Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán lẻ hàng hóa của TPHCM giảm nhẹ trong tháng 8

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TPHCM cho thấy có chiều hướng bị sụt giảm khi kết quả doanh thu bán lẻ trong tháng 8 vừa qua bị tăng trưởng âm so với tháng trước đó.

Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước trong cùng thời điểm trên vẵn tăng trưởng dương.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 của TPHCM giảm 1,1% so với tháng trước đó. Ảnh minh họa về người tiêu dùng thành phố mua sắm tại một siêu thị.

Thông tin tại cuộc họp tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 vừa qua của thành phố ước đạt khoảng 98.840 tỉ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước đó.

Trong đó đáng chú ý doanh thu thương mại bị giảm 0,8%; dịch vụ lữ hành cũng giảm 13,5%; các dịch vụ khác cũng giảm 1,7%. Chỉ có dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng nhẹ 0,2%.

So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả tháng 8 vừa qua đã ghi nhận tăng 149,8%. Tuy nhiên, so sánh này được cho là không chính xác bởi cùng kỳ năm ngoái tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bị giảm 59,4% do thời điểm đó thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch do Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, hoạt động thương mại và dịch vụ trên cả nước trong tháng 8 vừa qua phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 cả nước ước đạt 481,2 ngàn tỉ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan thống kê cho biết kết quả tháng 8 vừa qua đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ của các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 ngàn tỉ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TPHCM ước đạt 746.578 tỉ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ giảm 10,6%). Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, thời điểm trước khi bị ảnh hưởng dịch do Covid-19 thì kết quả này chỉ tăng 4,7%.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê ước tính trong 8 tháng 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 15,4% (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019).

Đối chiếu hai kết quả trên cho thấy bán lẻ hàng hóa của thành phố trong 8 tháng đầu năm nay cũng tăng thấp hơn so với kết quả tăng trưởng chung của cả nước.

Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại, bà Mai cho biết TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh. Thành phố cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường năm 2022, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của thành phố với nguồn hàng tại các địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

Tại cuộc họp nói trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng lưu ý các sở ngành, những kết quả kinh tế – xã hội trong tháng 8 nếu so với cùng kỳ thì tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên thực tế là do thời điểm này năm 2021 là thời điểm khó khăn nhất năm. Do đó, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu phải đặt trong so sánh thời điểm trước dịch (năm 2019) để thấy được kết quả thực tế.

Ông cũng đề cập đến vấn đề sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, công tác hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, hoạt động ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xu hướng giảm giá trị sản xuất, xuất khẩu…

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị tập trung phát triển thương mại dịch vụ. Trong đó trọng tâm là bình ổn giá, kích cầu và đặc biệt là phát triển du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới