Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hiến pháp vẫn phải chờ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiến pháp vẫn phải chờ?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Hiến pháp vẫn phải chờ?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký lệnh công bố Hiến pháp 2013. Ảnh TTXVN

(TBKTSG) - Bản Hiến pháp mà Quốc hội đã thông qua vào năm ngoái và đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay là kết tinh của một quá trình kéo dài trong nhiều năm, trải qua nhiều cuộc thảo luận, góp ý, kể cả tranh luận rất sôi nổi trên các diễn đàn, từ tổ dân phố đến Quốc hội. Cho dù có thể vẫn còn nhiều ý kiến chưa được tích hợp vào bản Hiến pháp chính thức nhưng đây được xem là một cột mốc quan trọng trong đời sống chính trị của nước ta.

Thế nhưng, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chỉ xét riêng về những điều khoản liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã thấy có 29 luật, pháp lệnh cần được sửa đổi bổ sung, ban hành để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Trong số 29 luật, pháp lệnh này có 7 luật, pháp lệnh chưa được đưa vào chương trình chỉnh sửa của năm 2015. Có nghĩa là đến năm 2016 vẫn có thể còn những luật và pháp lệnh trái với Hiến pháp mà nhân dân cả nước dày công xây đắp.

Không lẽ từ giờ đến đó, Hiến pháp mới sẽ có những điều khoản tạm thời chưa có hiệu lực?

Xin lấy ba ví dụ liên quan đến môi trường kinh doanh. Điều 33 Hiến pháp quy định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm”. Điều 14 Hiến pháp cũng quy định “quyền con người, quyền công dân (trong đó có quyền tự do kinh doanh) chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Điều đó có nghĩa điều 159 của Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh trái phép không còn đúng nữa. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đã đặt câu hỏi rất xác đáng: Nếu không phù hợp [với Hiến pháp] thì cần bãi bỏ hoặc nên được giải thích và áp dụng như thế nào trong khi Bộ luật Hình sự chưa được sửa đổi. Có cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải thích vấn đề này hay không?

Một ví dụ khác. Điều 15 Hiến pháp có nói: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Trong khi đó điều 258 của Bộ luật Hình sự thì liệt kê thêm “tổ chức” trong các đối tượng bị xâm phạm lợi ích (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). Rõ ràng Bộ luật Hình sự cần phải sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp nhưng từ nay cho đến khi bộ luật này được sửa đổi thì giả thử có người xâm phạm lợi ích của tổ chức thì sao? Xử như thế nào?

Ngay cả vấn đề đang được Quốc hội thảo luận sôi nổi vào cuối tuần trước là lấy phiếu tín nhiệm, nên làm một hay hai lần trong suốt một nhiệm kỳ; lấy phiếu tín nhiệm nên chỉ có hai mức hay vẫn ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp).

Nhưng có lẽ các đại biểu quên rằng Hiến pháp mà họ mới thông qua vào kỳ họp trước chỉ quy định một khái niệm mà thôi: đó là Quốc hội có nhiệm vụ “Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Hiến pháp hoàn toàn không đề cập đến chuyện lấy phiếu tín nhiệm; vì sao các đại biểu vẫn bàn để ra một nghị quyết có thể sai tinh thần của Hiến pháp?

Đây là một vấn đề rất quan trọng và thiết thân đối với cuộc sống của tất cả mọi người dân. Thiết nghĩ Quốc hội cần có tiếng nói chính thức: Hiến pháp có phải chờ luật thì mới có hiệu lực hay không?
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới