Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ăn bắp biến đổi gen bị ung thư?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ăn bắp biến đổi gen bị ung thư?

Ngọc Hùng-Thùy Dung

Một giống bắp biến đổi gen đang trồng khảo nghiệm. Ảnh: Ngọc Hùng.

(TBKTSG Online) – Thông tin “chuột ăn bắp biến đổi gen GMO NK 603 bị ung thư” do một giáo sư Pháp công bố gần đây đang gây xôn xao và lo ngại cho công chúng. Tuy nhiên, các chuyên gia sinh học Việt Nam cho rằng, kết luận trên cần kiểm tra lại.

>>> Kết quả nghiên cứu thực phẩm biến đổi gen gây sốc

>>> Xem thêm những thông tin về cây trồng biến đổi gen tại đây

Ngày 21-9, giáo sư sinh học phân tử người Pháp Gilles-Eric Seralini công bố trên tạp chí Food and Chemical Toxicology kết quả nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp tại trường đại học Caen (Pháp) cho thấy chuột ăn bắp lai biến đổi gen GMO NK 603 bị bệnh ung thư. Phát hiện này ngay lập tức được nhiều tờ báo trong nước dịch và đăng lại, gây lo lắng trong cả nước vì Việt Nam cũng đang cho phép trồng thực nghiệm các giống bắp lai biến đổi gen.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước chưa đồng ý với kết luận đó

Chưa có bằng chứng xác thực

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền Nông nghiệp - đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) giao kiểm nghiệm những giống cây trồng biến đổi gen như bắp, đậu tương (đậu nành) cây bông - cho biết, thông tin trên đã nhận được những phản hồi từ các nhà khoa học yêu cầu những người nghiên cứu phải cung cấp những số liệu thống kê cũng phương pháp thống kê được dùng trong nghiên cứu nhưng đã bị từ chối. Theo ông Hàm, số lượng chuột tham gia làm thí nghiệm quá ít (200 con) nên kết quả không phản ánh được vấn đề. “Theo tôi được biết, số chuột được làm thí nghiệm nếu được nuôi trong môi trường bình thường thì đến 80% số lượng bị khối u khi về già. Nghĩa là số chuột này không ăn bắp biến đổi gen NK 603 cũng bị khối u khi về già”, ông Hàm nói.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cho rằng người làm khoa học đã có một tuyên bố vô trách nhiệm vì chuột làm thí nghiệm nếu nuôi sau 2 năm thì đến 80% chết do bị khối u. “Nếu đây là một công trình khoa học thì các nhà nghiên cứu phải công bố trên những tạp chí khoa học uy tín như Nature, Science... đằng này lại công bố trên một tờ báo không được nhiều người biến đến”, ông Bình nói.

Cả ông Hàm và ông Bình cho rằng, hiện thế giới có 30 nước cho trồng cây trồng biến đổi gen với diện tích vào khoảng 160 triệu héc ta. Cây trồng biến đổi gen đã được trồng lần đầu tiên vào năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được cây trồng biến đổi gen gây ra những bệnh tật trên vật nuôi lẫn con người.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Toản, nguyên Trưởng ban Công nghệ sinh học của Bộ NN &PTNT nay đang công tác tại Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng thông tin chuột ăn bắp biến đổi gen bị ung thư vẫn chưa có những bằng chứng xác thực để thuyết phục cộng đồng khoa học quốc tế.

Không dùng làm thức ăn cho người

Theo ông Bình hiện Việt Nam đang đánh giá tác động môi trường của cây bắp biến đổi gen chứ không đánh giá về an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Việt Nam công nhận những đánh giá về an toàn thực phẩm của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chứ không đánh giá lại mà chỉ đánh giá tác động môi trường của cây bắp biến đổi gen vì môi trường trồng cây bắp này của Việt Nam và Mỹ khác nhau”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu như cây trồng biến đổi gen để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi thì không có vấn đề gì nhưng cần nghiên cứu kỹ tác động của nó đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

“Hiện nay hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đều phải nhập khẩu, trong đó có một phần bắp và đậu tương biến đổi gen. Trước khi cho nhập khẩu nguyên liệu chúng ta vẫn đánh giá tác động môi trường và yêu cầu chứng minh là sản phẩm này đã an toàn tại ít nhất 5 nước phát triển trên thế giới”, ông Dương nói.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện chưa có nước nào sản xuất thực phẩm biến đổi gen cho người, ngay cả Mỹ cũng chưa sản xuất thực phẩm biến đổi gen cho người ăn mà chỉ sản xuất ngô và đậu tương cho gia súc.

Còn ở châu Á chỉ có Phillipines đã cho phép đưa bắp biến đổi gen vào trồng đại trà trên đồng ruộng cho gia súc ăn. Trung Quốc đã trồng 3,5 triệu héc ta cây bông biến đổi gen, Ấn Độ trồng 9 triệu héc ta cây bông biến đổi gen và Myanmar là 500.000 héc ta cây bông biến đổi gen.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới