(KTSG) - Nếu đúng như những gì phụ huynh phản ánh, rằng ở một số trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó có hai trường THCS thuộc quận Cầu Giấy có xảy ra chuyện giáo viên lợi dụng việc tư vấn hướng nghiệp để ép các em học sinh bị cho là học kém phải chuyển qua học trường tư hoặc học nghề và cam kết không thi lên lớp 10 (để bảo vệ thành tích của giáo viên và nhà trường, được tính trên việc không có học sinh thi trượt lớp 10, hoặc tệ hơn nữa, để chuyển các em sang trường tư hoặc trường dạy nghề theo hợp đồng với các trường này) thì quả thực các trường và những giáo viên tham gia vào việc ép buộc nói trên đã từ bỏ sứ mệnh giáo dục của mình.
Theo thông tin báo chí, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cầu Giấy đã làm việc với hai trường THCS được các diễn đàn mạng xã hội nêu tên để xác minh thông tin và đã báo cáo kết quả xác minh, theo đó “các trường không có chủ trương yêu cầu các học sinh học không tốt phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT)”.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thì khẳng định, trong tất cả các văn bản hướng dẫn của UBND và Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội không có bất cứ nội dung nào về việc hạn chế học sinh trong việc đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập. Về nguyên tắc, học sinh đã tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện thi vào lớp 10. Ông Tiến cũng cho biết, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản yêu gửi tất cả các phòng GD&ĐT quận, huyện trên địa bàn thành phố để yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng này (nếu có); đồng thời ngăn chặn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng này với bất cứ lý do nào.
Thật dễ hiểu mỗi khi, trước phản ánh của dư luận, những người có trách nhiệm lại cho kiểm tra, yêu cầu báo cáo, nhắc lại các hướng dẫn và rồi khẳng định “không có chủ trương” làm những việc sai trái như vậy. Nhưng có ai lại dại dột “chủ trương” làm sai? Không “chủ trương”, nhưng lấy gì bảo đảm nó không xảy ra trong thực tế khi mà dư luận đã không dưới một lần phản ánh những việc làm sai của một số trường?
Theo tạp chí điện tử Một Thế Giới, đây không phải là lần đầu tiên sự việc như trên xảy ra. Tháng 5-2020, phụ huynh có con học lớp 9 của trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai), trường THCS Phúc La (Hà Đông) từng phản ánh trong buổi họp phụ huynh rằng, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào trường THPT công lập trên địa bàn. Điều này khiến nhiều người bức xúc bởi “có em vẫn đang rất nỗ lực, quyết tâm thi đỗ vào trường công nhưng giáo viên lại cho rằng với sức học ấy, để thi đỗ là điều rất khó”. Chính sự “định hướng” sai lệch này khiến nhiều em không được thi lên cấp 3, phải chọn học trường nghề hoặc bổ túc. Lý do vì nhà trường sợ ảnh hưởng đến thành tích, nên học sinh có học lực kém phải “tự nguyện” xin không tham gia kỳ thi lên lớp 10.
Nếu những gì được phụ huynh phản ánh là đúng thì những người làm giáo dục đã từ bỏ sứ mệnh của mình và chính lý do tồn tại của giáo dục. Điều 16 mục 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định rằng trẻ em dưới 16 tuổi có quyền được giáo dục, học tập, được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Sứ mệnh của giáo dục là bằng mọi cách phát huy năng lực của học sinh, giúp các em tự tin trong học tập và phát triển bản thân. Một nền giáo dục đích thực là một nền giáo dục lấy người học, lấy học sinh làm trung tâm chứ không phải là hy sinh người học, làm thui chột ý chí, sự tự tin của học sinh vì thành tích của giáo viên và nhà trường.
Và tư vấn hướng nghiệp đích thực không phải là o ép, dọa dẫm để học sinh làm theo ý của nhà trường hầu bảo vệ thành tích cho giáo viên và nhà trường mà là giúp cho các em và phụ huynh đánh giá đúng khả năng của học sinh để tự các em quyết định con đường đi và tương lai của mình, trên cơ sở nhìn thấy hết khả năng của các em. Tư vấn hướng nghiệp phải chân thành và không được có bất kỳ hậu ý nào.
Nhìn rộng hơn, thành tích của nhà trường cũng như của cả ngành giáo dục, của nền giáo dục một đất nước không thể đạt được bằng cách hy sinh, loại bỏ, đẩy đi chỗ khác những học sinh bị cho là yếu kém thay vì giúp học sinh nhận diện và khai thác tất cả khả năng của các em. Một thành tích như vậy là một thành tích giả, chẳng khác nào những tấm bằng giả vốn lâu nay đã là vấn nạn của nền giáo dục.
Giáo dục của ta đã từ rất lâu bị chìm đắm trong căn bệnh kinh niên về thành tích ảo. Đó là một trong ba loại “tham nhũng phi vật thể” đáng sợ của cuộc đời này (tình dục/ thông tin/ thành tích). Cần hành động khẩn cấp để cứu con tàu giáo dục khỏi tiếp tục bị chìm đắm. Nếu không, tương lai của thế hệ trẻ chúng ta không biết sẽ như thế nào ?