Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó giữ lạm phát dưới mức 4%

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia dự báo xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu cùng với xung đột Nga – Ukraine sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, khiến lạm phát năm 2022 vượt mức 4%.

Dự báo này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 được tổ chức vào sáng 25-4.

PGS.TS Tô Trung Thành phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết Việt Nam phải đối mặt với khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ trong năm 2021 khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức 2,58% do cú sốc suy thoái nặng nề trong quí 3 với sự lan rộng của biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp.

Với năm 2022, ông Thành dự báo kinh tế Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 với biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh. Ngoài ra, bất ổn chính trị thế giới leo thang và giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa, qua đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát. Điều này khiến dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế Việt Nam bị thu hẹp.

Thứ ba, những rủi ro như tăng trưởng “nóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán vẫn hiện hữu. Cụ thể, dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất mà đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng.

“Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng”, ông Thành nói nhưng cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022.

Theo đó, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn đến từ khu vực kinh tế đối ngoại với đóng góp của lĩnh vực sản xuất sản phẩm chế biến, chế tạo và xuất khẩu. Ngoài ra, đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022.

Còn các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm sẽ giúp tăng các mức chi tiêu, đóng góp lớn vào quy mô nền kinh tế.

Về phía sản xuất, ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế.

Chất lượng tăng trưởng năm 2022 cũng được dự báo ở mức cao hơn, thông qua dự báo tăng trưởng TFP và năng suất lao động được cải thiện.

Về lạm phát, ông Thành cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ khó có khả năng đạt được do xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu, cùng xung đột Nga – Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, qua đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Đáng lưu ý, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát.

Các chuyên gia cũng dự báo diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn cho nền kinh tế. Cụ thể, giá xăng dầu tính đến 11-3-2022 đã tăng 45,2% so với năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới