Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghèo trong thời đại kỹ thuật số

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiện nay mức thu nhập chỉ là một trong những tiêu chí để xác định hộ nghèo. Ngoài thu nhập, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin là cơ sở xác định các hộ nghèo nhằm thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội...

Tuy nhiên trong lúc chúng ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, các dịch vụ cơ bản để xác định hộ nghèo cũng cần được định nghĩa lại để bao hàm các thay đổi gần đây trong cuộc sống do công nghệ đem lại.

Lấy ví dụ về các chuyển biến gần đây trong dịch vụ hành chính công, rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay đã được đưa lên mạng, người dân ở nhà vẫn có thể làm được nhiều điều trước đây họ phải mất thời gian và công sức trực tiếp đến cơ quan hành chính để thực hiện. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều hộ gia đình không thể tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến này; lý do có nhiều, có thể do họ không có máy tính, điện thoại không thuộc loại thông minh hay do họ chưa quen với làm việc qua mạng. Những hộ này chịu thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi số nên có thể xem họ thuộc dạng “nghèo về công nghệ”.

Ở những ví dụ khác, trong khi các hộ kinh doanh gia đình đã có thể chấp nhận thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, vẫn còn nhiều hộ khác không thể. Đâu đó, chúng ta vẫn bắt gặp các biển nhỏ thông báo, chúng tôi không nhận chuyển khoản - có thể vì đó là sự chọn lựa của chủ quán nhưng cũng có thể do họ chưa thể tiếp cận cái mới. Lý do cũng có thể rất nhiều, từ chuyện chưa có tài khoản ngân hàng đến điện thoại không đủ “thông minh” hay bản thân đọc quá nhiều thông tin về lừa đảo qua mạng nên e dè trước cái mới. Đó cũng là những dạng “nghèo” chúng ta cần chung tay giải quyết.

Giải pháp nhằm giúp giảm hộ “nghèo về công nghệ” trực tiếp nhất là trang bị máy móc sử dụng chung ở cấp cơ sở, có thể tại trụ sở phường, xã kèm theo là cán bộ nắm vững công nghệ thông tin để hướng dẫn người dân sử dụng máy móc nhằm thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến. Trong chuẩn nghèo hiện tại đã có tiêu chí “sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin”; nay cần thêm các biện pháp nâng cao mức độ tiếp cận.

Một điểm cũng cần lưu tâm trong quá trình giúp người dân chuyển đổi số, đó là cùng với sự tiếp cận thế giới số, người dân cũng bị phơi nhiễm nhiều hơn tình trạng lừa đảo qua mạng. Một mặt cần trang bị cho người dân các phương tiện cần thiết để tiếp cận dịch vụ số nhưng mặt khác cũng cần trang bị cho họ các kiến thức cơ bản để phòng tránh tình trạng lừa đảo.

Vấn đề là không để họ bị lừa mất tiền một hai lần là họ sẽ e ngại tiếp cận công nghệ mới, đánh đồng dịch vụ số với nhiều rủi ro khó lường. Do đó các thông tin cảnh báo những vụ lừa gạt qua mạng là cần thiết nhưng phải cụ thể, chính xác và đúng liều lượng. Không nên có những tin mang tính cảnh báo nhưng cứ theo một mô típ lặp đi lặp lại, gây ra một sự hoang mang không đáng có ở người dân về những tiện ích cần thiết như mở tài khoản ngân hàng, thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt.

Người dân nước ta rất nhanh nhạy trong tiếp nhận công nghệ mới; chỉ cần giúp người “nghèo công nghệ” chiếc cần câu, họ sẽ học cách câu cá trong thế giới số như đại đa số người dân khác.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nghèo, có nhiều cấp độ. Nghèo đói, trước đây đối tượng này chiếm tỷ trọng lớn, từ 60% trong những năm 90 đến nay nước ta đã giảm xuống dưới 1 con số. Nghèo khó, là đối tượng tương đối phổ biến, ở đâu và thời điểm nào cũng có, do nghèo và thu nhập thấp nên mọi mặt trong cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là công ăn việc làm, nhà ở, bảo vệ sức khỏe, giáo dục và nuôi dạy con cái… Nghèo nàn, chủ yếu rơi vào các đối tượng có cuộc sống tinh thần thiếu thốn, trong đó trình độ phổ cập yếu và kém về công nghệ số là ví dụ điển hình. Kinh tế đất nước ngày càng tiến lên thì chuẩn mực tiêu chí cuộc sống của người dân cũng cần nhanh chóng sửa đổi và cập nhật, sao cho toàn diện và phù hợp với thông lệ chung của thế giới văn minh. Không nên tự mãn, tự huyễn hoặc, hoặc tự làm khổ chính mình, khổ dân khổ nước, với những tiêu chí vừa lạc hậu, vừa bảo thủ. Nếu không thì sẽ khó “vươn mình/ vươn tầm” cùng với thời đại.

  2. Triết học, có đủ duy tâm và duy vật. Kinh tế học, có vĩ mô và vi mô. Tâm linh, có thể xác và linh hồn. Cuộc sống, cũng cần cả vật chất lẫn tinh thần. Xã hội càng tiến bộ, nhu cầu vật chất sẽ lùi lại phía sau, nhu cầu tinh thần sẽ tiến lên phía trước. Tinh thần, luôn là thứ trừu tượng, vậy nên để hiểu về nhu cầu tinh thần, bên cạnh cần trí tuệ sâu sắc, cần phải có tình yêu thực sự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới