Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quản trị đại học tư thục thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản trị đại học tư thục thế nào?

Dương Phi Anh

(TBKTSG) - Đọc bài Trường đại học là của ai? của tác giả Phạm Thị Ly đăng trên TBKTSG số 33-2014 ra ngày 14-8-2014, tôi có một số vấn đề trao đổi.

Vấn đề cốt lõi trong quản trị trường đại học tư thục không phải là “đối vốn”, “đối nhân”; “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”...

“Đối vốn” hay “đối nhân”?

Bài báo viết: “Cách duy nhất để phân định dứt khoát giữa vì lợi nhuận và phi lợi nhuận là dựa vào tính chất sở hữu và cơ cấu quyền lực. Trường vì lợi nhuận sẽ thuộc sở hữu tư nhân, cổ phần có thể chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp giống như các doanh nghiệp, HĐQT do cổ đông bầu ra theo nguyên tắc đối vốn...”.

“Đối vốn” biểu hiện rõ ràng nhất là mô hình công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp. Điều 17 Luật Giáo dục đại học có hiệu lực ngày 1-1-2013 cũng quy định về hội đồng quản trị (HĐQT) của đại học tư thục. Vì có nhiều điểm như là sao chép lại, nhiều người cho rằng HĐQT của trường đại học tư thục và của công ty cổ phần là đồng nhất, và lấy quy định về HĐQT của công ty cổ phần để giải quyết những tranh chấp liên quan đến HĐQT của trường đại học tư thục... Điều này là không đúng vì thành phần HĐQT của trường đại học tư thục khác hoàn toàn với công ty cổ phần; khác cả tính chất, địa vị pháp lý...

Thực ra, “đối vốn” hay “đối nhân” hoặc có tính chất hỗn hợp cả đối vốn, đối nhân chỉ là hình thức đầu tư chứ không quyết định được hiệu quả quản trị trong mối quan hệ về “tính chất sở hữu” và “cơ chế quyền lực” như bài báo nói trên đã đặt ra.

Giả sử bây giờ tôi không thích theo mô hình “đối vốn” mà theo mô hình “đối nhân” hoặc hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, thậm chí trách nhiệm hữu hạn một thành viên để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục có được không? Theo tôi là được. Công ty hợp danh (đối nhân) hoạt động phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực dịch vụ chuyên sâu như y tế, kiểm toán, luật sư... Giáo dục cũng thuộc dịch vụ chuyên sâu nên nhiều người muốn đầu tư theo hình thức hợp danh. Tuy nhiên, có lẽ do tính chất thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của mình với nghĩa vụ của công ty (Điều 130 Luật Doanh nghiệp) và thu hút vốn đầu tư khó, nên hình thức hợp danh ít phổ biến ở Việt Nam. 

Sâu hơn một chút, cần hiểu rằng HĐQT của trường học cần được gọi chính xác là “hội đồng trường”, tức là bao gồm những người sáng lập, những người góp vốn, những người được mời, những thành phần khác bảo vệ quyền lợi cho các nhóm đối tượng nào khác...

Tự do “lợi nhuận” có tự cân bằng được lợi ích?

Bài báo nhận định: “Một khi có động lực để đầu tư dài hạn, khu vực trường ngoài công lập vì lợi nhuận hoàn toàn có khả năng hoạt động có hiệu quả và cung ứng dịch vụ có chất lượng. Nhà đầu tư, để bảo vệ lợi ích dài hạn của mình, sẽ tìm được điểm cân bằng giữa thẩm quyền của giới học thuật và thẩm quyền của người quản lý, bởi điều này quyết định chất lượng của nhà trường, tức cũng có nghĩa là quyết định lợi ích của chính họ”.

Tôi cho rằng nhận định trên chỉ nhìn được một phía tích cực về sự tự điều tiết của đại học tư thục vì lợi nhuận mà không nhìn thấy sự khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù giáo dục. Thực tế, sản phẩm của giáo dục liên quan mật thiết đến con người, nên thận trọng khi theo mô hình “đối vốn” là cần thiết.

Giả sử trường hợp “đối vốn” phá sản hoặc hoạt động cầm chừng hoặc mâu thuẫn giữa “cổ đông cá mập” với ban điều hành hoặc do muốn chia lợi nhanh và nhiều dẫn đến tạm ngưng hoạt động, thì sao? Liệu dễ dàng “tìm được điểm cân bằng” như tác giả mong muốn? Sự “tự cân bằng lợi ích” sẽ vô cùng phức tạp trong điều kiện luật pháp và môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, minh bạch và nhà đầu tư đặt lợi nhuận trên hết.

Chính tác giả Phạm Thị Ly cũng nhận định, nhà đầu tư hiện nay thường “suy nghĩ ngắn hạn”...
“...Trường không vì lợi nhuận thì thuộc sở hữu cộng đồng, không có cổ phần, không có cổ tức, HĐQT được người sáng lập chỉ định dựa trên nguyên tắc bao gồm các bên liên quan và nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công, và chính hội đồng này sẽ lựa chọn thành viên bổ sung về sau trên nguyên tắc công khai. Người sáng lập không giữ quyền sở hữu, vì vậy không thể chuyển nhượng hay để thừa kế”. 

Đây là đề xuất ngược với điều 5 và 6 Nghị định 141/2013/NĐ-CP.

Có lẽ, khi ban hành nghị định này, Chính phủ thấy rằng đại học tư thục vì lợi nhuận phải bảo đảm sự tồn tại và phát triển của trường vì quyền lợi của sinh viên, của cộng đồng, tránh chuyện nhà kinh doanh giáo dục nhiều khi vì tối ưu hóa lợi nhuận nên không chịu đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo... Vì vậy, Điều 5 mới quy định “tài sản chung hợp nhất không phân chia”. Cũng vì không muốn để nhà đầu tư tận dụng nguồn tài trợ khác mà thoái thác việc đầu tư nên quy định bắt buộc tối thiểu giữ lại 25% phần chênh lệch giữa thu và chi trước khi chia lợi nhuận (?).

Có lẽ do mong muốn quyền về tài sản và các quyền nhân thân khác của sáng lập viên trong đại học tư thục “phi lợi nhuận” được bảo đảm nên điều 6 quy định: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định trong cùng thời kỳ...”.

Quy định “nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu” có lẽ xuất phát từ thực tế khuyến khích đầu tư vào giáo dục đại học.

Theo chúng tôi, những điều trên hoàn toàn không ảnh hưởng tới “tính chất sở hữu” hoặc “cơ cấu quyền lực” như bài báo nói trên đã đặt ra.

Ngắn gọn lại, vì sự tồn tại và phát triển của trường, vì quyền lợi cộng đồng, nhà nước yêu cầu giữ lại 25% chênh lệch thu chi và các khoản được tài trợ. Sau đó, nếu còn thì được phép chia và chia thế nào thì Nhà nước không còn can thiệp nữa...

Quản trị đại học khác hình thức đầu tư

Rõ ràng, Luật Giáo dục đại học đã có nhiều điều khoản tự mâu thuẫn, nhiều điều khoản nửa vời..., nên việc sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tự chủ, phát triển của đại học là cần thiết để cân bằng được tính chất sở hữu và cơ cấu quyền lực trong quản trị đại học tư thục; tránh được tình trạng lạm quyền ở những người điều hành hoặc tình trạng những người góp vốn lớn can thiệp thô bạo, trái chuyên môn vào công việc điều hành...

Nhưng, đây thuộc mảng kiến thức, chuyên môn về quản trị đại học nói chung. Việc vận hành sao cho cần bằng quyền lợi giữa nhà đầu tư (thành viên góp vốn), hội đồng quản trị, những người điều hành, những người phụ trách chuyên môn... hoàn toàn không phụ thuộc nhiều vào các hình thức đối nhân, đối vốn, lợi nhuận hay phi lợi nhuận...

Kinh nghiệm của nước Mỹ

Mỹ là nước có nhiều đại học tư thành công nhưng đa phần là phi lợi nhuận, chỉ có vài trường vị lợi nhuận, mà tiêu biểu là Đại học Phoenix, nhưng sau này chất lượng cũng bị nghi ngờ. Về quản trị thì đại học Mỹ không để ý về “đối nhân”, “đối vốn” hay một mô hình hỗn hợp nào khác; cũng không chú trọng phân biệt rành mạch đại học “phi lợi nhuận” hay “vì lợi nhuận”; khác nhau có chăng là mức thu hút nguồn vốn tài trợ và tái đầu tư thì “phi lợi nhuận” thường cao hơn...

Nhiều trường đại học của Mỹ, ban sáng lập thông thường là những người hiến tặng. Hội đồng trường gồm vài ba người ban đầu, số còn lại được mời từ những nhân vật thành đạt và nổi tiếng trong xã hội (ở Việt Nam gọi là HĐQT), sẽ tiến hành thủ tục tuyển giám đốc. Lúc ấy, vị giám đốc mới tiến hành thủ tục tuyển các phó giám đốc và hiệu trưởng...

Ngoài HĐQT trường ra, vị giám đốc không chịu bất cứ một mệnh lệnh nào khác từ bất cứ ở đâu. Nếu có vấn đề gì liên quan đến trường đại học, các nhà sáng lập chỉ nói chuyện với HĐQT. Như vậy, theo cấu trúc của một đại học tư thục ở Mỹ, trường đại học tư thục chỉ có một người chủ. Đó là chủ tịch HĐQT đại diện cho tất cả các thành viên của HĐQT và vị giám đốc là người đại diện cho tập thể thừa hành. Nếu một vị giám đốc thiếu khả năng, không điều hành tốt trường đại học, HĐQT dựa trên hợp đồng và bản mô tả công việc để đưa ra quyết định sa thải giám đốc...

(Tóm lược từ bài viết “Đại học tư thục Hoa Kỳ và đại học tư thục Việt Nam” của GS. Nguyễn Xuân Thu).

Mời đọc thêm

Từ Hoa Sen nhìn về tương lai đại học tư thục

Khi đại học tư thục cạnh tranh!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới