Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tương lai thị trường bán lẻ Việt Nam: Cố thủ vào đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tương lai thị trường bán lẻ Việt Nam: Cố thủ vào đâu?

Mỹ Lệ

(TBKTSG) - LTS: Tiếp nối chuyên đề “Tương lai thị trường bán lẻ Việt Nam” đăng trên TBKTSG số ra ngày 11-9-2014, tuần này TBKTSG trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), để hiểu thêm về thực trạng thị trường bán lẻ và những giải pháp cho thời gian tới.

TBKTSG: Nhìn lại cái gọi là chính sách “bảo hộ” của Việt Nam đối với ngành bán lẻ trong nước thời gian qua để chuẩn bị cho các cuộc hội nhập, theo bà, Việt Nam đã chuẩn bị được gì, chưa chuẩn bị được gì?

- Bà Vũ Kim Hạnh: Theo tôi, chúng ta có nhận thức về việc cần bảo hộ, có chủ trương và có mong muốn thiết tha nhưng chiến lược và chính sách thì... không có.

Tôi cũng có đem nhận định này trao đổi với nhiều chuyên gia, có vị nguyên là Bộ trưởng Bộ Thương Mại, nay vẫn tham gia cố vấn đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế, có vị là lãnh đạo (nguyên và đương nhiệm) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì thấy các vị đều đồng tình.

TBKTSG: Điều này là do đâu, thưa bà?

- Có những nguyên nhân rất căn bản. Do trước đây, trong nền kinh tế bao cấp, ta chỉ coi trọng sản xuất còn phân phối chỉ là buôn đầu chợ, bán cuối chợ, buôn nước bọt, không tạo ra giá trị. Từ quan điểm này, các chính sách hỗ trợ hay chăm lo chỉ “tất cả cho sản xuất” chứ không quan tâm khâu phân phối (không hề có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế...).

Khi vào WTO, ta lại rơi vào một cực đoan khác, có khi do không hiểu sâu, có khi do... lợi ích. Ví dụ, những điều mà quy định WTO không cấm (những quy định đèn xanh) như hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, tiếp thị thương hiệu chung (tức tập thể)... thì mình không làm; quy định ENT (địa phương phải xem xét nhu cầu kinh tế, khi nhà đầu tư mở tiếp siêu thị, cửa hàng thứ hai) có thể thực thi để bảo vệ các nhà bán lẻ Việt Nam thì mình lại... cho thả cửa tự do! Trong những điều định hướng sai, có sự ưu ái, ưu tiên cho doanh nghiệp phân phối nước ngoài hơn trong nước, vì coi đây là thành tích thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhưng nguy hiểm hơn hết, theo tôi, là ta không đảm bảo được một môi trường kinh doanh và cạnh tranh công bằng, lành mạnh để người làm ăn chân chính không bị... đánh úp, gặp rủi ro cao vì “thua” hàng giả, hàng nhái, hàng không xuất xứ, thậm chí hàng độc hại vẫn hoành hành, tràn lan.

Mối quan tâm của doanh nghiệp đến thị trường bán lẻ đã được bày tỏ mạnh mẽ từ lâu. Khi tôi còn là Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, cơ quan này đã đề xuất và Bộ Thương mại và UBND TPHCM đã cùng ký Quyết định 2256/2006/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Hỗ trợ phát triển mạng lưới bán lẻ Việt Nam năm 2006-2007” vào lúc ta chưa gia nhập WTO. Tuy nhiên, dự án chỉ thực hiện trong thời gian đó. Sau này, năm 2009, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có định hướng rõ hơn để tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn nhưng làm tốt đến đâu cũng chủ yếu là... vận động, là phong trào.

TBKTSG: Trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp sản xuất cũng như doanh nghiệp/cơ sở phân phối trong nước, theo bà, khó khăn lớn nhất của họ hiện nay là gì? Những điều đó đang bị tắc hay được gỡ như thế nào?

- Theo tôi, khó khăn nhất của họ là thiếu hụt các nguồn lực. Một khó khăn “sỉ” nhưng bao gồm nhiều vấn nạn “lẻ”: thiếu về vốn, về trình độ quản trị (công nghệ phân phối, điều khiển kinh doanh...), về khả năng của nguồn nhân lực, và càng không có mạng lưới toàn cầu là thế mạnh đáng kể nhất của tất cả các hệ thống phân phối quốc tế đến Việt Nam hiện nay.

TBKTSG: Trong bối cảnh cạnh tranh đã đến hồi gay gắt, chúng ta đang cần các mô hình liên kết theo kiểu bó đũa giữa các bên trong nước. Thực tế mức độ liên kết đang như thế nào? Đâu đó vẫn có rất nhiều tiếng kêu của doanh nghiệp nội, rằng khó đưa được hàng vào chính siêu thị... nội?

- Liên kết vốn là điểm yếu cơ bản của các tổ chức kinh doanh Việt Nam. Áp lực cạnh tranh và trình độ chuyên môn càng khiến các hệ thống phân phối của Việt Nam lúng túng trong ý muốn: vừa hỗ trợ cho hàng Việt, vừa không vi phạm những quy định của WTO và vẫn giữ được lợi ích của chính đơn vị mình, nên rút cuộc, doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập hệ thống phân phối hiện đại Việt Nam cũng gặp khó khăn không kém hệ thống siêu thị ngoại.

TBKTSG: Các thảo luận về tương lai thị trường bán lẻ và sức ép với hàng Việt đang tập trung vào khu vực siêu thị, hoặc cửa hàng tiện lợi, liệu các chợ truyền thống của chúng ta có thể đóng vai trò là... thành trì cố thủ? Phải làm sao với chợ truyền thống, trong khi hiện nay chợ cũng đang bị sức ép cạnh tranh từ siêu thị, kể cả siêu thị nội, ngoại?

- Chợ truyền thống có những đặc điểm và thế mạnh riêng. Nhưng ở đây, không phải không có vấn đề. Trong khi tất cả các thương hiệu đa quốc gia có chiến lược và lộ trình chiếm lĩnh chợ, thì không ít doanh nghiệp Việt Nam lúc đầu lại không muốn vào chợ vì ngại mang tiếng mình là... hàng chợ. Tại chợ bây giờ, cuộc chiến chông gai cũng đang diễn ra. Bỏ tiền đủ để thuê trưng bày sản phẩm ở mặt tiền, thưởng cho cuộc thi đua trưng bày đẹp hàng tháng thì doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức nên cũng lại chịu nằm ở vị trí hạng hai, hạng ba. Và họ kiên trì những cách thuyết phục khác, kiên trì, sâu sát cũng có thành công nhất định. Vai trò của người tiểu thương vì vậy cần được chăm chút hơn và quản lý chống hàng giả, nhái cũng cần được quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, đừng quên hệ thống chuỗi các cửa hàng tiện lợi rất lợi hại mà đại gia quốc tế nào cũng có kế hoạch khá cụ thể nhằm phát triển số lượng nhanh đến chóng mặt. Đến giờ này, ta cũng chưa có quy định về quản lý hình thức bán lẻ này trong khi ở các nước, chúng được quan tâm cao và quản lý rất chặt chẽ. Ngoài ra, còn hàng triệu điểm bán tạp hóa, chuyên doanh tại nhà (những mama shop). Chúng ta đã bắt đầu hiểu về vai trò rất lớn của mạng lưới này, rằng nếu biết sử dụng các bản đồ mạng lưới bán lẻ từng tỉnh thành thì có thể hỗ trợ phân phối hàng Việt tận hang cùng ngõ hep mà các đại gia bán lẻ nước ngoài, giàu có đến đâu cũng khó len lỏi nhanh và bám chân rết sâu như ta.

Trong kế hoạch tiếp tục phát triển hàng Việt Nam mà Bộ Công Thương trình và Thủ tướng đã phê duyệt, có hẳn một chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bản đồ mạng lưới phân phối 63 tỉnh thành. Kế hoạch được trình từ tháng 10 năm ngoái, đã được duyệt mà đến nay chưa thấy thông báo chừng nào triển khai. Thông tin về cuộc chạy đua thâm nhập thị trường Việt Nam của các hệ thống phân phối nước ngoài đang triển khai mở rộng nhanh để tận dụng AEC đang được công bố hàng tuần, hàng ngày mà bước triển khai các giải pháp hỗ trợ hàng Việt (có sẵn) của chúng ta đang đi theo nhịp hàng tháng hay... hàng năm.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR): Không nên mở rộng cửa hơn nữa khi đàm phán TPP

Khi gia nhập WTO, ta đã bảo lưu quyền phân phối một số mặt hàng cho các nhà phân phối Việt Nam. Mục tiêu chính là dành lại một “vùng đất” nhất định cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là ở các mặt hàng có ảnh hưởng quan trọng tới quốc kế dân sinh, hoặc dành cho họ một khoảng thời gian chuẩn bị nhất định trước khi phải đối mặt với cạnh tranh từ các nhà phân phối nước ngoài. Cho đến thời điểm này, quan điểm của AVR là cần duy trì bảo lưu này khi đàm phán TPP.

AVR cũng bày tỏ sự lo ngại về việc các doanh nghiệp nước ngoài được phép mua cổ phần của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nằm trong danh sách được bảo lưu nói trên, chẳng hạn như dược phẩm và xăng dầu... và như vậy, rào cản “Danh mục loại trừ” mà ta lập ra để không cho doanh nghiệp nước ngoài phân phối có thể bị thủng từ một phía khác.

Bên cạnh đó, cần thực hiện bảo lưu về “xem xét nhu cầu kinh tế” (ENT) trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ. Giữ được hạn chế về mở điểm bán lẻ chính là giữ được một công cụ kiểm soát để hỗ trợ cho các nhà phân phối - bán lẻ trong nước. Nhà nước cần sử dụng ENT như một công cụ pháp lý hữu dụng vì mục tiêu này

AVR kiến nghị cần có hướng dẫn về ENT cụ thể hơn và đó phải là một khung “ENT” ở cấp độ toàn quốc, tránh tình trạng mỗi tỉnh/thành phố hướng dẫn áp dụng ENT một kiểu. Trước hết, cần có những quy định cốt yếu nhất định khái niệm “cơ sở bán lẻ”, cân nhắc các tiêu chí ENT, cụ thể hóa tiêu chí “số lượng các nhà cung cấp dịch vụ”, “mật độ dân cư”, ”quy mô quản lý”.

(Trích ý kiến của VAR trả lời tham vấn của VCCI về vấn đề đàm phán TPP của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phân phối)

 

Sợ người, trách ta

Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, với điểm xuất phát của một nước đang phát triển ở trình độ thấp, chính sách bảo hộ đã được Nhà nước quan tâm đưa vào các cuộc đàm phán và cam kết quan trọng, nhằm bảo hộ một số ngành hàng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của nước nhà. Thực tế không phải cái gì ta bảo hộ cũng đúng (ví dụ như đối với ngành ô tô) hoặc đủ mức cần thiết (ví dụ như đối với nông nghiệp), nhưng bảo hộ cho ngành bán lẻ trong nước là một chính sách hợp lý. Bởi đó chính là bảo hộ cho đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho hàng chục triệu hộ nông dân mà đi kèm với đó là câu chuyện giải quyết công ăn việc làm.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trên thực tế, chính sách bảo hộ ngành bán lẻ trong nước của ta lại không thật “thiêng”. Mặc dù được WTO chấp nhận cho áp dụng chính sách “xem xét nhu cầu kinh tế”- ENT trước khi cho phép các chuỗi siêu thị nước ngoài được mở cửa hàng thứ hai trở đi ở Việt Nam, nhưng từ khi ta gia nhập WTO, hệ thống siêu thị của nước ngoài đã liên tục phát triển, với những cái tên nổi tiếng như Metro, Big C và gần đây là cuộc đổ bộ của các nhà phân phối lớn khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Không chỉ đi những bước lớn, các nhà phân phối nước ngoài còn khôn ngoan phát triển hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện ích, thực sự “tiện ích” cho họ bởi các cửa hàng này tuy quy mô nhỏ nhưng có thể mở rộng nhanh và dễ dàng tỏa ra nhiều địa bàn khác nhau, tạo nên doanh thu và thị phần không hề nhỏ.

Tất nhiên, ta chỉ có thể tự trách mình về việc để mất dần “sân nhà”. Năng lực cạnh tranh của phần doanh nghiệp cả trong ngành bán lẻ và các ngành sản xuất rõ ràng là quá chậm cải thiện; những doanh nghiệp khá hơn thì mải miết lao vào xuất khẩu hoặc các lĩnh vực bong bóng một thời mà ít để ý đến việc giữ “gôn” nhà.

Về quản lý nhà nước cũng khối điều đáng nói. Nào là quá quan tâm đến sản xuất mà coi nhẹ việc tiêu thụ, quá hào hứng với xuất khẩu mà xem thường thị trường trong nước, quá ưu ái FDI mà xem nhẹ doanh nghiệp nhỏ và vừa của chính mình. Nào là quá vui mừng với các cam kết quốc tế đạt được về mở cửa thị trường mà quên đi việc thực hiện các biện pháp bảo hộ chính đáng và cần thiết cho doanh nghiệp và hàng hóa của nước nhà. Cái tệ thiếu liên kết trong doanh nghiệp, thiếu đồng bộ giữa các chính sách, thiếu phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương cũng “đóng góp” không nhỏ vào việc để mất dần sân nhà.

Đích ngắm của các nhà phân phối nước ngoài hiển nhiên là cơ hội kinh doanh vô cùng thuận lợi khi cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành và những thỏa thuận đầu tiên của khu vực RCEP, của TPP có thể đạt được.

Phân khúc thị trường có sức tiêu dùng lớn nhất - người tiêu dùng trung lưu và cư dân các vùng đô thị - có thể rơi phần lớn vào tay họ. Trong khi đó, ở thị trường nông thôn rộng lớn, cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc vẫn đang là thách thức lớn của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam, nhất là khi lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đang đến ngày càng gần.

Hàng Việt sẽ đi đâu, về đâu, và số phận của những người sản xuất, kể cả sản xuất hàng nông sản, sẽ ra sao, khi thị trường trong nước - chỗ đứng chính của họ - bị thu hẹp đáng kể? Trong khi đó, trên các thị trường xuất khẩu, năm nay khối FDI có khả năng tiếp tục nâng cao thị phần và chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch cả nước.

Phạm Chi Lan

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới