Doanh nghiệp thờ ơ với vốn vay ngân hàng?
Trần Thu
Ảnh minh hoạ: Uyên Viễn. |
(TBKTSG Online) – Dù lãi suất hiện nay đã xuống thấp so với vài năm qua nhưng hiện có tình trạng không ít doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với vốn vay ngân hàng. Tại sao như vậy?
Tại buổi gặp gỡ của đại biểu Quốc hội TPHCM với đại diện ngân hàng và doanh nghiệp hôm 13-10 để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc ngày 20-10, một đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết có những buổi hội thảo hiệp hội phát cả ngàn tờ giấy để doanh nghiệp đăng ký vay vốn ngân hàng, nhưng chỉ thu về được vài tờ, cho thấy doanh nghiệp thờ ơ với việc vay vốn ngân hàng.
Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt nhận định, hiện ngân hàng cần doanh nghiệp nhiều hơn doanh nghiệp cần ngân hàng. Trong hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Bản Việt dành cho vay tới cho doanh nghiệp hiện vẫn còn khoảng 2.450 tỉ đồng chưa được doanh nghiệp sử dụng. Ông Nguyễn Quang Triết, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết ngân hàng này cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Tại sao như vậy?
Lãi suất thực tế chỉ thấp vài tháng đầu
Theo vị đại diện của hiệp hội doanh nghiệp trên, lãi suất hiện nay thấp nhưng thực tế lãi suất chỉ thấp trong vài tháng đầu. Ngân hàng cũng đang quảng bá những gói vay với lãi suất chỉ 5-6% nhưng doanh nghiệp chỉ tiếp cận được lãi suất 10-12%.
Theo thông tin từ các đại diện của 11 ngân hàng tại TPHCM có mặt tại buổi gặp gỡ, hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay dao động từ 2,5 điểm phần trăm đến hơn 4 điểm phần trăm tuỳ từng ngân hàng; có ngân hàng có các gói vay vốn rẻ lãi suất 5-6%, nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng trong vài tháng đầu.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, lãi suất huy động bình quân của ACB là 5,74%/năm, và lãi suất cho vay bình quân là 9,79%; chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay là 4 điểm phần trăm. Vừa rồi, ACB có đưa ra gói kích thích doanh nghiệp với lãi suất ba tháng đầu là 7%, ba tháng tiếp theo là 8%.
Ông Đỗ Duy Hưng của Ngân hàng Bản Việt cũng cho biết, Bản Việt hiện hỗ trợ khách hàng vay các gói với lãi suất gần 8%/năm cho sáu tháng đầu, nhưng sau đó lãi suất phải được điều chỉnh theo lãi suất của thị trường. Ngoài ra, Bản Việt cũng có gói vay với lãi suất 5% nhưng cũng chỉ áp dụng trong ba tháng đầu.
Ông Hưng cho rằng, doanh nghiệp sử dụng vòng vay vốn càng nhanh, hiệu quả càng cao, thì lãi suất càng thấp, nhưng nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều này.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, hiện các khoản vay có lãi suất tối đa 8% chiếm 30% tổng dư nợ, lãi suất trên 8%-12% chiếm 50% tổng dư nợ, trên 12% chiếm 20% tổng dư nợ (chủ yếu cho vay mua chứng khoán, tiêu dùng).
Sở dĩ doanh nghiệp đang chịu lãi suất cho vay trung hạn cao (10-12%) vì hiện nay hầu hết ngân hàng đang trong tình trạng huy động vốn ngắn hạn (do người dân có thói quen gửi tiền ngắn hạn, chỉ vài tháng), nhưng lại cho vay chủ yếu trung và dài hạn, nên rủi ro thanh khoản cao.
Theo đại diện của Ngân hàng ACB, hiện huy động ngắn hạn chiếm 85% tổng huy động của ngân hàng và 15% là trung - dài hạn. Trong khi đó, hầu hết khách hàng cá nhân của ACB đang vay trung (1-5 năm) và dài hạn (trên 5 năm). Còn với Ngân hàng Đông Á, vốn huy động dưới ba tháng đang chiếm 70% tổng vốn huy động.
Về phía doanh nghiệp cũng có nguyên nhân khách quan khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng. Ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, các công ty con của Satra hiện được các ngân hàng cho vay tín chấp và việc cho vay không khó nhưng doanh nghiệp không biết vay để làm gì. Bởi lẽ, sức mua hiện nay rất thấp, và lợi nhuận cũng thấp, nên doanh nghiệp vay vốn ngân hàng sẽ không có lời.
