Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng kinh tế tích cực hơn – niềm tin doanh nghiệp trở lại?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đâu là yếu tố dẫn dắt xu hướng này? Và sự phục hồi này có thật sự vững chắc?

Từng thiếu hụt đơn hàng trong năm trước, tám tháng đầu năm nay ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng 7,9% so với cùng kỳ. Ảnh: T.L

Niềm tin đang trở lại?

168.100 là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tám tháng đầu năm 2024, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 và gấp 1,24 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (135.300 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023). Nếu như trong bốn tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui vẫn còn cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, thì xu hướng này đã đảo chiều từ tháng 5 trở lại đây.

Đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ ở số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, với hơn 57.300 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này đều cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 4,4%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 15,3%) và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 18%). Diễn biến này cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, khi niềm tin về một triển vọng kinh tế tích cực hơn trong giai đoạn tới đang trở lại.

Các dữ liệu kinh tế vĩ mô gần đây đều phản ánh xu hướng phục hồi kinh tế ngày càng vững chắc hơn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tám tháng qua tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 0,2%, trong đó riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm trước giảm 0,4%). Có 61 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng IIP và chỉ có hai địa phương giảm trên cả nước.

Một thực tế không thể phủ nhận là nguồn lực tự có của nhiều doanh nghiệp hiện nay đã không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước. Cụ thể, dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nhưng dữ liệu thống kê cũng cho thấy quy mô của những doanh nghiệp này chỉ ở mức khiêm tốn.

Tương tự, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam cũng cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục mở rộng trong tháng 8 vừa qua, khi đạt 52,4 điểm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp nằm trên mốc 50. Báo cáo của S&P Global cho biết nhu cầu khách hàng cải thiện đã khiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng, và các công ty đã tăng sản lượng tương ứng. Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp.

Thực tế tháng 8 vừa qua đã ghi nhận con số xuất siêu hàng hóa ở mức kỷ lục 4,53 tỉ đô la Mỹ, nâng lũy kế xuất siêu tám tháng đầu năm 2024 lên 19,07 tỉ đô la Mỹ. Một số lĩnh vực từng chứng kiến tình trạng đơn hàng thiếu hụt trong năm trước nay cũng đã ghi nhận phục hồi trở lại, như nhóm dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tám tháng qua tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước; nhóm giày dép tăng 11,8%, nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,3%.

Trong khi đó, cầu tiêu dùng trong nước cũng đang dần cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng đầu năm 2024 đạt 4.148.400 tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ ở lĩnh vực du lịch, thể hiện qua doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu cũng cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tám tháng qua đạt hơn 11,4 triệu lượt, tăng vọt 45,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sự sôi động trở lại của nền kinh tế còn thể hiện qua hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, phản ánh du lịch phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao. Tính chung tám tháng đầu năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 7,5% và luân chuyển tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 13% và luân chuyển tăng 11,8%.

Lượng, chất tăng chưa đồng đều

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian qua bên cạnh việc nhờ những tác động từ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tích cực trở lại, còn nhờ những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ trong nước, với các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn đang phối hợp linh hoạt để hỗ trợ kích thích tăng trưởng. Ngoài nỗ lực thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, có tính lan tỏa rộng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2024/NĐ-CP quyết định giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiếp tục tăng lương cơ sở, đều thực hiện từ ngày 1-7-2024.

Được biết năm 2024 cũng là năm thứ 5 liên tiếp Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200.000 tỉ đồng. Trong đó, ngoài chính sách giảm thuế GTGT, giảm thuế bảo vệ môi trường; việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mạnh từ 10-50% của 36 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính… đều được thực hiện đến hết năm 2024.

Về chính sách tiền tệ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực kiềm giữ mặt bằng lãi suất huy động và kéo giảm lãi suất cho vay. Sau khi ghi nhận mức giảm 2,5 điểm phần trăm trong năm 2023, hiện nay lãi suất cho vay những khoản mới trung bình chỉ còn 6,23%/năm, giảm 0,86 điểm phần trăm so với cuối năm 2023, theo chia sẻ mới đây của NHNN. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang thấp nhất trong 20 năm qua đã phần nào khuyến khích các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Song song đó, nhà điều hành cũng chủ động thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Sau khi giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm 2024, mới đây NHNN đã nới room tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng. Điều này kỳ vọng sẽ khuyến khích các ngân hàng tiếp tục nỗ lực giải ngân vốn đầu ra cho nền kinh tế.

Dù vậy, một thực tế không thể phủ nhận là nguồn lực tự có của nhiều doanh nghiệp hiện nay đã không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước, sau nhiều năm phải chống chọi với đại dịch Covid-19 và hệ quả khó khăn của nền kinh tế sau đó. Cụ thể, dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nhưng dữ liệu thống kê cũng cho thấy quy mô của những doanh nghiệp này chỉ ở mức khiêm tốn.

Cụ thể, trong 110.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tuy tăng 4,4% về số doanh nghiệp, nhưng tổng số vốn đăng ký là 994.700 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là hơn 672.400 lao động - chỉ tăng 0,7% về vốn đăng ký và thậm chí giảm 1,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tám tháng đầu năm 2024 đạt 9 tỉ đồng, cũng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là hơn 2.041.000 tỉ đồng, cũng giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy lượng tăng trưởng nhưng chất vẫn còn những hạn chế nhất định. Để giải quyết vấn đề này không phải là một sớm một chiều, đòi hỏi nền kinh tế phải duy trì sự tăng trưởng và vĩ mô giữ được ổn định, để các doanh nghiệp có đủ thời gian tích lũy nguồn lực trở lại. Ngoài ra, cần tiếp tục duy trì việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính; cần đảm bảo khả năng tiếp cận vốn vay ổn định, các thị trường vốn hanh thông; đảm bảo các chính sách luôn khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tái đầu tư vào nền kinh tế ở các lĩnh vực sản xuất, thay vì đầu cơ vào các thị trường tài sản mang tính chất ngắn hạn và có tính rủi ro khó lường.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thời điểm này là thích hợp để di dời những doanh nghiệp yếu kém ra khỏi trung tâm của thành phố và khu công nghiệp lớn. Để khu công nghiệp có những nhà máy tiêu chuẩn cao về chất lượng, cũng như giá trị doanh nghiệp phải đáp ứng được sản xuất hướng đến xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính, giữ lại những doanh nghiệp công nghệ cao, máy móc hiện đại, và thân thiện với môi trường, và thời điểm này là thời điểm mà nên chắt lọc và phát triển theo hướng hiện đại. Tại sao lại là lúc này, bởi nếu không chúng ta sẻ lặp lại bẫy thu nhập trung bình, nông thôn cần những nhà máy công nghệ lạc hậu để có thể giải phóng năng suất lao động, nhưng ngược lại thành phố bắt buộc phải có những nhà máy công nghệ hiện đại bậc nhất và tiện nghi cũng như an sinh xã hội bậc nhất. Nếu ta không di dời những nhà máy yếu kém ở thành phố thì dẫn đến gây bẫy thu nhập trung bình thấp ở thành phố kéo theo bẫy thu nhập trung bình lan ra đến nông thôn. Vậy điều bây giờ là lúc để thay đổi cơ chế, không phát triển bằng mọi giá mà phải phát triển theo hướng hiện đại chọn lọc những công ty tốt để cho phép xây dựng nhà máy, và không lãng phí tài nguyên cho công nghệ lạc hậu của những năm trước, hay chúng ta phải xem xét và chọn lọc đầu tư, không bị chảy máu chất xám hoặc tài nguyên, lãng phí tài nguyên, vv…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới