Chỉ là tiền trả cho giấy chứng nhận xuất xứ?
Nguyễn Vũ
Cảnh được cho là bà Phạm Thanh Hương nhận tiền lệ phí của doanh nghiệp trong clip - Ảnh cắt từ clip của báo ĐS&PL |
(TBKTSG Online) - Đầu đuôi câu chuyện là do một đoạn video ngắn cho thấy cảnh một cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu nhận tiền từ doanh nghiệp.
Trước dư luận cho rằng cán bộ này, bà Phạm Thanh Hương – Phó trưởng phòng – Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng nhận tiền “lót tay”, Bộ Công Thương cử người xác minh và trong cuộc họp báo Chính phủ vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết qua xác minh đây chỉ là tiền trả “giấy chứng nhận xuất xứ”.
Đúng là trước đây việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thường gọi là C/O do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI cấp). Nhưng từ khi Việt Nam triển khai một số hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực như với ASEAN, Bộ Công Thương cũng có cấp một số mẫu C/O.
Nhưng điều quan trọng là lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ này đã được miễn cho doanh nghiệp cả mấy năm nay. Đây là một nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp mà đại diện Bộ Công Thương không nắm được kể ra cũng hơi lạ. Một khi đã được miễn thì làm gì có chuyện doanh nghiệp nộp cho bà cán bộ nói trên tiền trả “giấy chứng nhận xuất xứ” cho được.
Điều thứ hai, ngay cả khi chưa miễn việc đóng lệ phí này được VCCI quy định khá kỹ trong một quy chế với những ràng buộc rõ ràng, chẳng hạn, cán bộ ký C/O không được kiêm nhiệm việc kiểm tra và ngược lại; hay cán bộ ký C/O không được kiêm nhiệm việc đóng dấu C/O và ngược lại.
Không thể nào có chuyện một cơ quan nhà nước thu tiền của doanh nghiệp mà không theo một trình tự tối thiểu như có cán bộ chuyên thu, có cấp biên nhận hay hóa đơn đóng tiền.
Bởi vậy, thay vì đề nghị “báo chí khi đưa tin cần lưu ý dựa vào cơ sở pháp lý hoặc căn cứ pháp lý để kết luận” như yêu cầu của Thứ trưởng Hải tại cuộc họp báo, có lẽ nên xem đây là dịp để lãnh đạo Bộ chấn chỉnh lại quy trình làm việc tại một công sở.
* * *
Tổng giám đốc Bosch Việt Nam ông Võ Quang Huệ kể, nội bộ tập đoàn này có những quy định rất nghiêm khắc về chuyện nhận phong bì, nhận quà tặng của đối tác. Bất kỳ ai, đặc biệt là lãnh đạo công ty, nhận quà hay sản phẩm có giá trị từ 500.000 đồng trở lên đều phải báo cáo và nộp lại cho công ty theo yêu cầu. Các món quà được tặng nhân dịp Tết chẳng hạn thì do tập tục phải nhận nhưng đều được sung thành của chung. Ngược lại như ông Huệ mỗi lần muốn mời cơm đối tác hay quan chức địa phương cũng phải xin phép tận bên Đức – được chấp thuận thì mới tiến hành.
Thật ra đây không phải chỉ là quy định của Bosch mà của hầu như các tập đoàn lớn trên thế giới có gia giảm về quy mô. Tư nhân đã vậy, công sở ở các nước đều có những quy định rất nghiêm khắc. Có như thế họ mới phòng tránh được các trường hợp xung đột lợi ích.
Ở Việt Nam văn hóa công sở ngày càng dễ dãi, tạo môi trường cho tham nhũng vặt, kiểu nhận phong bì bôi trơn sinh sôi tràn lan, tiền lót tay trở thành chuyện "thường ngày ở huyện".
Ở đây chỉ xin nhắc một tệ nạn đang được xem gần như là chuyện bình thường: đưa con em vào làm công sở mình từng công tác với sự đồng thuận ngầm của lãnh đạo các cấp. Cái suy nghĩ phải ưu tiên tuyển dụng con của người trong ngành, dù sao cũng sẽ chọn được người có “truyền thống”, có lịch sử kinh nghiệm gia đình là khá phổ biến. Ít ai nghĩ đó chính là một hình thức tham nhũng thông qua gia đình; càng ít ai nghĩ làm như thế là có hại cho cả một thế hệ trẻ, không biết tự vươn lên mà chỉ biết núp sau bóng của cha ông đi trước.
Chính sự dễ dãi đó làm cho mọi nỗ lực cải cách hành chính khó lòng đạt được kết quả như mong muốn. Cái cách quan hệ công sở mà như quan hệ gia đình thì không thể nào giữ được kỹ luật nghiêm minh.
Trong quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, lãnh đạo doanh nghiệp thành công luôn xem khách hàng là đúng, nhân viên của mình cần được huấn luyện từng lời ăn tiếng nói, luôn phải chấn chỉnh. Một kỷ luật như thế mới mong xây dựng được niềm tin của khách hàng vào chất lượng phục vụ của doanh nghiệp.
Tương tự như thế, lãnh đạo công sở càng luôn phải nghiêm khắc với nhân viên, buộc tuân thủ quy trình bằng không phải áp dụng kỷ luật. Sự nghiêm khắc như thế càng làm bộ máy mạnh lên chứ không phải là sự bao che để tránh tiếng xấu cho cơ quan.