Nợ xấu: Cơ sở tính của Moody's và NHNN khác nhau!
Phan Minh Ngọc
“Hòn đá” nợ xấu vẫn là một trở lực không dễ vượt qua khiến cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng khá thấp. Ảnh: Uyên Viễn. |
(TBKTSG Online) - Nợ xấu theo cách tính của Moody’s là tính trên tổng tài sản, còn theo cách của Ngân hàng Nhà nước là tính trên tổng dư nợ cho vay. Sự khác biệt này dẫn tới điều gì?
Trước tiên, phải nói ngay vì đọc thấy con số nợ xấu 500 ngàn tỉ đồng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình mới thừa nhận trong cuộc trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ xấu hôm đầu tuần nên người viết đã thử ngồi xem lại các số liệu liên quan và giật mình vì phát hiện ra một nhầm lẫn lớn mà không ai, kể cả tác giả, nhận ra cho đến nay.
Đó là con số ước tính tỷ lệ nợ xấu ít nhất là 15% do hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra hôm 18-2. Lưu ý rằng đây là tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng tài sản, theo thông báo của Moody’s. Và Moody’s thêm rằng: “(tỷ lệ này) cao hơn nhiều tỷ lệ nợ xấu 4,7% được NHNN báo cáo vào tháng 10-2013”.
Thế nhưng, điều đáng nói là từ trước đến nay, NHNN hình như chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay, chứ hình như chưa bao giờ họ báo cáo tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản như Moody’s nói ở bên trên cả.
NHNN cũng đã không để ý đến chi tiết về tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản của Moody’s, mà lại phản bác Moody’s, trong một thông cáo báo chí hôm 21-2 với ý rằng con số tỷ lệ nợ xấu do NHNN công bố mới là con số “đáng tin cậy và có cơ sở pháp lý hơn”.
Điều giật mình thứ hai là quy mô nợ xấu theo ước tính của Moody’s.
Nếu tính trên tổng tài sản thì với tỷ lệ nợ xấu trên 15%, con số nợ xấu tuyệt đối của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải lên tới 860 ngàn tỉ đồng vào cuối năm 2013 (tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam theo báo cáo là hơn 5,7 triệu tỉ đồng vào thời điểm này).
Nếu lấy 860 ngàn tỉ đồng nói trên chia cho tổng dư nợ cho vay của Việt Nam vào cuối năm 2013 là 3,876 triệu tỉ đồng (theo số liệu của ADB) thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam sẽ hơn 22% (theo cách tính của NHNN), cao hơn rất nhiều những con số về tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố hoặc thừa nhận từ trước đến nay (trong thông cáo báo chí ngày 21-2, NHNN cho biết tính thận trọng bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại cao nhất thì cũng chỉ lên đến 9%).
Quay trở lại với con số nợ xấu 500 ngàn tỉ đồng mà ông Bình mới công khai đã khiến nhiều người giật mình vì họ chưa bao giờ được nghe báo cáo về một khối lượng nợ xấu nào quá 200-300 ngàn tỉ đồng.
Chưa hết, tuy con số 500 ngàn tỉ này không nói rõ là tính đến thời điểm nào nhưng giả sử là tính đến cuối năm. Dựa theo tổng dư nợ cho vay cuối năm trong các năm 2011-2013 mà ADB có số liệu thì tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 16,3%, 13,4%, và 12,9% trong các năm 2011, 2012, và 2013 (tỷ lệ nợ xấu giảm dần vì mẫu số là tổng dư nợ tăng dần).
Kể cả tính đến thời điểm nửa năm 2014 với tổng dư nợ tăng thêm 4% thì tỷ lệ nợ xấu vẫn phải là 12,4%. Tất cả những mức này vượt khá xa con số tỷ lệ nợ xấu cao nhất mà NHNN từng thừa nhận (9%).
Nhiều người đang đặt câu hỏi nếu tính đúng, tính đủ và không cho phép các ngân hàng giữ nguyên phân loại nợ liệu đến một ngày nào đó, một con số thực về nợ xấu mới lại được thừa nhận một lần nữa?