Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhập siêu trở lại: do đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhập siêu trở lại: do đâu?

Linh Trang

(TBKTSG) - Trong hai tháng gần đây, nhập siêu đang có xu hướng tăng cao trở lại. Một trong những nguyên nhân có thể xuất phát từ sự mạnh lên của tiền đồng so với các ngoại tệ khác như euro hay yen. Ngoài ra, xu hướng tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, điển hình là ô tô nguyên chiếc, cũng là diễn biến cần lưu ý.

Nhập siêu đang trở lại

Thành tích xuất siêu của Việt Nam trong tám tháng đầu năm nay ở mức rất tốt, đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, diễn biến cán cân thương mại trong hai tháng gần đây đang cho thấy những chuyển biến mới với việc nhập siêu tăng trở lại với mức độ tương đối lớn (tháng 9 nhập siêu 600 triệu đô la Mỹ, tháng 10 ước tính 400 triệu đô la Mỹ). Nguyên nhân là do xuất khẩu trong hai tháng gần đây có dấu hiệu chững lại, thậm chí tháng 9 còn sụt giảm khá mạnh (chỉ đạt 12,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 5% so với mức của tháng 8) trong khi nhập khẩu vẫn tăng đều qua từng tháng (tháng 8 đạt 12,2 tỉ đô la Mỹ, tháng 9 đạt 13,2 tỉ đô la Mỹ, tháng 10 đạt 13,6 tỉ đô la Mỹ).

Thị trường nhập siêu trong 10 tháng đầu năm vẫn chủ yếu đến từ các đối tác truyền thống, có vị trí địa lý gần với Việt Nam. Nhập siêu lớn nhất đến từ thị trường Trung Quốc với 23,1 tỉ đô la Mỹ, gấp hơn hai lần so với mức nhập siêu của đối tác đứng thứ hai là Hàn Quốc, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào biển Đông hồi tháng 5 vừa qua đã có không ít ý kiến đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam cần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường này. Tuy nhiên, có lẽ khoảng thời gian còn quá ngắn, chưa đủ cho một sự chuyển đổi thật sự mạnh mẽ cộng với việc các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày, điện tử... thường lựa chọn đối tác nhập khẩu nằm trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của họ nên không dễ gì để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong một sớm một chiều.

Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực chững lại

Kể từ tháng 6 đến nay, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, dệt may có dấu hiệu chững lại trong khi da giày và dầu thô là hai mặt hàng có xu hướng giảm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu trung bình của dệt may trong tháng 9 và tháng 10 chỉ đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/tháng so với mức 2,14 tỉ đô la Mỹ của hai tháng trước đó. Xuất khẩu da giày thì giảm từ mức trung bình 940 triệu đô la Mỹ/tháng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 về còn 770 triệu đô la Mỹ/tháng trong tháng 9 và tháng 10. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dầu thô cũng giảm từ mức 715 triệu đô la Mỹ/tháng về mức 470 triệu đô la Mỹ/tháng.

Sẽ không dễ để lý giải đầy đủ tại sao các mặt hàng xuất khẩu mang tính gia công chế biến như dệt may, da giày, gỗ... lại có sự chững lại, thậm chí sụt giảm chỉ qua số liệu của một vài tháng gần đây. Tuy vậy, theo người viết, rất có thể một trong những nguyên nhân xuất phát từ sự mạnh lên của tiền đồng so với một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới, là nội tệ của một số bạn hàng ngoại thương lớn của Việt Nam như EU, Nhật Bản. Do đô la Mỹ liên tục tăng giá trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây trong khi tiền đồng được “neo” vào đô la Mỹ nên vô hình trung tiền đồng cũng lên giá so với các ngoại tệ khác. Cụ thể, so với mức trung bình của tháng 8 thì tiền đồng đã tăng giá 3,1% trong tháng 9 và 4,5% trong tháng 10 so với euro. Diễn biến tỷ giá yen/tiền đồng cũng tương tự. Việc tiền đồng lên giá rất có thể đã khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác, ảnh hưởng đến quyết định nhập khẩu của các bạn hàng. 

Nhập khẩu hàng xa xỉ gia tăng

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hầu hết mặt hàng chủ lực đều tăng như máy móc thiết bị, linh kiện hàng điện tử; chất dẻo, sắt thép, vải, nguyên phụ liệu da giày... Nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu, là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu tăng thường kéo xuất khẩu tăng theo nhưng thời điểm và mức độ tăng có thể sẽ không tương ứng. Chẳng hạn nhập khẩu nhóm hàng điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện đã tăng rất mạnh, thêm 600 triệu đô la Mỹ, từ mức 2,1 tỉ đô la Mỹ trong tháng 8 lên mức 2,86 tỉ đô la Mỹ trong tháng 9 nhưng xuất khẩu hai nhóm hàng này chỉ tăng thêm 200 triệu đô la Mỹ, từ 2,8 tỉ đô la Mỹ lên mức 3 tỉ đô la Mỹ. Chính sự lệch nhau về thời điểm trong cơ cấu xuất nhập khẩu một số mặt hàng trọng điểm đã góp phần đáng kể khiến nhập siêu quay trở lại trong hai tháng qua.

Đáng chú ý trong diễn biến nhập khẩu của Việt Nam là sự gia tăng trở lại của nhóm hàng xa xỉ. Tiêu biểu nhất là mặt hàng ô tô với kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng ô tô nguyên chiếc đạt giá trị 1,18 tỉ đô la Mỹ, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế trong nước dần hồi phục cùng lộ trình giảm thuế theo AFTA đang khiến cầu đối với mặt hàng ô tô tăng cao trong năm 2014. Dự kiến xu hướng này sẽ chưa dừng lại khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN sẽ tiếp tục được cắt giảm qua từng năm và về mốc 0% vào năm 2018.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới