Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư, từ đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư, từ đâu?

Hồng Phúc

Đầu tư, từ đâu?
Vẫn có nhà đầu tư tìm mua những miếng đất mặt tiền đẹp ở trung tâm TPHCM mà theo họ, những miếng đất này chỉ có lên giá mà không bao giờ xuống. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) - Đầu tư vào đâu? Ông có nghe chỗ nào triển vọng? Đó là câu hỏi mà giới đầu tư thường nói đến bên bàn ăn, tại quán cà phê hay ở hội thảo.

Họ là ai? Những cá nhân có một số tài sản nhất định và tiền (hay được gọi là “đại gia”). Những người phụ trách bộ phận đầu tư tại các quỹ, công ty bảo hiểm, ngân hàng, tập đoàn tư nhân. Những cá nhân không có tiền nhưng được sự ủy thác của một số khách hàng cá nhân và tổ chức (cả trong và ngoài nước) đi tìm kênh đầu tư (một dạng môi giới đầu tư nhưng không chính thức).

Loay hoay

H., trưởng bộ phận đầu tư một công ty quản lý quỹ lớn tiết lộ khi nào tiền mặt do anh quản lý cũng khoảng vài ngàn tỉ đồng. Từ đầu năm, ngoài việc để tiền trong ngân hàng, mua trái phiếu chính phủ và một ít cổ phiếu trên sàn, chủ yếu các mã trong danh sách VN30, thì H. và cộng sự chưa dám đầu tư thêm kênh nào.
Thậm chí, sau vụ Huyền Như, anh còn phải rút tiền ở một chi nhánh ngân hàng gốc quốc doanh về, chỉ gửi vào chi nhánh ngân hàng nào mà giám đốc chi nhánh đó có cam kết bằng văn bản đã nhận tiền gửi của công ty với lãi suất và điều kiện thỏa thuận, có chữ ký giám đốc và dấu đỏ của ngân hàng. “Nhiều người cho rằng khi thị trường xuống, tài sản giá rẻ nhiều, tha hồ đầu tư, nhưng không phải, tìm kênh đầu tư đau đầu lắm”, anh than.

Dạo này H. phải ra ngoài liên tục để hỏi thăm xem ở đâu có doanh nghiệp nhỏ và vừa nổi lên như mô hình kinh doanh hiệu quả để tham gia góp vốn, mua cổ phần; có công ty nào đang làm ăn tốt, muốn phát hành trái phiếu; có cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước nào sắp IPO mua được…

Anh Q., được biết đến như nhà đầu tư tư nhân có tiếng ở Sài Gòn, đang sở hữu một số nhà mặt tiền đẹp nhất quận 1 vẫn đang tìm mua thêm những miếng đất mặt tiền đẹp ở trung tâm mà hiện nay rất nhiều chủ của chúng buộc phải bán đi để trả nợ. Bên cạnh đó, anh mới đổ vốn vào hai công ty dược tư nhân ở một tỉnh lân cận TPHCM, tuy rất nhỏ nhưng sản xuất những loại thuốc đặc trị mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu với giá cao. “Dược phẩm là thị trường vô cùng triển vọng nếu có mô hình kinh doanh tốt, không cần công ty hoành tráng, chỉ cần tốt. Còn đất mặt tiền trung tâm TPHCM, chỉ có lên giá mà không bao giờ xuống”, anh phân tích. Ngoài việc tự đầu tư phần mình, Q. còn cùng cộng sự tham gia một số liên doanh trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, hoặc khi anh mua “món” gì, miếng đất nào hay cổ phần ở đâu, thì dành ra một chút cho vài người bạn cùng mua.

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư tính theo giá hiện hành trong quí 2 này đã tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước nhưng trong đó, tăng trưởng lớn nhất là đầu tư nhà nước, sau đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khi đó đầu tư của khu vực tư nhân vẫn tiếp tục xu thế tụt giảm nối tiếp từ mấy quí trước. Đầu tư tư nhân tính trong quí 2 chỉ tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9,9% so với tốc độ tăng trưởng của quí 1.

Trưởng phòng đầu tư một ngân hàng cổ phần khác cho biết, hoạt động đầu tư của ngân hàng cả năm nay coi như dừng hẳn. Việc của anh chỉ là quản lý danh mục đầu tư cũ của ngân hàng mà nhiều tài sản trong đó, như cổ phiếu, bất động sản, không thể “đẩy” đi vì nếu làm vậy ngân hàng sẽ thêm khoản lỗ mới trong khi sức ép lợi nhuận năm nay vẫn cao với các giám đốc điều hành ngân hàng.

Theo anh này thì ngân hàng bây giờ đừng có mơ thực hiện được các khoản đầu tư công ty sân sau cho ông chủ. Cũng không còn làm được cái việc đưa tiền cho công ty A mua công ty B rồi B đưa tiền cho D mua lại các khoản đầu tư mà ngân hàng đã mua từ trước để qua đó ngân hàng có một khoản lời ghi vào thu nhập bất thường. Các giao dịch của ngân hàng nay gần như phải báo cáo mỗi ngày lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thanh tra NHNN có thể kiểm tra từng hợp đồng bất cứ lúc nào.

“Ở nhiều ngân hàng tôi biết các hoạt động đầu tư coi như đã dừng hẳn, với sự giám sát chặt của cơ quan quản lý. Họ chỉ có hoạt động mua bán công cụ nợ trên thị trường như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn để ăn chênh lệch giá hay đảm bảo thanh khoản và tối ưu hóa nguồn vốn”, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết thêm.

Ai cứu vãn đầu tư tư nhân?

Tại hội thảo về định giá doanh nghiệp ngày 9-7-2014 tại TPHCM, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GBIC), ông Phạm Phú Ngọc Trai, nói: “Quyết định đầu tư vẫn còn dè dặt bởi dòng tiền vẫn ở đâu đó chứ chưa đi vào kinh doanh”. Ông dẫn chứng trong ba năm qua số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam liên tục giảm. Ngược lại, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể lại tăng mạnh.

“Đến hôm nay, tổng số doanh nghiệp Việt Nam là gần 500.000, mỗi năm đều có nhiều doanh nghiệp mới ra đời nhưng tổng số vốn đăng ký giảm đều mỗi năm gần đây chứ không tăng. 40-50% những doanh nghiệp đã đầu tư cách đây 10 năm đóng cửa vì những lý do khác nhau”, ông Trai nói thêm. Điều này không chỉ chứng tỏ kênh đầu tư tư nhân đã và đang tiếp tục khủng hoảng mà chưa có giải pháp vực dậy. Nó còn cho thấy vấn đề thay đổi để tồn tại của các công ty tư nhân là bức thiết.

Trong khi tăng trưởng của khu vực tư nhân đang suy yếu thì đầu tư nhà nước được xem như công cụ chủ đạo để Chính phủ cứu vãn tăng trưởng GDP. “Đầu tư tư nhân sau thời gian tăng trưởng ngoạn mục trước năm 2010 nay tiếp tục sụt giảm mạnh là tin buồn trong khi doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả vì không có động lực”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), bà Mai Thanh, nói tại một hội thảo tuần rồi ở TPHCM. Bà cho biết: “Nay nhà đầu tư kỳ vọng vào kênh đầu tư từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là cơ hội mới mà tất cả đang trông ngóng”.

Nhưng không như kỳ vọng của bà Mai Thanh, một nhà đầu tư từ quỹ nước ngoài chia sẻ với phóng viên rằng khi ông nói nên đầu tư sang Việt Nam thì đồng nghiệp của ông đặt ra hai câu hỏi: nếu tôi bỏ vốn vào Việt Nam, liệu tôi có thể rút tiền về ngay và liệu tôi có thể tin tưởng vào những con số tôi đọc trên báo. Chưa trả lời được câu hỏi đó thì họ vẫn còn đứng quan sát thị trường.

Ông nói cách thức đầu tư thông thường theo bài bản rất khó tiếp cận tài sản tốt tại Việt Nam. Trong khi đó, lại có những cơ hội đầu tư dễ dãi đến với các nhà đầu tư có quan hệ và có thông tin. Những vụ đầu tư lớn, tại những khu đất vàng vẫn diễn biến rất nhanh và chóng vánh với các quan hệ ngầm. Đó là điều giới đầu tư trong và ngoài nước e ngại. Và nếu vấn đề quan hệ kinh tế ngầm còn chứng tỏ sức mạnh của nó thì sẽ vẫn còn những doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới