Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tín hiệu giảm lãi suất của Fed thắp sáng triển vọng của các tài sản ở châu Á

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ ở các thị trường châu Á đồng loạt tăng giá sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ giảm lãi suất ít nhất 3 đợt trong năm 2024. Giới phân tích nhận định, khả năng xoay trục chính sách tiền tệ của Fed sẽ giúp triển vọng của các tài sản ở châu Á trở nên tươi sáng hơn trong năm tới.

Các nhân viên giao dịch ngoại hối của Ngân hàng KEB Hana Bank ở Seoul, Hàn Quốc, giám sát diễn biến của thị trường hôm 13-12. Ảnh: AP

Trong phiên giao dịch 14-12, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương, theo dõi hơn 1.500 cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình tiêu biểu ở 5 thị trường phát triển và 8 thị trường mới nổi, tăng 1,7%. Đà tăng được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ của Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường chứng khoán ở Hồng Kông, Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Manila và Jakarta đều tăng hơn 1%.

Trái phiếu trong khu vực cũng tăng giá, bao gồm trái phiếu ở Nhật Bản và Indonesia. Trong khi đó, chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index, theo dõi hiệu suất của một rổ tiền tệ của châu Á so với đô la Mỹ, tăng đến mức 0,9%, mạnh nhất kể từ tháng 3.

Sáng nay (15-12), chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục tăng 1,3%, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 8. Các chuyển động thị trường ở châu Á cho thấy, đà tăng giá rộng rãi của các tài sản ở các nước đang phát triển khi giới đầu tư định giá triển vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 3-2024.

“Đối với các thị trường mới nổi châu Á, đây là tin tốt sau một năm các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất mạnh mẽ. Những cơn gió ngược này có thể sẽ trở thành cơn gió thuận trong năm 2024, mở đường cho sự phục hồi của các đồng tiền ở thị trường mới nổi châu Á trong năm tới”, Ken Cheung, nhà chiến lược ngoại hối của Mizuho Bank, bình luận.

Đồng tình với quan điểm này, Kellie Wood, Phó Giám đốc bộ phận thu nhập cố định của Công ty quản lý tài sản Schroders, nói rằng Fed đã “tặng quà Giáng sinh sớm” cho các thị trường châu Á.

“Động thái tiếp theo của Fed là giảm lãi suất và thị trường hiện dự đoán một chu kỳ nới lỏng tiền tệ nhanh hơn dựa trên những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc giảm lãi suất trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Khi nhận thấy Fed có thể thiết kế cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ, tất cả các thị trường đã tăng giá mạnh mẽ hôm nay”, Wood nói.

Kerry Craig, nhà chiến lược toàn cầu của JPMorgan Asset Management nhận định, nếu Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế, điều này sẽ giúp châu Á hưởng lợi vì thu nhập của các nền kinh tế trong khu vực gắn chặt với tăng trưởng xuất khẩu. “Chúng ta có thể chứng kiến chu kỳ bổ sung hàng tồn kho ở Mỹ được nối lại”, Craign nói.

Tuy nhiên, Craign cho rằng, với nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ chỉ giảm bớt chứ chưa biến mất, tốt nhất nhà đầu tư nên áp dụng phương pháp phòng thủ đối với chứng khoán châu Á và tập trung vào tài sản có thu nhập cố định cũng như những tài sản trả cổ tức cao.

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính của Đại học Hồng Kông, cho rằng, triển vọng Fed có giảm lãi suất có thể tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải đối với thị trường tài chính của nước này.

“Tin tức này có nghĩa là thị trường chứng khoán trái phiếu Mỹ sẽ tăng giá trong những năm tới, có thể thu hút thêm vốn từ Trung Quốc”, ông nói.

“Hiệu ứng tích cực lan tỏa từ đà tăng giá của trái phiếu chính phủ Mỹ sau tín hiệu giảm lãi suất của Fed có thể hỗ trợ thị trường trái phiếu lẫn tiền tệ ở thị trường mới nổi châu Á”, Winson Phoon, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định của  Ngân hàng Maybank, nhận định.

Brad Bechtel, Giám đốc ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng Jefferies, kỳ vọng các đồng tiền ở thị trường mới nổi châu Á tiếp tục tăng giá. Ông dự báo, đồng won của Hàn Quốc và Đài tệ của Đài Loan tăng giá mạnh nhất, trong khi, rupee của Ấn Độ, peso của Philippines và nhân dân tệ của Trung Quốc nhìn chung được hỗ trợ nhiều hơn.

“Chúng tôi duy trì quan điểm rằng năm 2024 sẽ là một năm tốt hơn đối với chứng khoán châu Á ngoại trừ Nhật Bản. Ba trụ cột trong quan điểm của chúng tôi là sự phục hồi tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ của châu Á trong năm 2024 nhờ sự phục hồi của lĩnh vực bán dẫn hoặc nền kinh tế Trung Quốc; các mức định giá ổn định hoặc đồng đô la Mỹ yếu hơn khi lãi suất của Fed đạt đỉnh; triển vọng cắt giảm lãi suất ở Mỹ, giúp làm giảm đáng kể nguy cơ nền kinh tế Mỹ ‘hạ cánh cứng” và môi trường dòng vốn tốt hơn”, Chetan Seth, nhà chiến lược vốn cổ phần ở thị trường châu châu Á, không bao gồm Nhật Bản của Ngân hàng Nomura, nói.

Theo Kyle Rodda, nhà phân tích cao cấp của Capital.com, lãi suất thấp hơn ở Mỹ trong năm tới sẽ hỗ trợ cho mức định giá cổ phiếu công nghệ của khu vực châu Á. Trong khi đó, đồng đô la giảm giá và điều kiện tài chính dễ dàng hơn sẽ giúp giảm áp lực ở lĩnh vực bất động sản và cải thiện nhẹ các rủi ro hệ thống của các nền kinh tế ở châu Á.

Theo Bloomberg, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới