Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua tranh ‘miếng bánh’ tỉ đô la trên thị trường may mặc nội địa

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trên hành trình trở về sân nhà, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt với các nhãn hàng thời trang của các quốc gia trong khu vực châu Á lẫn thương hiệu quốc tế có cùng mục tiêu mở rộng kinh doanh ở thị trường gần 100 triệu dân.

Cả thương hiệu dệt may trong và ngoài nước đang có xu hướng mở rộng sự hiện diện của mình ở thị trường được đánh giá cả tỉ đô la này. Điều này đang dẫn đến một cuộc đua quyết liệt tranh miếng bánh hàng tỉ đô la Mỹ của các hãng thời trang trong và ngoài nước.

Cảc doanh nghiệp may mặc trong và ngoài nước ngày càng mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng

Chen chân trở về "sân nhà"

Với chủ trương mở rộng năng lực phục vụ thị trường trong nước, những ngày cuối cùng của năm vừa qua, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đã tổ chức khai trương Trung tâm Viettien Mall tại 206 Quốc lộ 22, Quận 12, TPHCM. Đây cũng là trung tâm Viettien Mall đầu tiên sau khi mở chuỗi cửa hàng Viettien House của doanh nghiệp dệt may nội địa này.

Nếu như Viettien House là mô hình kinh doanh các thương hiệu thời trang của công ty mẹ Việt Tiến, thì Viettien Mall là sự kết hợp giữa các thương hiệu của Việt Tiến, các thương hiệu của công ty con và các thương hiệu quốc tế.

Với tổng diện tích 2.000m2, tại Viettien Mall khách hàng có thể trải nghiệm, lựa chọn nhiều loại sản phẩm từ quần áo công sở lịch lãm đến đồ mặc đi dạo phố, quần áo thể thao, hoạt động dã ngoại, đồ mặc trong nhà thuận tiện… Đây là các sản phẩm với thương hiệu thời trang đã được nhiều người biết đến của Việt Tiến cũng như các công ty trong hệ thống của Việt Tiến như Tiền Tiến, Tây Đô, Việt Hưng, Đồng Tiến…

Phát biểu tại lễ khai trương ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, cho biết chất lượng của sản phẩm của Việt Tiến đã khẳng định vị thế, uy tín trên toàn cầu cũng như thị trường trong nước.

Luôn nỗ lực tạo ra sự khác biệt, đa dạng hóa kiểu dáng, mẫu mã, May Việt Tiến đã đáp ứng được kịp thời xu thế thời trang của thế giới nói chung và ngành công nghiệp thời trang trong nước nói riêng.

Trong khi đó, Tổng Công ty May 10 (May 10) cũng liên tục mở cửa hàng mới cũng như phát triển nhãn hàng để tiêu thụ trong nước. Đáng chú ý, chỉ cách đây hơn 2 tháng, May 10 đã đưa vào khai thác hai nhãn hàng thời trang mới là DeTheia – dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và thương hiệu Generos – thời trang nam dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, các hoạt động là sự tiếp nối thành công trong phát triển nhiều nhãn hiệu thời trang công sở trong nhiều năm qua của Tổng công ty như May 10 Series, May 10 Suits và Eternity Gruzs...

Theo ông Việt, đưa vào khai thác 2 nhãn hàng thời trang mới là hoạt động nằm trong chiến lược mở rộng thêm các phân khúc khách hàng trong thị trường nội địa với gần 100 triệu dân của Việt Nam vốn đang tăng. Bởi lẽ trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh ở thị trường trong nước của May 10 vẫn tăng cao. Ông Việt cho biết, May 10 sẽ đẩy mạnh tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa sản xuất của công ty.

May 10 hiện có trên 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý toàn quốc.

May 10 tăng cương cho ra mắt các thương hiệu mới. Ảnh: TL

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean), cho biết trong thời gian tới công ty sẽ tăng cường mở rộng kinh doanh ở thị trường nội địa sau khi nhận thấy kết quả kinh doanh trong năm 2022 ở thị trường trong nước có mức tăng trưởng khoảng 300% trong năm qua so với năm trước đó.

Hàng loạt doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khác cũng đang tính đến việc quay trở lại thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu ở Mỹ, châu Âu,...

Thời trang ngoại tăng cường mở rộng

Dần về cuối năm, cuộc đua mở rộng cửa hàng như bước vào giai đoạn tăng tốc khi các nhà phân phối thương hiệu thời trang liên tục cho khai trương cửa hàng mới ở nhiều tỉnh thành.

Ngày 30-12 vừa qua đã chính thức đánh dấu sự có mặt của thương hiệu Nerdy tại Việt Nam với cửa hàng pop-up tại Vincom Đồng Khởi (TPHCM) được khai trương. Cửa hàng Nerdy đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế theo phong cách hiện đại, trẻ trung. Thương hiệu quần áo thể thao đến từ Hàn Quốc này được phân phối ở thị trường Việt Nam thông qua Công ty cổ phần Maison Retail Management International – một nhà phân phối các nhãn hàng thời trang của thế giới tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện Maison đang là ngôi nhà chung của khoảng 20 thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới được đưa vào thị trường trong nước.

Chỉ trong 3 năm, Uniqlo đã mở 15 cửa hàng ở Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng

Hàn Quốc được ví như là “kinh đô thời trang” ở châu Á với hàng ngàn thương hiệu được ra mắt. Nổi lên như một hiện tượng khi được nhiều ngôi sao K-pop như: Taeyeon, IU, Kang Daniel... lăng xê, Nerdy nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu đồ thể thao được giới trẻ Hàn Quốc săn đón. Với lợi thế này, khả năng cao Maison sẽ nhanh chóng phát triển chuỗi cửa hàng Nerdy để đón cơ hội kinh doanh này.

Hay MLB - thương hiệu quần áo của Hàn Quốc dành cho giới trẻ - chỉ trong tháng 11 vừa qua đã liên tiếp mở 3 cửa hàng lớn gồm SC Vivo City (TPHCM), Aeon Mall Bình Tân (TPHCM) và Vincom Plaza Ngô Quyền (Đà Nẵng). Tính đến thời điểm hiện nay, số cửa hàng của thương hiệu dành cho giới trẻ này đã đạt được con số 18 trên khắp toàn quốc, trong đó có đến 7 cửa hàng mới được khai trương trong năm 2022 gồm Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), Vincom Biên Hòa (Đồng Nai), Crescent Mall (TPHCM), Street shop Nguyễn Trãi (TPHCM).

Còn thương hiệu thời trang đến từ Ý là Pinko cũng kịp thời khi trương cửa hàng thứ 2 ở Việt Nam đặt tại Vincom Center Bà Triệu (Hà Nội) sau gần một năm có mặt tại thị trường gần 100 triệu dân với cửa hàng đầu tiên tại Saigon Centre (TPHCM).

Đáng chú ý là thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản – Uniqlo trong những tháng cuối cùng của năm 2022 đã liên tiếp khai trương 3 cửa hàng mới tại Hà Nội gồm Vincom Bà Triệu, Vincom Royal City và Vincom Trần Duy Hưng.

Như vậy, chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu đến từ Nhật Bản này đã có 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Và hầu như các cửa hàng của Uniqlo đều có diện tích rất lớn và luôn thu hút đông khách hàng. Chiến lược của hãng này tiếp tục hướng tới mở thêm cửa hàng tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội,… tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam và quan tâm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Ngay cả Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản), được xem là "ngoại đạo" của ngành may mặc nhưng trong tháng 9 qua cũng cho ra mắt My Closet - thương hiệu thời trang nhanh (fast-fashion) giá rẻ.

Dòng sản phẩm chủ yếu ban đầu bao gồm áo phông và quần short nhắm đến nhóm phụ nữ trong độ tuổi 16-24. So các thương hiệu nước ngoài khác đang có mặt tại Việt Nam, dòng sản phẩm thời trang My Closet có giá bán thấp hơn từ 50-75%. Chẳng hạn một chiếc áo phông có thể có giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng (khoảng 8,5-12,75 đô la), thì loại tương đương của My Closet có giá 150.000 đồng, tức khoảng 6 đô la.

Thương hiệu ngoại đã sớm "lót ổ"

Trước đây, khi muốn mua hàng hiệu, người tiêu dùng phải đặt từ nước ngoài, nhưng những năm gần đây hàng loạt thương hiệu lớn lần lượt đổ bộ vào thị trường Việt Nam nên người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn. Hàng trăm thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng trung bình đến cao cấp như: Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, ... đã có mặt tại Việt Nam.

Đáng chú ý, khi quan sát ở các trung tâm thương mại lớn khu vực trung tâm quận 1, TPHCM như Vincom, Takashimaya, Parkson… người tiêu dùng khó tìm được cửa hàng quần áo thương hiệu trong nước. Thay vào đó là chuỗi thương hiệu tên tuổi trên thế giới như Zara, Uniqlo, H&M, Gap, Mango, Warehouse, Topshop, CK, Nike, Levi’s… với quy mô khá lớn và bề thế.

