Vì sao giá thuốc trúng thầu giảm đến 50%?
Hoàng Nhung
Cần đánh giá chất lượng thuốc với hiệu quả điều trị, không nên đánh đống chất lượng với giá rẻ. Ảnh: Hoàng Nhung |
(TBKTSG Online) - Giá trúng thầu của nhiều loại thuốc trong đợt đấu thầu do Sở Y tế tổ chức vừa qua chỉ bằng một nửa giá của năm 2012. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn vậy?
Theo Sở Y tế TPHCM, thì việc đấu thầu tập trung, với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm cạnh tranh chào giá hơn 1.000 mặt hàng thuốc đã giúp cho Sở có nguồn cung đa dạng hơn để xem xét. Sự cạnh tranh của nhiều đơn vị cũng giúp cho giá trúng thầu giảm mạnh so với trước.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, mục đích của việc đấu thầu tập trung là nhằm khắc phục những khuyết điểm của đấu thầu riêng lẻ ở các bệnh viện, xây dựng được danh mục thuốc được chỉ định đúng theo phác đồ điều trị nhằm hạn chế lạm dụng chỉ định thuốc; loại bỏ những mặt hàng thuốc có hàm lượng không đúng trong điều trị; thống nhất giá thuốc trong các bệnh viện ở thành phố với giá thuốc thấp hơn các đơn vị khác vì mua với số lượng lớn, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng thuốc điều trị và giá cả hợp lý.
Sở Y tế cũng cho rằng giá thuốc trong đợt đấu thầu vừa qua chỉ bằng 40% đến 50% giá thuốc đấu thầu của những năm trước và qua thực hiện đấu thầu tập trung thuốc, ngành y tế thành phố đã tiết kiệm được 1.412 tỉ đồng; tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị; nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện và sự cạnh tranh cho nhiều nhà cung cấp tham gia đấu thầu.
Giá trúng thầu thấp đã giúp tiết kiệm được chi phí. Nhưng một vấn đề khác cần quan tâm là thuốc trúng thầu giá thấp thì hiệu quả điều trị có cao?
Để trả lời câu hỏi này, vừa qua Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm lấy mẫu 332 mặt hàng trong tổng số 1.193 mặt hàng thuốc generic trúng thầu đợt 1 để đưa đi kiểm nghiệm. Đây là một trong những việc làm cần thiết mà trung tâm chấm thầu cần phải làm. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của vấn đề.
Thuốc trúng thầu đương nhiên sẽ đạt chuẩn qua kiểm nghiệm, nhưng chất lượng ở mức nào, tốt, khá hay trung bình thì từ trước đến nay ngành y tế chưa làm rõ, dẫn đến chất lượng thuốc có nguồn gốc từ châu Âu hay châu Mỹ cũng bị đánh đồng với thuốc sản xuất từ nguyên liệu nhập của Trung Quốc, Ấn Độ, không chứng minh được chất lượng và hiệu quả điều trị.
Dù sao, đấu thầu thuốc tập trung để giảm chi phí, tiết kiệm cho bệnh nhân cũng là dấu hiệu đáng mừng của ngành y, tuy vẫn còn nhiều vấn đề sau chuyện đấu thầu thuốc vừa qua.
Con số giảm được gần 1.500 tỉ đồng trong một đợt thầu còn có mặt tích cực ở chỗ dọn dẹp được thị trường thuốc generic (thuốc tương tự) quá lộn xộn hiện nay. Tuy nhiên, tất cả những thuốc generic nói chung chưa có phương pháp để lượng giá tương đương với nhau hay tương đương với biệt dược. Hiểu rộng hơn về vấn đề kinh tế y tế thì nhà quản lý cần phải quan tâm đến vấn đề hiệu quả điều trị song song với vấn đề giá cả và chất lượng thuốc.
Việc so sánh giá rẻ hơn là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là khẳng định được chất lượng điều trị có tương tương với những loại thuốc khác có giá cả cao hơn hay không. Hiện, nhà quản lý chưa có cơ sở, quy chuẩn để đo lường chất lượng thuốc có giá bằng nửa giá thuốc những năm trước. Thuốc có an toàn hay không, có gây ra hệ lụy cho người dùng hay không cũng là một vấn đề mà ngành y tế phải quan tâm trong việc lựa chọn thuốc trúng thầu.
Do vậy, đấu thầu là một chuyện, còn cần phải có quá trình và tiêu chí để lựa chọn, đánh giá chặt chẽ các sản phẩm trúng thầu để nâng cao hiệu quả điều trị. Việc đưa ra những quy chuẩn để lựa chọn thuốc trúng thầu cần phải xem xét vấn đề chất lượng tương đương với giá cả.
Vì vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dược đề xuất rằng, điểm chấm thầu phải được trộn lẫn giữa điểm kỹ thuật và giá cả để có kết luận cuối cùng thì mới chính xác. Nếu 100 loại thuốc đấu thầu thì có 80-90% thuốc đạt chất lượng và đánh đồng chất lượng như nhau thì không hề ổn tí nào.
Xem thêm:
Giá thuốc trúng thầu năm 2014 chỉ bằng một nửa so với các năm trước