Dịch vụ đền bù giải tỏa cho ai?
![]() |
Dịch vụ đền bù giải tỏa cần được nhìn nhận đúng bản chất thực sự của nó thì mới đem lại lợi ích cho người dân - Ảnh: Lê Toàn |
(TBKTSG) - Một tổng công ty đền bù giải tỏa vừa được thành lập. Được đặt ở vị trí trung gian giữa một bên là nhà chức trách, nhà đầu tư và bên kia, người dân có đất, công ty này có trách nhiệm làm thế nào để người dân chịu “buông” đất để khi nhà chức trách và nhà đầu tư đến, công ty có sẵn “đất sạch” mà giao.
Dịch vụ đền bù giải tỏa, có thể tạm gọi như thế đối với công việc chính mà công ty này thực hiện, được trông đợi là giải pháp tốt đối với bài toán hóc búa về bồi thường đất đai và giải phóng mặt bằng, bài toán lâu nay vẫn làm đau đầu nhà chức trách và nhà đầu tư. Lợi ích của loại dịch vụ này đối với nhà đầu tư là hiển nhiên: có thể triển khai ngay dự án từ thời điểm nhận đất, nhà đầu tư không còn lo lắng về rủi ro phải “ôm” đồng vốn không sinh lợi mà vẫn chịu lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Từ động thái của nhà chức trách cho phép ra đời một dịch vụ như thế, có thể nhận thấy rằng đối với người hoạch định chính sách, vấn đề mấu chốt trong lĩnh vực đền bù và giải phóng mặt bằng chỉ là làm thế nào để người dân vùng giải tỏa chấp nhận ra đi.
Một nhà đàm phán chuyên nghiệp, khéo léo và đầy kinh nghiệm hẳn sẽ biết cách nói chuyện khi đương đầu với những người đối thoại trong tình trạng bức xúc vì bị thiệt hại. Người ta tin rằng công ty dịch vụ đền bù giải tỏa, mang hình ảnh một con người như thế, sẽ có khả năng thương lượng tốt hơn so với nhà đầu tư, vốn chỉ chuyên tâm vào chuyện làm ăn, kinh doanh.
Thế nhưng, ai cũng hiểu mục tiêu cao nhất của quy hoạch sử dụng đất là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội, chứ không chỉ đơn giản là đạt các chỉ tiêu về công nghiệp hóa, đô thị hóa. Theo nghĩa tích cực, phát triển phải là sự thay đổi theo hướng hoàn thiện và bền vững. Có đối tượng là xã hội, sự phát triển thể hiện thành những điều mới, tốt đẹp hơn trước mà toàn xã hội, tức là tất cả thành viên, đều có cơ hội thụ hưởng.
Chắc chắn không thể nói rằng quy hoạch đất đai đã đóng góp tích cực vào sự phát triển theo nghĩa đó, nếu nó trực tiếp góp phần thúc đẩy, tô đậm sự phân hóa giàu nghèo. Một quy hoạch tiêu cực điển hình tạo ra sự đối lập giữa một bên là những người có tiền được nhà chức trách mời đến, trong tay là những dự án bạc tỉ, và bên kia, những người dân nghèo, được dúi cho một số tiền, rồi bị buộc phải ra đi.
Một khi mục tiêu quy hoạch được xác định như đã nói ở trên, thì vấn đề chính trong đền bù và giải phóng mặt bằng phải là làm thế nào để những người ra đi, nếu không có được cuộc sống mới tốt đẹp hơn, thì ít nhất cũng không phải đương đầu với những xáo trộn tiêu cực do điều kiện sống thay đổi ngoài ý muốn.
Nói cách khác, người làm chính sách phải thấy rằng nếu quy hoạch, đối với nhà đầu tư, là một cơ hội làm ăn, một điều tích cực, tốt lành, thì đối với người dân bị giải tỏa, nó không khác một hiểm họa, tai ương: vì nó, người dân phải chịu mất tài sản và từ bỏ nếp sống đã quen. Trong hầu hết trường hợp, người dân đi khỏi vùng giải tỏa thường chơi vơi trong cuộc mưu sinh tại nơi ở mới, lạ lẫm với những thách thức mà họ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm để đối phó.
Bởi vậy, một chế độ đền bù đất đai đúng, hợp lý, hợp lòng người phải được xây dựng theo khuôn mẫu chế độ trách nhiệm dân sự, chứ không phải theo pháp luật về hợp đồng, kiểu thuận mua vừa bán. Một cách nôm na, về phương diện đền bù vật chất, chẳng có gì khác giữa người có nhà, đất bị lấy trong một vụ giải phóng mặt bằng với người có nhà, đất, cơ nghiệp, bị người ta đập phá, hủy hoại. Việc xác định mức đền bù phải dựa vào các quy tắc được thiết lập trong luật chung về bồi thường thiệt hại.
Cần nhấn mạnh rằng theo luật chung, thiệt hại được bồi thường không chỉ là những mất mát vật chất, mà còn cả những tổn thất về tinh thần, chẳng hạn... “tình làng nghĩa xóm”, như ai đó đã nhắc đến trong một bài báo. Tất cả thiệt hại, một khi được chứng minh, đều phải được bồi thường thỏa đáng. Sự thỏa đáng chỉ có thể đạt được bằng một trong hai cách: hoặc do sự xác nhận của chính người bị thiệt hại, hoặc do sự xác nhận dựa trên kết quả phán xét khách quan, vô tư của tòa án, trong một bản án.
Chừng nào việc đền bù đất đai chưa được nhìn nhận theo đúng bản chất, thì công ty dịch vụ đền bù giải tỏa chẳng đem lại được gì mới cho người dân. Nhà cung ứng dịch vụ đền bù hay nhà đầu tư đều chỉ đóng cùng một vai người đi lấy đất, lấy tài sản có bồi thường. Việc đền bù, theo cách làm đã quen, dù do nhà cung ứng dịch vụ hay nhà đầu tư thực hiện, cũng đều chỉ là việc dùng những tờ giấy bạc để lau khô những dòng nước mắt tuôn chảy trên khuôn mặt khắc khổ của người dân nghèo vùng giải tỏa.
Một chế độ đền bù đất đai đúng, hợp lý, hợp lòng người phải được xây dựng theo khuôn mẫu chế độ trách nhiệm dân sự, chứ không phải theo pháp luật về hợp đồng, kiểu thuận mua vừa bán. Chừng nào việc đền bù đất đai chưa được nhìn nhận theo đúng bản chất, thì công ty dịch vụ đền bù giải tỏa chẳng đem lại được gì mới cho người dân.
TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN