Năm 2018, công nghiệp ô tô về đâu?
Quốc Hùng
Toyota giới thiệu một mẫu xe hybrid Prius tại một triển lãm ô tô ở Việt Nam. Mẫu xe này không được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu nguyên chiếc -Ảnh minh họa: Hùng Lê |
(TBKTSG) - Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%. Liệu Việt Nam có trở thành nơi nhập khẩu ô tô có xuất xứ Thái Lan và Indonesia?
Chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu?
Ở Việt Nam, tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ô tô rất thấp chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe. Và các linh kiện được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp. Như vậy, khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0%, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ đắt hơn nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia.
Hiện nay, các dòng xe phổ thông mang các thương hiệu Toyota, Ford, hay Honda... đang chiếm thị phần áp đảo. Hầu hết các hãng xe này đều đang có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai. Tất cả các nhà máy này đều có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với các nhà máy mà tập đoàn đó đặt ở Việt Nam. Trong khi những khoản đầu tư của những tập đoàn này ở Việt Nam gần đây chỉ nhỏ giọt để đáp ứng việc kinh doanh hiện tại thì Thái Lan và Indonesia lại đón nhận số vốn cả trăm triệu đô la Mỹ/dự án. Điển hình là Toyota, Ford, Nissan... gần đây đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy tại Thái Lan và Indonesia với số vốn đầu tư tại mỗi nhà máy từ 200-400 triệu đô la Mỹ.
Để thu hút được các nhà sản xuất ô tô rót vốn vào Việt Nam như Thái Lan và Indonesia như hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có một thị trường tại chỗ thật lớn và phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngang hàng với Thái Lan và Indonesia trong vòng bốn năm tới là điều rất khó khăn. Tất cả các nhà sản xuất dòng xe phổ thông cũng thừa nhận Việt Nam khó theo kịp ngành công nghiệp ô tô của hai nước này. Với thực tế này, trừ một số doanh nghiệp có thị trường lớn vẫn tiếp tục lắp ráp những mẫu xe còn có lợi thế, còn không lại đều có xu hướng chuyển sang nhập xe nguyên chiếc về phân phối.
Bốn năm có kịp để phát triển
Câu hỏi đặt ra, chỉ còn hơn bốn năm nữa việc giảm thuế nhập khẩu ô tô về 0% từ khu vực ASEAN sẽ có hiệu lực, liệu Việt Nam có còn đủ thời gian để phát triển nhằm cạnh tranh với các nước như Thái Lan và Indonesia? Ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho rằng mốc năm 2018 đánh dấu thời điểm mở cửa thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam, nhưng không phải là thời điểm “tận thế” của doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước.
Dù thừa nhận ngành công nghiệp ô tô trong nước khó cạnh tranh với Thái Lan và Indonesia nhưng theo ông Jesus Metelo Arias hai nước này cũng chỉ phát triển tốt được số ít mẫu xe nhất định, và Việt Nam vẫn có thể phát triển công nghiệp ô tô nếu nghiên cứu kỹ lợi thế của mình ở một số dòng xe khác và có chính sách phát triển phù hợp mang tính xuyên suốt.
Một điểm hạn chế trong phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam lâu nay là muốn phát triển tất cả các dòng xe để phục vụ cho thị trường nội địa với khoảng 90 triệu dân, trong khi thời điểm 2018 Việt Nam đã trở thành thị trường chung với hơn 600 triệu dân. Do đó, việc tìm những dòng xe có ưu thế mà các nước chưa khai thác được xem là cơ hội để Việt Nam phát triển ngành này, ông Jesus Metelo Arias nói.
Quy hoạch phát triển ngành được Thủ tướng phê duyệt đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng. Ở phân khúc này, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, cho rằng khả năng sản xuất trong nước có thể thực hiện được vì hiện nay tỷ lệ nội địa hóa cho những dòng xe này các doanh nghiệp trong nước thực hiện khá tốt. Mặt khác, phát triển phân khúc này không đòi hỏi cao về kỹ thuật như ô tô du lịch. Điều này cũng lý giải vì sao Mercedes-Benz cũng vừa chính thức tham gia lắp ráp sản xuất xe tải và xe buýt ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng công nghiệp ô tô thất bại là nói đến lĩnh vực sản xuất xe cá nhân, tức xe du lịch đến chín chỗ ngồi.
Ở phân khúc này, chiến lược mới của Chính phủ là sẽ có những cơ chế chính sách để giảm bớt thuế, phí cho các dòng xe dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông... Đại diện Toyota Việt Nam cho rằng hiện tại hãng có những dòng xe phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ. Vấn đề mà Toyota Việt Nam và các hãng ô tô khác đang chờ đợi là việc cụ thể hóa chiến lược này của Chính phủ.
Rõ ràng trong bối cảnh sức ép hội nhập ngày càng đè nặng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam một mặt phải kiến nghị và hiến kế với các cơ quan Chính phủ có cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo sức bật cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Mặt khác, họ vẫn phải “phòng thân” bằng việc từng bước “đặt chỗ” trước cho thị trường xe nhập khẩu.