Nhà bán lẻ thời trang Uniqlo của Nhật Bản khai trương cửa hàng rộng 3.000 mét vuông tại Saigon Centre, quận 1, TPHCM gần đây. Ảnh: Quốc Hùng

Các thương hiệu như Zara, Uniqlo, H&M thuê cả 2 tầng “phủ” thời trang từ vòng kính, áo quần của trẻ em, giới trẻ cho đến tuổi trung niên. Nếu đi xa hơn trung tâm một chút, có thể tìm thấy những thương hiệu nội như NEM, NinoMax, N&M, Gumac… nằm khiêm tốn trong các tòa thương mại như Vạn Hạnh Mall, Aeon Tân Phú, SC Vivo City…Nhiều nhãn hàng thời trang nội địa thường chọn đứng riêng lẻ, bên ngoài trung tâm thương mại khiến nhiều khách hàng có ít sự lựa chọn.

Các tập đoàn toàn cầu đã có lợi thế về thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy khi đặt chân vào thị trường Việt Nam là nhanh chóng tiếp cận được thế hệ trẻ - là nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến thời trang, kiểu dáng thay đổi liên tục, thiết kế nhanh.

Nhà bán lẻ AEON cũng đặt mục tiêu đưa My Closet trở thành bước đột phá đầu tiên của AEON trong mảng fast-fashion. Các sản phẩm của My Closet hiện đang được gia công tại các nhà máy trong nước. Thời gian sản xuất kéo dài một hoặc hai tháng nhưng AEON sẽ hạn chế chi phí vận chuyển bằng cách sử dụng các tuyến phân phối hiện có. Ngoài ra, công ty sẽ triển khai, mở rộng thương hiệu mới tại các cửa hàng khác, đồng thời sẽ xem xét cung cấp thương hiệu này trên trang thương mại điện tử nội địa cũng như các quốc gia lân cận như Malaysia.

Nhận định về tiềm năng lĩnh vực này, đại diện AEON Việt Nam cho biết thị trường thời trang ở Việt Nam rất hấp dẫn, bởi cơ cấu dân số trẻ và họ yêu thích các xu hướng mới. Thực tế thể hiện khi nhiều công ty đã tham gia thị trường này, và các thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng như Uniqlo và Muji cũng có mặt tại các trung tâm mua sắm của AEON ở Việt Nam.

Theo Statista, thị trường may mặc tại Việt Nam được dự báo đạt 7,33 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và còn nhiều dư địa để khai thác. Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng thị trường nội địa với quy mô gần 5 tỉ đô la đang được doanh nghiệp thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu mã sản phẩm, quảng bá xây dựng nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường.

"Miếng bánh" hàng tỉ đô la có dễ "ăn"?

Với tiềm năng lớn ở thị trường gần 100 triệu dân trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang tính quay trở về "sân nhà" sau khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát trên thị trường thế giới trong 6 tháng qua.

Hiện tại Việt Thắng Jean chỉ sản xuất khoảng 80% so với công suất thiết kế của nhà máy, thậm chí trong thời điểm tháng 8, 9, 10 chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất thiết kế. Để duy trì sản xuất và giữ việc làm cho người lao động, Việt Thắng Jean vừa tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nội địa vừa phát triển các thị trường mới.

Trung tâm Viettien Mall tại 206 Quốc lộ 22, Quận 12, TPHCM được khai trương vào những ngày cuối năm 2022. Ảnh website Hiệp hội dệt may

“Tôi nhận thấy thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là rất tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất thời trang như chúng tôi khai thác. Như nhãn hàng V-Sixtyfour, những ngày vừa qua chúng tôi kẹt hàng ở EU, nếu không có thị trường nội địa thì nhãn hàng này của chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Việt nói.

Theo ông Việt, so với xuất khẩu, thị trường nội địa hiện chỉ chiếm rất nhỏ chỉ vài % nhưng doanh thu từ thị trường nội địa đã bù đắp một phần trong tổng doanh thu của doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. "Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là thị trường rất tiềm năng và là thị trường tương lai nên Việt Thắng Jean cố gắng nâng thị phần nội địa từ 2-3% hiện nay lên 5% trong năm 2023 và sẽ đạt 7% trong năm 2024", ông Việt chia sẻ.

Nói về cạnh trạnh với các thương hiệu ngoại đang phát triển mạnh ở thị trường nội địa, ông Việt cho rằng thương hiệu ngoại được nhiều người tiêu dùng biết đến vì mang tính toàn cầu và một bộ phận người Việt còn có thói quen ưa chuộng thương hiệu ngoại. Tuy nhiên theo ông Việt, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt xuất khẩu đã làm tốt ở thị trường nước ngoài khi quay trở về Việt Nam thì không có thua kém, thậm chí sản phẩm làm ra còn hơn cả hàng xuất khẩu.

"Bởi lẽ khi làm cho chính doanh nghiệp của mình, doanh nghiệp sẽ làm nghiêm ngặt hơn, chọn lựa kỹ hơn và chỉnh sửa được những khiếm khuyết, cũng như có cái nhìn sâu sát vì am hiểu thị trường bản địa hơn...", ông Việt nhận định, và cho biết "Các doanh nghiệp đã làm hàng gia công và hàng OEM cho các nhãn hiệu nước ngoài là có nhiều kinh nghiệm sản xuất để có thể áp dụng hoặc cải tiến tốt hơn nữa cho sản phẩm của doanh nghiệp mình".

Đơn cử như tại Việt Thắng Jean nhờ có kinh nghiệm sản xuất cho các nhãn hàng ở các thị trường lớn, có nguồn nguyên liệu tốt, đội ngũ thiết kế, am hiểu thị trường nội địa nên sản phẩm denim của Việt Thắng Jean hiện cạnh tranh khá tốt với các thương hiệu ngoại mang tính toàn cầu. "Sản phẩm dưới nhãn hàng V-Sixtyfour của chúng tôi hiện bán khá tốt ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản", ông Việt chia sẻ, và cho biết: "Thậm chí nhãn hàng V-Sixtyfour với chất lượng cao và giá cả chỉ bằng 58-60% so với các đối thủ nên cũng đã đánh bại cả hành nhập khẩu ở thị trường nội địa như sản phẩm thương hiệu Guess, Lee".

Cũng theo ông Việt, điều quan trọng hơn, đó là người tiêu dùng Việt Nam hiện nay nhìn nhận về thời trang cũng khác trước rất nhiều. Xu hướng tiêu dùng hiện nay là những sản phẩm nào đáp ứng thời trang, chất lượng, đặc biệt là giá cả phù hợp thì sẽ được ưa chuộng nhiều chứ họ không mua thương hiệu như trước. Chỉ một số ít người tiêu dùng có tiền thì chuộng mua hàng thương hiệu.

Ông Phạm Văn Việt cũng là Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM chia sẻ rằng doanh nghiệp cần thay đổi để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa để giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời doanh nghiệp cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để bù đắp sự sụt giảm nghiêm trọng từ các thị trường xuất khẩu chính.

Mặc dù vậy, việc phát triển nhãn hàng riêng và đầu tư kinh doanh ở thị trường nội địa không phải một sớm một chiều. Theo ông Việt, tùy theo chính sách và khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến, nhưng để cạnh tranh thì yêu cầu doanh nghiệp phải đa dạng dòng sản phẩm, phải nghiêu cứu kỹ khách hàng trong nước, và có sự chuẩn bị nguồn tài chính lớn để có sức chịu đựng từ 3-5 năm cho việc duy trì hoạt động.

"Một cửa hàng kinh doanh thông thường phải mất ít nhất 3 năm mới có thể hoàn vốn và 5 năm mới có lãi", ông Việt chia sẻ, và lưu ý thêm ngành may mặc lợi nhuận rất thấp chỉ khoảng 7-12%.

Trao đổi với KTSG Online một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn cũng xác nhận việc chinh phục thị trường nội địa là công việc nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Đơn cử khi tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân trong nước, các doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy phân phối rộng khắp, vì vậy tốn kém chi phí cao, cộng thêm kinh phí cho quảng bá, hậu mãi, khuyến mãi,…

V-Sixtyfour có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm 2022 ở Việt Nam

Đáng chú ý, khi quay về thị trường nội địa, nói thì dễ nhưng theo các doanh nghiệp thì thực hiện không đơn giản. Một công ty gia tăng hoặc xâm nhập thị phần vào thị trường nội địa đồng nghĩa một công ty khác bị giảm hoặc mất thị phần. Và khi quay lại thị trường nội địa chính là phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.

Đó là chưa kể trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sức mua trong nước cũng đang bị suy giảm. Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động đang lớn mạnh với dân số trẻ, các chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp cần xem đây là thị trường chiến lược lâu dài trong nhiều năm, không phải vì xuất khẩu khó khăn mà doanh nghiệp mới tính chuyện mang hàng bán trong nước.

Doanh nghiệp cần có chương trình nghiên cứu về thói quen tiêu dùng, sức mua… của thị trường này, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra cần tổ chức lại mạng lưới phân phối, tránh qua nhiều cấp trung gian và chọn hình thức tiếp cận thích hợp, ngay cả thương mại điện tử…

Về vấn đề này, ông Việt cho biết, thương mại điện tử đã giúp hoạt động kinh doanh nội địa của Viet Thang Jeans tăng hơn 300% trong năm qua. Do đó, trong năm nay và thời gian tới công ty tập trung đẩy mạnh kênh bán hàng online, tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm hoặc tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm thông qua các KOL,... Công ty ông sẽ chỉ mở thêm các cửa hàng tại các thành phố lớn để khách hàng trải nghiệm mua sắm sau khi xem hàng qua kênh online.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới