dân Việt Nam thì chúng ta thấy có một khoảng cách rất xa.

Về việc các cặp đồng giới nhận con nuôi thì sao? Kết quả các cuộc điều tra tại Pháp cho thấy số người Pháp không ủng hộ cao hơn số ủng hộ, mặc dù cách biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê.

Chúng tôi cho rằng, để có những nhận định chân xác về cái nhìn của xã hội Việt Nam đối với hôn nhân đồng giới và đặc biệt là việc nuôi con của những cặp vợ chồng kiểu này thì cần phải có nhiều cuộc khảo sát khác nữa do nhiều cơ quan khác nhau thực hiện. Không thể chỉ dựa vào kết quả của một cuộc khảo sát để làm chính sách mà cần nhiều dữ liệu và tranh luận hơn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới