Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Niên vụ cà phê mới những rủi ro cần tránh trong việc kinh doanh

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Niên vụ cà phê 2024-2025 đã qua được ba tuần. Giá cà phê đổ nhanh và mạnh trên thị trường khiến nhà vườn lo lắng và người còn giữ hàng để chờ giá lên mang tâm lý bồn chồn và lúng túng. Liệu giá có trở lại đỉnh cũ? Đâu là rủi ro cần phải e dè trong kinh doanh cà phê cho những ngày sắp tới?

Trong suốt ba tuần đầu khởi niên vụ cà phê 2024-2025, giá cà phê giảm liên tục. Diễn biến từng phiên trên hai sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York vẫn sôi động nhưng không theo hướng lên như tháng 9, tháng cuối cùng của niên vụ cũ, mà hầu như chỉ nhắm hướng xuống.

Nhiều nơi đang chuẩn bị thu hái mùa vụ mới. Liệu giá có trở lại đỉnh cũ? Đâu là rủi ro cần phải e dè trong kinh doanh cà phê cho những ngày sắp tới?

Giá giảm rất sâu

Chẳng ai kinh doanh trong nghề cà phê mà không đoán được điều này: giá tăng mạnh đây thì sẽ rớt sâu sau đó.

Thật vậy, cứ lấy ngày kết thúc niên vụ cũ 30-9 để so sánh, giá robusta cơ sở kỳ hạn tháng 1-2025 bấy giờ có đỉnh tại 5.235 và đóng cửa ở 5.225 đô la Mỹ/tấn, thì sau ba tuần giao dịch đến ngày 18-10, giá đã chìm rất sâu xuống đáy thấp nhất là 4.552 và đóng cửa tại 4.615 đô la/tấn, giảm 683 đô la tính từ đỉnh xuống đáy và mất 610 đô la/tấn tính trên giá đóng cửa.

Hình 1: Diễn biến giá cà phê robusta cơ sở kỳ hạn tháng 1-2025. Nguồn: barchart.com

Một điều khó giải thích là sức mua từ các nhà xuất nhập khẩu không nhiều như trước, lượng hàng vụ mới ra thị trường đầu niên vụ rất ít, trong khi tồn kho tại các vùng tiêu thụ giảm rõ. Nhưng giá trên sàn kỳ hạn và tại các vùng sản xuất giảm cũng rõ. Giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên, vùng trồng chủ lực của Việt Nam, đã rời xa mức 120 triệu để về dưới 115 triệu đồng/tấn, giảm rất sâu so với đỉnh trong năm là 135 triệu đồng/tấn.

4 lý do

Chuyện giá cà phê tăng mạnh rồi giảm sâu như nói trên thì người trong ngành đều thuộc nằm lòng nhưng tốc độ giá đổ đèo nhanh không khỏi làm nhiều người hụt hẫng. Tuy nhiên, trải nghiệm “giá rớt” đợt này không phải không có lý do để giải thích.

Mùa mưa tại các vùng trồng cà phê đã đến đúng hẹn theo nông lịch tại Brazil. Tháng 10 hàng năm là tháng chờ mưa để cây cà phê ra hoa và đậu quả. Mưa đã về rất đều tại bang trồng cà phê robusta Brazil, nhiều vùng trồng arabica của nước này dần dần nhận được lượng mưa khá đủ, độ ẩm trong đất được cải thiện nhiều. Những thông tin về hạn hán tại các vùng cà phê của nước trồng và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới đã được thị trường quên đi một cách nhanh chóng.

Chính sách tiền tệ tại các nước tiêu thụ được nới lỏng với những đợt hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) và châu Âu (ECB), kể cả mới đây là Trung Quốc. Các đợt hạ lãi suất tới đây nữa cũng được hứa hẹn. Lãi suất hạ, giới kinh doanh sẽ dễ dàng tiếp cận tín dụng để khơi thông kinh doanh và dòng chảy của hàng hóa, vốn bị tắc nghẽn do lãi suất khắt khe trước đây.

Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra thông tin chính thức về việc lùi thời gian thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR) - cấm lưu thông hàng hóa nông sản xuất phát từ phá rừng để trồng - từ một năm đến một năm rưỡi tùy quy mô của các doanh nghiệp. Trước đó, cũng vì luật EUDR mà giới kinh doanh cà phê đã tranh thủ gom cà phê để đưa về ém hàng tại các cảng châu Âu với ý đồ tránh các thủ tục khai báo có liên quan đến EUDR theo ngày thực hiện cũ là 30-12-2024.

Quyết định lùi ngày áp dụng luật này của EU như mở tung cửa cho hàng bất kể nguồn gốc vào châu Âu, một số lênh đênh trên biển nay tự do và hồ hởi vào cập cảng.

Đợt “bán sống bán chết” để tranh thủ gom hàng bỗng nhiên chấm dứt. Tâm lý sợ hàng mua về “dội chợ” khiến giới kinh doanh trên thị trường hàng thực và sàn kỳ hạn bán ra mạnh và đã đưa giá cà phê xuống nhanh và mạnh. Những người đang ung dung giữ hàng chờ giá lên theo đó đã không kịp trở tay.

Hình 2: Diễn biến chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) và đồng nội tệ Brazil (BRL).
Nguồn: tradingeconomics.com

Một yếu tố nữa chi phối giá cà phê cần được ghi nhận đó là chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) tăng mạnh và liên tục từ đầu niên vụ đến nay. Một đồng đô la mạnh khiến người trữ các hợp đồng trên các sàn kỳ hạn hàng hóa phải thanh lý bớt lượng hợp đồng mua khống để trang trải phí tài chính. Ở chiều ngược lại, đồng nội tệ Brazil (BRL) mất giá kích thích nhà vườn bán ra để thu về đồng BRL nhiều hơn (hình 2).

Chính vì thế mà ta thấy trong vòng một tháng, các quỹ quản lý vốn giảm hẳn lượng hợp đồng mua khống trên sàn robusta so với một tháng trước đó. Đến ngày khóa sổ vị thế kinh doanh 15-10 so với một tháng trước, lượng cà phê mua khống trên sàn kỳ hạn này ghi nhận còn 320.770 tấn, giảm 52.840 tấn từ 373.610 tấn.

Rủi ro những tháng đầu niên vụ mới

Một đồng đô la mạnh có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hiện nay. Người trên thị trường tài chính tin rằng nếu ứng cử viên phe Cộng hòa ông Donald Trump thắng cử, đồng đô la có dịp tăng mạnh và nếu Kamala Harris của phe Dân chủ thắng thì theo chiều ngược lại. Từ đầu tháng 10-2024 đến nay, đồng đô la Mỹ có ba tuần tăng liên tục và… chỉ dừng và quay đầu xuống nếu kết quả bầu tổng thống nghiêng về phe Dân chủ. Nhưng một đồng đô la mạnh không tạo điều kiện nhiều cho giá cà phê tăng.

Chiến sự vùng Trung Đông chưa hết căng thẳng. Nhưng tâm lý thị trường tin tình hình sẽ nguội lại khi lực lượng Hamas mất đi nhiều thủ lĩnh quan trọng. Các đợt bắn phá tàu viễn dương chở hàng hóa Đông - Tây vẫn còn ám ảnh giới khai thác thương mại tàu biển. Bao lâu hải trình qua Biển Đỏ chưa thông, bấy lâu hàng cà phê Việt Nam vẫn khó tiếp cận vùng chuộng cà phê Việt Nam nhất là châu Âu. Chính vì vậy, sức mua hàng cà phê Việt Nam chưa thể vực nhanh trở lại, nhất là khi robusta Brazil có điều kiện thuận lợi hơn do giá thành rẻ, giao thông thuận lợi dù chất lượng không được ưa chuộng bằng robusta Việt Nam.

EUDR vô tình hay hữu ý đẩy giá robusta tăng mạnh. Nông dân nhiều nước tưởng giá tăng là do thiếu cà phê vì thế giới mất mùa. Không ít nơi đã tranh thủ mở rộng diện tích, trồng mới. Tuy thị trường và giá cả sẽ chưa chịu ảnh hưởng mấy đến tương lai gần, nhưng hết sức cẩn trọng với giá cà phê trong vài ba năm tới. Việc dời ngày thi hành luật EUDR có nhiều hệ lụy, không chỉ làm giá cà phê giảm mà thị trường đang chuyển từ tay người bán sang người mua.

Người mua cà phê của Việt Nam hiện nay chưa mấy sốt sắng như những năm trước. Đừng để họ đi luôn. Việc kéo người mua về lại với mặt hàng chiến lược quan trọng rất cần các đường lối chính sách phù hợp từ Nhà nước, các hiệp hội và nhất là các doanh nghiệp và nhà vườn trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới