(KTSG Online) – Nhóm bạn trẻ làm tình nguyện viên dọn rác thải trên kênh rạch ở TPHCM có tên Sài Gòn Xanh khá nổi tiếng trên cộng đồng mạng với nhiều hoạt động dọn rác thải thời gian qua, hồi cuối tháng 3 đã đưa chiếc thuyền làm từ 1.200 chai nhựa thải ra môi trường vào hoạt động vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc(*).
Trước đó, một doanh nghiệp du lịch than thở với người viết rằng 2 tháng đầu năm ông ấy hủy các tour du lịch cho khách nước ngoài tham quan kênh Nhiêu Lộc trên thuyền vì lo ngại phản ứng của du khách khi họ nhìn thấy lòng kênh như bãi rác. Còn một doanh nghiệp du lịch khác kể rằng du khách nước ngoài họ rất thích cảnh sắc ở Việt Nam, nhưng ngày nào cũng có người thắc mắc với hướng dẫn viên là tại sao rác thải quá nhiều, và lắm lúc hướng dẫn viên của công ty “bí”, không biết nói sao.
Ông đành phải nói nhân viên của mình là trung thực với du khách và vấn nạn rác thải thì nên nói thật là ý thức của không ít người dân Việt Nam còn rất thấp dù chính quyền đã cố gắng rất nhiều.
Trên một diễn đàn về rác gần đây ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu về môi trường và nhà quản lý đã dẫn thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, rằng mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Do đó, Việt Nam được cho là nằm trong nhóm xả rác thải nhựa ra đại dương lớn trên thế giới.
Việt Nam xả rác ra đại dương lớn hay nhỏ thì khó đo đếm nhưng nhóm Sài Gòn Xanh nêu ở phần đầu bài viết đã làm một phao chắn rác trên kênh Rạch Lăng ở quận Bình Thạnh, TPHCM, vốn đang có nhiều rác, và bất ngờ một ngày sau, rác được cản lại nhờ phao chắn đã hình thành một… bãi rác.
Nhóm Sài Gòn Xanh cũng thử nghiệm dọn sạch rác trên một con rạch nhỏ, sau đó dùng phao chắn rác và một tháng sau quay lại thì thấy rác ngập kín con rạch. Như vậy, rác từ kênh rạch ra sông hồ sau đó thải ra đại dương là lẽ đương nhiên. Với con rạch nói trên, nhóm đã dọn rác, tuyên truyền vận động người dân xung quanh đủ các kiểu nhưng vẫn phải dọn tới 4-5 lần, cứ thời gian ngắn lại ngập ngụa rác.
Rác thải ra môi trường tác hại như thế nào, nhiều ít ra sao thì bằng mắt thường ai cũng có thể cảm nhận được từ công viên, đường phố, kênh rạch, khu vui chơi giải trí… nhưng vấn đề là biết vậy mà sao dễ dàng xả rác, tạo thành các bãi rác từ nhỏ đến lớn như thế?
Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong bảo vệ môi trường đang có hiệu lực hiện nay quy định “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển”. Thế nhưng rất hiếm ai thấy hay báo chí, mạng xã hội nào từng đăng thông tin ai đó bị xử phạt do xả rác là tàn thuốc, bịch nhựa, chai nước…
Một nhà báo đồng nghiệp của người viết đã làm một bình chọn trong nhóm doanh nghiệp trên mạng Zalo, đại ý để xử lý dứt điểm nạn xả rác ra môi trường sống hiện nay thì có 24 người tham gia bình chọn, trong đó có 17 phiếu chọn xử phạt nặng các hành vi xả rác thải giống như cảnh sát giao thông đang thực hiện đo nồng độ cồn; 12 phiếu chọn khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; 8 phiếu chọn đánh thuế nặng các sản phẩm nhựa và 5 phiếu chọn đầu tư xử lý, tái chế nhiều hơn.
Vậy là có người thắc mắc làm sao xử phạt xả rác trong khu dân cư, trên đường phố hay trong công viên, và cũng lắm người trong nhóm doanh nghiệp cho rằng cái quan trọng là có muốn xử lý hay không, chứ nếu muốn thì kỹ thuật và nhân sự không hề khó.
Đã đến lúc phải phạt nặng chuyện xả rác chứ không còn chỉ nằm trong phạm vi tuyên truyền, vận động, như cách Nhà nước đang làm với chó thả rông, nồng độ cồn khi lái xe.
(*) https://www.sgtiepthi.vn/vot-rac-bang-thuyen-lam-tu-rac/
Singapore, đã làm và thành công ngoạn mục, cách đây từ hơn 30 năm. Ta cũng nên làm giống như phạt nồng độ cồn. Càng nặng đô, thì càng nhanh thay đổi thái độ. Lâu dần, mọi người sẽ chuyển từ hành vi xấu thành thói quen tốt.
Không chỉ có rác. Tất cả các hành vi khác, xâm hại môi trường sống đều cần phải áp dụng mức phạt thích đáng. Bên cạnh phạt (phạt nặng – phạt 24/7, áp dụng công nghệ camera để giám sát…) cũng cần có sự khen thưởng kịp thời (những tổ chức/ cá nhân có thành tích bảo vệ môi trường – những người công nhân vệ sinh, lao động chăm chỉ – những người có sáng kiến, sáng tạo trong hoạt động bảo vệ môi trường…). Trước mắt, cần sớm chấm dứt tình trạng “rác qua đêm”, rác ngổn ngang khắp mọi nơi khi có tụ tập đông người, như sân đá bóng/ phố đêm/ phố đi bộ… Sạch sẽ, hầu như không mất tiền. Sợ nhất mất ý thức mà thôi.