Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đức xem xét hạn chế bán hóa chất chip sang Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Đức đang thảo luận đề xuất hạn chế xuất khẩu các hóa chất quan trọng sử dụng trong quy trình sản xuất chip sang Trung Quốc. Việc hạn chế xuất khẩu các loại hóa chất này có thể kìm hãm năng lực phát triển công nghệ chip tiên tiến của Bắc Kinh.

Các bốn hóa chất ở một nhà máy của tập đoàn hóa chất BASF ở Ludwigshafen, Đức. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, đề xuất trên là một phần trong gói biện pháp mà chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đang xem xét để cắt đứt sự tiếp cận của Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ cần thiết trong hoạt động sản xuất chip cao cấp.

Nếu được thực hiện, biện pháp này sẽ ngăn cấm các tập đoàn hóa chất hàng đầu của Đức như Merck và BASF bán một số hóa chất chip của họ cho Trung Quốc.

Thủ tướng Scholz và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đang trao đổi chặt chẽ đề xuất trên với các đồng minh ở châu Âu và Mỹ. Mỹ là nước đang thúc đẩy một nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ then chốt, gồm cả chip bán dẫn. Các quan chức ở Berlin cho biết, không chịu áp lực nào từ Washington trong vấn đề này.

Chip bán dẫn là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện diện trong mọi thứ từ ô tô, điện thoại thông minh đến tủ lạnh.

Các hóa chất, vật liệu cũng như máy móc cần thiết để sản xuất chip thường rất khó kiếm. Trang web của Merck cho biết, hầu hết mọi con chip trên thế giới đều sử dụng một trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của Merck vì công ty cung cấp các dung dịch chuyên dụng trong quy trình sản xuất chip như như làm sạch, khắc axit, quang khắc, tạo phẳng cơ học hóa học và lắng đọng ướt.

Bộ trưởng Kinh tế Habeck đã yêu cầu các quan chức trong bộ này thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của Đức ở một số khu vực nhất định và giảm sự phụ thuộc một chiều vào Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, ý tưởng áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hóa chất chip là một phần của cuộc thảo luận này. Các cuộc thảo luận trong liên minh cầm quyền của Đức về biện pháp kiểm soát xuất khẩu hóa chất chip đang ở giai đoạn đầu. Giới chức Đức nhận thức rằng biện pháp đó có thể làm tổn hại đến quan hệ kinh doanh với Trung Quốc,  đối tác thương mại lớn nhất của Đức.

Cách nhanh nhất và thực tế nhất để thực hiện biện pháp đó là đưa hàng hóa và dịch vụ liên quan vào danh sách hàng hóa có công dụng kép (dân sự lẫn quân sự) bị kiểm soát xuất khẩu của Đức.

Mục đích của danh sách này là ngăn chặn các nước khác sử dụng hàng hóa của Đức để phát triển và phổ biến vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân cũng như sản xuất các vũ khí quân sự thông thường.

Tháng trước, Hà Lan đồng ý tham gia nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc.

Đức không sở hữu các công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhưng hai tập đoàn Merck và BASF, có vốn hóa tổng cộng 122 tỉ đô la của nước này cung cấp nhiều hóa chất quan trọng để sản xuất chip bán dẫn cho các công ty trên toàn thế giới. BASF dẫn đầu thị trường hóa chất ở châu Âu và châu Á, nơi có nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, TSMC của Đài Loan.

Nếu không có nguồn cung hóa chất từ Merck và BASF, Trung Quốc có thể gặp nhiều thách thức hơn trong việc phát triển các công nghệ chip tiên tiến và thậm chí năng lực sản xuất chip nói chung của nước này cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck ở Berlin hôm 27-4, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Vương Văn Đào đã bày tỏ lo ngại trước thông tin Đức cân nhắc hạn chế xuất khẩu hóa chất chip sang Trung Quốc.

Thủ tướng Scholz đang theo đuổi lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh khi cố gắng cân bằng giữa việc hỗ trợ các lợi ích kinh tế to lớn của Đức ở Trung Quốc với các lo ngại về an ninh quốc gia.

Dù xem xét đề xuất hạn chế xuất khẩu hóa chất chip, Thủ tướng Scholz vẫn tìm cách duy trì quan hệ cởi mở với Bắc Kinh. Ông đã mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Berlin vào ngày 20-6 tới để đàm phán giảm căng thẳng giữa châu Âu và Trung Quốc và phản đối các lời kêu gọi tách rời nền kinh tế khỏi Trung Quốc.

Thủ tướng Scholz ủng hộ chính sách giảm thiểu rủi ro. Điều này có nghĩa là Berlin sẽ là tích cực giảm sự tiếp xúc của nền kinh tế Đức với thị trường Trung Quốc trong những năm tới.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới