Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Sáng nay 8-5, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng: “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế – 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho hay, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững của tổ chức tín dụng, từ đó tạo tiền đề vững chắc để kiềm chế lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững, thay mặt lãnh đạo NHNN, tôi xin cảm ơn sáng kiến này của Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, cảm ơn các đại biểu đã tới tham dự diễn đàn. Tôi tin tưởng tại diễn đàn, NHNN sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu cho việc hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đã thiết lập nền tảng vững chắc của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, các cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững, vị thế Việt Nam dần được nâng cao thời gian qua.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.

Sau hơn 10 năm kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu hơn với độ mở kinh tế ngày càng lớn. Thị trường tài chính tiền tệ ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu. Năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020. Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Như vậy, nhiệm vụ ngành ngân hàng đạt được trong bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều  thuận lợi và thách thức đan xen.

Kinh tế thế giới được dự báo phục hồi khả quan hơn. Trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện kinh doanh ngày càng ổn định theo định hướng Chính phủ kiến tạo, khuyến khích và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro thách thức, ổn định lạm phát theo mục tiêu khoảng 4%, trong điều kiện giá cả hàng hóa thế giới có nhiều biến động; dòng vốn vào tiếp tục gia tăng theo động thái thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc gọi vốn của khối doanh nghiệp tư nhân, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác, áp lực trong việc trung hòa và điều tiết tiền tệ. Thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, xung đột thương mại giữa những nền kinh tế phát triển…

Các nhân tố tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đòi hỏi ngân hàng phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Nợ xấu được kiểm soát duy trì dưới 3%, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh, bước đầu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nợ xấu bước đầu đạt dược mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Mặc dù vậy, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, thách thức trong mục tiêu thực hiện đúng lộ trình đề ra, đòi hỏi quyết tâm của các bộ, ngành địa phương. Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thách thức trong việc triển khai đúng mục tiêu, lộ trình đề ra, đòi hỏi sự quyết tâm của NHNN và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Ngân hàng nhà nước nhận thức được thách thức, cơ hội đối với ngành ngân hàng Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

NHNN xác định một số công nghệ hiện đại hỗ trợ cho ngành ngân hàng thích ứng phát triển trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như: Điện toán đám mây, kết nối vạn vật, tự động hóa chương trình bằng robot… Cùng với việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ tạo lập hành lang pháp lý minh bạch và hệ sinh thái lành mạnh theo thông lệ quốc tế thời gian qua, NHNN đã cố gắng chỉ đạo cụ thể các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt cơ hội hợp tác phát triển dịch vụ, sản phẩm để đem lại trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống, công nghệ thông tin ngân hàng và thông tin khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới