Chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1: Lợi cho ai?
Quang Chung
Hình phối cảnh khu đô thị thương mại - dịch vụ dự định xây dựng trên mặt bằng khu công nghiệp Biên Hòa 1. |
(TBKTSG) - Trước thực trạng nước sông Đồng Nai ngày càng ô nhiễm nặng, tỉnh Đồng Nai muốn xúc tiến nhanh dự án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại dịch vụ. Mới đây, trả lời báo chí, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết dự án chuyển khu công nghiệp thành khu đô thị là nhằm hạn chế nguồn ô nhiễm cho sông Đồng Nai. Tuy nhiên đó không phải là lý do duy nhất.
Dự án ngốn 17.000 tỉ đồng
Theo kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ, bắt đầu từ quí 4-2011, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ phải di dời để chủ đầu tư Sonadezi (Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa) tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng cho khu đô thị.
Vậy là gần 50 năm sau ngày ra đời (1963), khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp lâu đời nhất ở Việt Nam - sắp sửa bị xóa sổ. Thế chỗ cho khu công nghiệp này sẽ là một khu đô thị hiện đại gồm trung tâm tài chính, khách sạn, nhà hàng, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, biệt thự sân vườn, trường đại học…
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Sonadezi, cho biết dự án xây dựng khu đô thị này có ba giai đoạn: từ 2011-2012 vừa di dời các doanh nghiệp vừa xây dựng khu vực phía Tây Nam và khu vực phía Đông Bắc của khu công nghiệp Biên Hòa 1; từ 2013-2017 xây dựng khu phía Tây, dọc bờ sông Cái, và khu vực trung tâm; từ 2018-2022 xây dựng các khu vực còn lại.
Tổng vốn thực hiện dự án nói trên khoảng 17.000 tỉ đồng; trong đó có gần 4.000 tỉ đồng dành cho việc hỗ trợ doanh nghiệp di dời (tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng…). Theo Sonadezi, hơn 100 doanh nghiệp ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ phải dời về khu công nghiệp Giang Điền hoặc khu công nghiệp Nhơn Trạch, khu công nghiệp Ông Kèo… tùy từng trường hợp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 hết sức lo lắng cho quyền lợi của họ (khi phải di dời). Một cuộc thăm dò của Sonadezi mới đây cho thấy chỉ có 15% doanh nghiệp đồng ý di dời trong giai đoạn 2011-2012, trong khi có đến 44% doanh nghiệp không muốn di dời. Để thúc đẩy nhanh dự án này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hứa sẽ bồi thường, hỗ trợ di dời thỏa đáng.
Để các doanh nghiệp yên lòng, tỉnh Đồng Nai còn có thêm chính sách đặc biệt: tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ được ưu tiên trở thành cổ đông của công ty quản lý dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ sau khi chuyển đổi (sẽ được thành lập).
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn thấy bất an khi phải di dời về khu công nghiệp Giang Điền hay các khu công nghiệp khác, cách nơi cũ từ 20-60 cây số nên sẽ phát sinh chi phí. Nhưng lo nhất vẫn là nguồn lao động sẽ gặp khó khăn như những khi nhà máy phải ngưng hoạt động để di chuyển, lắp đặt máy móc thiết bị: doanh nghiệp không có sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mất thị trường…
Vì sao xóa sổ khu công nghiệp Biên Hòa 1?
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc chuyển công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 là để hạn chế nguồn ô nhiễm cho sông Đồng Nai. Đó chỉ là một trong những câu trả lời cho câu hỏi vì sao phải khai tử khu công nghiệp Biên Hòa 1. Nhưng nguyên nhân chính không hẳn là như vậy.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, lượng nước thải phát sinh tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 khoảng 8.600 mét khối/ngày, trong đó 95% đã được thu gom xử lý. Thực tế kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy chỉ còn vài thông số nước thải ở khu công nghiệp này chưa đạt tiêu chuẩn.
Như vậy, nếu muốn, việc xử lý triệt để chất thải ô nhiễm từ khu công nghiệp Biên Hòa 1 chắc cũng không khó hơn việc xử lý nước thải của một khu đô thị - thương mại - dịch vụ rộng hơn 320 héc ta với hàng chục ngàn dân!
Cái lý do thực sự để chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 có lẽ xuất phát từ giá trị của hơn 320 héc ta đất ở vị trí đắc địa này - gần ngã tư Vũng Tàu, giáp xa lộ Hà Nội và cách trung tâm TPHCM chưa đến 30 cây số; đồng thời đó cũng là cơ hội để chỉnh trang cảnh quan đô thị cho thành phố Biên Hòa.
Theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc thay đổi công năng của một khu công nghiệp như khu công nghiệp Biên Hòa 1 có tính tất yếu (theo thời gian) vì tầm nhìn và nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn là khác nhau. Ông Cương cho rằng xây dựng khu đô thị tại vị trí khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ tạo động lực cho sự phát triển của cù lao Hiệp Hòa (Cù lao Phố).
Thực tế, một trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch cấp vùng đã được quy hoạch tại Cù lao Phố từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa tìm sự kết nối với các đô thị xung quanh để phát triển. Tuy nhiên, với một dự án chuyển cả một khu công nghiệp thành khu đô thị như thế - tác động không nhỏ đến tiềm lực kinh tế của tỉnh - cần phải cân nhắc. Chi ra 17.000 tỉ đồng để đầu tư cho dự án chắc chắn sẽ đem lợi về cho một số nhóm lợi ích nào đó còn lợi ích cho xã hội thì chưa dự đoán được rõ ràng.
Thật vậy, việc di dời hơn 100 doanh nghiệp không những tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp này mà còn ảnh hưởng đến khoảng 26.000 lao động đang làm việc tại đây. Cùng với chuyện thất thu thuế của Nhà nước (do doanh nghiệp ngừng hoạt động) thì thiệt hại về kinh tế của việc di dời này sẽ là bao nhiêu? Đó là chưa nói xóa xổ khu công nghiệp này thì phải tốn tiền để xây dựng khu công nghiệp mới.
Tất nhiên với 320 héc ta đất khu công nghiệp được chuyển đổi thành đất đô thị, đất ở, thì giá trị khu đất sẽ tăng lên nhiều lần. Nhưng liệu giá trị gia tăng này có bù đắp được những thiệt hại mà dự án đem đến? Và món lợi (chênh lệch giá đất) thu về từ dự án có được quản lý rõ ràng để dóng góp vào mục đích thúc đẩy nền kinh tế địa phương?