Các lãnh đạo bị bắt của tập đoàn Thiên Thanh đã nói gì?
Hải Lý
(TBKTSG) - Nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh nói gì về Ngân hàng Xây dựng Việt Nam
Chiều tối ngày 29-7-2014 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc khởi tố và bắt tạm giam ba lãnh đạo của tập đoàn Thiên Thanh, gồm ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc; ông Mai Hữu Khương, nguyên phụ trách tài chính. Những người này có tham gia Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và trước đó một ngày đã được Ngân hàng Xây dựng miễn nhiệm.
Thực ra dư luận đã có thể không chú ý đến Ngân hàng Xây dựng (tên cũ là Đại Tín) nếu cách đây vài tháng họ không quảng bá ồn ào về chương trình 50.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay bất động sản. Xuất thân từ Ngân hàng TMCP Nông thôn ở Long An, Xây dựng là ngân hàng nhỏ, vốn nhỏ, dư nợ huy động và cho vay thấp, chẳng thể nào so bì với các “anh hào” của giới tài chính phía Nam. Họ có một phòng giao dịch trên đường Hàm Nghi, quận 1, một tòa nhà nhỏ so với những cao ốc của khu ngân hàng Bến Chương Dương. Sau này khi tập đoàn Thiên Thanh trở thành cổ đông ngân hàng, họ mới chuyển chi nhánh TPHCM về trụ sở của Thiên Thanh ở quận 10.
Do Thiên Thanh kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản và một phần khác có thể do cái tên Đại Tín không mấy ấn tượng, ngân hàng mới xin đổi tên thành Xây dựng. Còn nhớ lúc họ tiếp thị gói 50.000 tỉ đồng, dư luận đã tỏ ra hoài nghi. Một vài ngân hàng tỏ ra không hài lòng khi thấy tên tuổi của họ được đưa vào như một đối tác liên kết của chương trình.
Theo một nguồn tin có thẩm quyền, giống như một số ngân hàng tái cơ cấu, hiệu quả kinh doanh của Xây dựng cho đến giữa năm ngoái rất kém, lỗ lũy kế hàng trăm tỉ đồng. |
Đúng một tháng trước đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG tại trụ sở của Thiên Thanh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, ông Phan Thành Mai thừa nhận ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát của tổ giám sát của NHNN từ năm 2012. Hỏi: “Vì sao bị giám sát?”, ông Mai nói vì “Xây dựng thuộc nhóm 9 ngân hàng tái cơ cấu và có tỷ lệ nợ xấu cao”.
Tỷ lệ cao là đúng. Nhưng con số nợ xấu tuyệt đối xét về quy mô chưa thấm tháp gì so với một số tên tuổi ngân hàng mà giới tài chính luôn phải “ngả mũ kính chào”! Điều quan trọng ở đây là cách thức xử lý nợ xấu và sự đụng chạm về quyền lợi mà nó gây ra giữa nhóm cổ đông cũ và cổ đông mới. Ông Mai nhấn mạnh một câu: “Các cổ đông mới tạo điều kiện cho nhóm cổ đông cũ ra đi”. Thông thường đầu tư vào ngân hàng, sau đó chuyển nhượng với lợi nhuận, ông chủ nào mà chẳng vui. Nhưng với trường hợp của Xây dựng, những ông chủ cũ có thể đã không có lời, có thể họ đã không vui, không thể ngẩng cao đầu khi bước chân ra khỏi ngân hàng.
Theo một nguồn tin có thẩm quyền, giống như một số ngân hàng tái cơ cấu, hiệu quả kinh doanh của Xây dựng cho đến giữa năm ngoái rất kém, lỗ lũy kế hàng trăm tỉ đồng. Nhóm cổ đông mới và tập đoàn Thiên Thanh tiếp quản ngân hàng từ tháng 2-2013 và đến tháng 11 họ tuyên bố nâng vốn điều lệ ngân hàng từ 3.000 lên 7.500 tỉ đồng. Không biết vốn điều lệ mới đã được đăng ký xong chưa và liệu đây có phải là tiền tươi thóc thật của những ông chủ mới không?
Tháng trước trả lời phỏng vấn TBKTSG “tiền để nâng vốn điều lệ đã chuyển vào ngân hàng chưa?”, ông Mai nói: “Chúng tôi còn phải thực hiện các bước thủ tục theo quy định, nhưng tiền đã chuyển vào tài khoản phong tỏa ở ngân hàng rồi”. Và ông nói thêm: “Ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn điều lệ trong điều kiện vốn góp của cổ đông chưa thể sinh lời trong vài năm. Ngân hàng lỗ lũy kế là do khoản nợ xấu không mang lại lợi nhuận, nhưng vẫn phải bỏ chi phí để duy trì thanh khoản cho nó. Mỗi ngày mở mắt ra các cổ đông ngân hàng mất hàng tỉ đồng vì nợ xấu”.
Trong buổi phỏng vấn đó, chúng tôi hỏi ông Phạm Công Danh: “Lẽ thường khi đầu tư vào đâu, người ta thường chọn một tài sản chất lượng cao, có tiềm năng lợi nhuận tốt. Hoặc những nhà đầu tư mạo hiểm bỏ tiền vào tài sản chất lượng tồi tệ với giá rẻ, rất rất rẻ và họ hy vọng rủi ro cao, lợi nhuận cao. Còn Thiên Thanh, vì sao lại tham gia vào Xây dựng - một ngân hàng mà như ông Mai cho biết - nợ xấu nhiều, lỗ không ít?”. Ông Danh đã không trả lời câu hỏi này. Liệu có khả năng Thiên Thanh đầu tư sai không? Vì tập đoàn này là dân “ngoại đạo”, chưa bao giờ kinh doanh ngân hàng.
Theo Văn bản 867/C46 (P10) ngày 29-7-2014 của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Danh, ông Mai, ông Khương đã bị khởi tố và bắt tạm giam trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn Thiên Thanh. Sau sự kiện này liệu Thiên Thanh có còn là cổ đông Ngân hàng Xây dựng? Nếu không, ai sẽ thay thế? Cuộc sống của một ngân hàng, cho dù đang tái cơ cấu, vẫn phải tiếp tục. Tuy nhiên, trong trường hợp Thiên Thanh “nửa đường đứt gánh” ở Xây dựng, có nên và có cần thiết nhìn lại từ góc độ cơ quan quản lý, điều hành việc tìm kiếm những đối tác thật sự đủ năng lực cả về tài chính và quản trị cho công cuộc tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém?
Các tin liên quan