Ngoài ra theo ông Tùng, hiện còn nhiều chính sách về thuế, đăng ký kinh doanh đang cản trở doanh nghiệp; chẳng hạn hiện một ngân hàng muốn mở quầy nhỏ thu đổi ngoại tệ tại siêu thị Satra, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Satra phải lập dự án đầu tư (!).
Nợ xấu vẫn là rào cản chính
Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu vẫn đang là rào cản chính khiến ngân hàng gần như chỉ muốn cho vay tới những doanh nghiệp tốt. Theo đại diện nhiều ngân hàng tại buổi gặp mặt, các ngân hàng đang dùng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có việc bán nợ cho Công ty quản lý tài sản (VAMC), nhưng tốc độ xử lý nợ bán cho VAMC đang chậm lại, do vướng mắc trong việc thi hành án (liên quan đến xử lý các tài sản thế chấp - PV).
Ông Nguyễn Tiến Vĩnh, Phó giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh TPHCM cho rằng, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay trong việc xử lý nợ xấu vẫn là làm sao xử lý tài sản thế chấp. Trên lý thuyết, ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp nhưng thực tế hầu như không xử lý được nếu doanh nghiệp không đồng ý. Ngân hàng chỉ còn cách khởi kiện ra toà, có nghĩa là qua một giai đoạn nhiêu khê, và giai đoạn thi hành án còn nhiêu khê hơn nữa. Có những vụ việc cách đây mười mấy năm, nhưng đến nay vẫn còn những tài sản ngân hàng chưa xử lý được, ông Vĩnh nói.
Theo ông Toàn của ACB, tâm lý sợ nợ quá hạn ngày càng tăng đang gây ức chế cho ngân hàng, khiến ngân hàng tiếp cận khách hàng mới thận trọng hơn. Với ACB, nhân viên tín dụng nào có khoản nợ quá hạn của khách hàng là 3% sẽ không được thực hiện việc cho vay, mà bắt buộc tập trung xử lý nợ.
Do đó, theo phản ảnh của một số ngân hàng, có tình trạng doanh nghiệp tốt thì ít, nhưng ngân hàng nào cũng nhắm đến, nên đầu ra khó khăn.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, hiện gắn kết giữa Vissan với ngân hàng trong lưu chuyển tiền khá thuận lợi. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại rất khó vay vốn ngân hàng vì cách tiếp cận vốn của họ không chuyên nghiệp. Trong khi đó, để đảm bảo khoản cho vay, đặc biệt vay tín chấp, trước áp lực về nợ xấu, ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục mà doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được. Hiện nay đa số doanh nghiệp nhỏ huy động vốn từ gia đình, vì họ biết không vay được vốn ngân hàng và nếu vay được thì lãi suất sẽ cao, vì uy tín họ không cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM, huy động vốn 9 tháng đầu năm 2014 tại địa bàn TPHCM ước đạt 1.226.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ và tăng 4,7% so với đầu năm 2014. Tổng dư nợ tín dụng đạt 1.010.500 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 6,02% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng 6,02% chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chiếm 80% tổng dư nợ, tăng 3,6% so với đầu năm nay. Dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng dư nợ, chiếm 49% tổng dư nợ, tương đương 495.000 tỉ đồng, tính đến cuối tháng 9-2014. Nợ xấu 9 tháng đầu năm tăng nhanh, từ mức 44.700 tỉ đồng của đầu năm (tỷ lệ 4,09%) tăng lên 60.900 tỉ đồng (tỷ lệ là 6,1%) tính đến cuối tháng 8-2014. Trong đó, nợ xấu của lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 74,25%, và lĩnh vực phi sản xuất là 25,75%. Trong tổng nợ xấu 60.900 tỉ đồng, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 39,3%. Nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh là từ ngày 1-6-2014 các ngân hàng thương mại phải thực hiện thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Nếu tính riêng tháng 6, nợ xấu tăng 13.800 tỉ đồng, chiếm 85% tổng xấu của 8 tháng. Tính đến cuối tháng 8-2014, các ngân hàng lãi 12.156 tỉ đồng, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước. Có 45,1% thu nhập của ngân hàng là từ cho vay, và 54,9% từ ngoài hoạt động cho vay. |
Xem thêm: