Khuyến khích hàng nhập khẩu?
Thu Nguyệt
Do chính sách thuế bất hợp lý, nguyên liệu nhập khẩu có khi rẻ hơn nguyên liệu mua ở trong nước. Ảnh TL SGT |
(TBKTSG) - Hiện nay, chuyện mua nguyên liệu trong nước để sản xuất đôi khi lại không có lợi bằng mua nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài do chính sách thuế của Việt Nam dường như đang ủng hộ cho hàng nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), nếu mua nguyên liệu về để sản xuất hàng xuất khẩu (FOB), doanh nghiệp được ân hạn nộp thuế 275 ngày. Còn khi mua nguyên vật liệu trong nước, doanh nghiệp có hai lựa chọn, là mua theo hình thức nhập khẩu tại chỗ hay mua theo hình thức thông thường.
Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, theo ông Ân, thủ tục để hưởng ưu đãi thuế theo hình thức nhập khẩu tại chỗ lại khá phức tạp và rắc rối.
Do đó doanh nghiệp này thường mua theo hình thức thông thường, tức nộp ngay thuế GTGT, để kịp có nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Sau khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp sẽ làm thủ tục để được hoàn thuế.
Đang tồn tại những bất hợp lý như thuế nhập khẩu thành phẩm 0% (thường do cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, cũng như các hiệp định thương mại), trong khi linh kiện nhập khẩu về lắp ráp tại Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm cũng như nguồn thu cho doanh nghiệp trong nước, lại chịu thuế nhập khẩu. |
Tổng giám đốc của một công ty may mặc khác cũng tại TPHCM cho biết ban lãnh đạo của công ty cảm thấy việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu dễ dàng hơn mua hàng trong nước. Trong khi đó, số tiền hoàn thuế GTGT thường không nhỏ và thủ tục hoàn thuế cũng mất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp.
Nhìn chung, quy định để doanh nghiệp được hưởng ân hạn nộp thuế 275 ngày được nhiều doanh nghiệp ủng hộ vì trên thực tế Việt Nam chưa đáp ứng hoàn toàn nguyên phụ liệu cho ngành may. Ngoài ra, doanh nghiệp may mặc xuất khẩu phần lớn cũng mua nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, trong khi chính sách đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp may mặc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thì với nguyên phụ liệu trong nước, chính sách đã không làm được như vậy.
Không chỉ riêng ngành may, mà một số ngành nghề khác cũng chứng kiến không ít nghịch lý về thuế.
Ông Trần Đình Hùng, Phó tổng giám đốc VNPT Technology, từng chỉ ra một nghịch lý về thuế trong lĩnh vực sản xuất điện thoại vào giữa năm 2013 là nhập khẩu điện thoại có thuế 0%, nhưng trong số 230 loại linh kiện điện thoại có tới 70% phải chịu thuế, có mặt hàng chịu thuế nhập khẩu đến 25-30%. Đáng nói hơn là, nhiều vật tư, linh kiện để lắp ráp hàng điện tử, viễn thông phần lớn chưa sản xuất được tại Việt Nam.
Đến thời điểm này, ông Hùng cho TBKTSG biết, số linh kiện chịu thuế nhập khẩu đã được giảm khoảng một nửa, nhờ tháng 11-2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 điều chỉnh thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng.
Mặc dù, các cơ quan ban hành chính sách thuế phải cân đối để đảm bảo nguồn thu ngân sách, nhưng đang tồn tại những bất hợp lý như thuế nhập khẩu thành phẩm 0% (thường do cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, cũng như các hiệp định thương mại), trong khi linh kiện nhập khẩu về lắp ráp tại Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm cũng như nguồn thu cho doanh nghiệp trong nước, lại chịu thuế nhập khẩu.
Trước đây, việc thuế nhập khẩu thành phẩm thấp hơn thuế nhập khẩu linh kiện cũng từng được xem là nguyên nhân khiến, năm 2008, Sony ngưng sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam và tập trung vào việc nhập khẩu.
Khi ấy, bà Phạm Chi Lan từng cho TBKTSG biết, sở dĩ có hiện tượng này là do tác động của hội nhập kinh tế, nhất là với các nước trong khu vực. Từ năm 2006, Việt Nam đã cắt giảm hầu hết các dòng thuế đối với sản phẩm nhập từ các nước ASEAN, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0-5%. Sản phẩm chỉ cần có 40% hàm lượng xuất xứ từ ASEAN là được giảm thuế, nên các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở khu vực ASEAN có thể xuất hàng qua Việt Nam với thuế suất thấp hơn nên sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.