Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ chìm tàu du lịch: siết rồi lại buông?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ chìm tàu du lịch: siết rồi lại buông?

Nguyễn Huệ Nghi

Vụ chìm tàu du lịch: siết rồi lại buông?
Cứu hộ sau vụ chìm tàu Thảo Vân trên sông Hàn tối 4-6 vừa qua. Ảnh: tuoitre.vn

(TBKTSG Online) – Câu chuyện chìm tàu du lịch không phải mới mẻ. Cũng đã từng xảy ra tai nạn gây thiệt hại lớn về nhân mạng và việc siết chặt quản lý đã từng được tiến hành…

Câu chuyện tàu du lịch chìm trên sông Hàn (Đà Nẵng) xảy ra tối 4-6 vừa qua làm chết ba người gợi nhắc lại một thảm kịch tương tự cách đây 5 năm.

Tối 20-5-2011, nhà hàng du thuyền Dìn Ký hai tầng chìm trên sông Sài Gòn làm thiệt hại 16 mạng người. Còn nhớ lúc bấy giờ, vụ Dìn Ký gây chấn động dư luận không kém vụ tàu Thảo Vân 2 hôm nay. Chủ nhà hàng du lịch Dìn Ký sau đó bị khởi tố và bồi thường cho gia đình nạn nhân một số tiền khá lớn. Điều đáng nói, sau vụ Dìn Ký, việc quản lý an toàn du lịch đường thủy được các cơ quan chức năng siết chặt.

Nhưng 5 năm chưa phải là một quãng thời gian dài để những nguyên tắc quản lý bị buông lỏng, dẫn đến việc xảy ra sự việc đau thương vừa qua trên sông Hàn. Truy vấn vai trò cơ quan chức năng trong việc để một chiếc tàu du lịch hoán cải từ tàu cá hoạt động chui ngay khúc sông giữa thành phố Đà Nẵng sau vụ việc này có thể xem là muộn khi hậu quả thấy từ vụ tai nạn quá lớn: bi kịch vợ mất chồng, cha mẹ mất con cái đã xảy ra  – không gì bù đắp nổi. Việc khởi tố ra tòa với chủ tàu để răn đe cũng không sao xoa dịu được nỗi đau mất mát mà thân nhân các nạn nhân phải gánh chịu.

Vấn đề đặt ra ở đây là tiếp sau vụ tai nạn này, việc chấn chỉnh loại hình du lịch vận tải trên sông, biển được tổ chức lại như thế nào để những bi kịch thương tâm kia không còn xảy ra?

Lãnh đạo Đà Nẵng đang cho thấy những động thái xử lý quyết liệt và cứng rắn sau vụ chìm tàu chết người trên sông Hàn với việc ngừng vận tải du lịch trên sông Hàn tới 16-6 để kiểm tra, rà soát, tổ chức lại dịch vụ, khởi tố vụ án, và đặc biệt là đình chỉ giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa và đội trưởng đội quản lý bến thành phố Đà Nẵng. Những giải pháp kỷ luật đánh động trách nhiệm là điều vô cùng cần thiết. Nhưng có lẽ không nên dừng lại ở phạm vi Đà Nẵng mà cần sự tổng giám sát trở lại trên quy mô toàn quốc. Nói rộng ra, không chỉ với loại hình khai thác du lịch đường sông mà trong những hình thức khai thác du lịch tiềm ẩn rủi ro khác.

Một trong những điều bất cập dễ nhận thấy trong lối quản lý cụ thể qua vụ hai vụ việc nêu trên, đó là tư duy giám sát theo sự kiện. Nghĩa là có sự kiện thì siết chặt, rồi sau đó, theo thời gian, mọi thứ đâu lại vao đó. Khi xảy ra sự việc, thì những nguyên nhân được đổ cho trách nhiệm chồng chéo, điều kiện khách quan và đôi khi dồn về phía ý thức của người dân – mà ở đây là các nạn nhân.

Chính tư duy “giám sát theo sự kiện” dẫn đến sự lờn trách nhiệm trong trách nhiệm quản lý cộng tính thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch dẫn đến những thiệt hại khó lường.

Vụ lật tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn một lần nữa, hy vọng là lần cuối, cần xem như hồi chuông báo động về sự dễ dãi trong quản lý và tổ chức sản phẩm dịch vụ du lịch ở các địa phương; nhắc nhớ rằng an toàn tính mạng khách hàng phải được coi là nguyên tắc sống còn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới