Rủi ro ai gánh?
Phan Minh Ngọc
Từ đầu năm đến nay, tín dụng dành cho bất động sản đang dần tăng trở lại cho dù mức độ cải thiện còn khá khiêm tốn. Ảnh: Uyên Viễn. |
(TBKTSG) - Có điều gì chưa ổn trong Văn bản 5342 mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 24-7-2014?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản số 5342/NHNN/TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, đặc biệt đối với khách hàng không có tài sản bảo đảm (vay tín chấp). Ngoài ra, NHNN yêu cầu các ngân hàng chủ động cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây, trên cơ sở thông tin về đánh giá tín nhiệm quốc gia, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với phạm vi hoạt động, tình hình thực tế, để áp dụng có hiệu quả vào việc phân loại nợ, đánh giá chất lượng tín dụng khách hàng... Đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp.
Có điều gì chưa ổn với chỉ đạo trên của NHNN?
Tuy chỉ đạo này hợp lý về mặt đạo đức, vì có thể nó xuất phát từ mong muốn làm điều tốt cho nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp, nhưng nó mang nặng dấu ấn của nền kinh tế chỉ huy và... nửa vời!
Cần lưu ý rằng thông tin đánh giá tín nhiệm quốc gia không có liên quan (trực tiếp) gì đến, không cho biết điều gì về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Nên việc NHNN yêu cầu cho vay tín chấp doanh nghiệp dựa trên đánh giá tín nhiệm quốc gia xem ra là điều chưa thỏa đáng.
Hơn nữa, một khi ngân hàng thương mại đã có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá chất lượng tín dụng khách hàng thì họ chắc chắn biết được rằng có thể cho vay như ra sao, bao nhiêu đối với một khách hàng nào đó. Nói cách khác, dù không có chỉ đạo trên của NHNN thì một ngân hàng thương mại vẫn có thể đã và đang cho vay tín chấp dựa trên những tiêu chí đánh giá và phân loại khách hàng riêng của mình (tất nhiên là hệ thống đánh giá, phân loại này thường được sự đồng ý, phê duyệt của NHNN, ít nhất là thông qua các đợt kiểm toán, thanh tra của NHNN).
Nay, NHNN yêu cầu đẩy mạnh cho vay tín chấp, thì có thể hình dung hai khả năng. Khả năng thứ nhất, một số ngân hàng thương mại không có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại này phải xây dựng hệ thống đó. Tuy điều này khó có khả năng xảy ra, nhưng dù trên thực tế có thế đi nữa thì, thay vì ra một văn bản yêu cầu chung chung cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, NHNN cần gửi văn bản yêu cầu trực tiếp đến từng ngân hàng có vấn đề. Đây là thiếu sót lớn của NHNN khi cấp phép và/hoặc theo dõi hoạt động của ngân hàng thương mại khi họ hoạt động mà không có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
Chú ý rằng, việc NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ không có nghĩa là ngân hàng đó có nghĩa vụ phải cho vay tín chấp, nếu như bản thân họ không thích việc đó, đơn giản vì e ngại rủi ro. Một ví dụ nhãn tiền về chuyện rủi ro có thể xảy ra với bất cứ ai, dù là khách hàng có độ tin cậy tín dụng cao. Thông thường thì các ngân hàng thương mại khi cho vay ngắn hạn với nhau trên thị trường liên ngân hàng không yêu cầu phải có tài sản thế chấp, thế nhưng đã có thời điểm khi thanh khoản hệ thống căng thẳng, một số ngân hàng thương mại yêu cầu phải có tài sản thế chấp vì nhiều ngân hàng đi vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.
Điều này dẫn đến khả năng thứ hai. Đó là, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại, dù muốn hay không, vẫn phải cho vay tín chấp, và/hoặc hạ thấp điều kiện để cho vay tín chấp. Nếu vậy thì khi xảy ra hậu quả cho ngân hàng thương mại, ví dụ khách hàng mất khả năng chi trả, liệu NHNN có gánh hậu quả này thay cho ngân hàng thương mại? Câu trả lời hầu như chắc chắn là không,và vì thế mới có thể nói là yêu cầu trên của NHNN mang dấu ấn của nền kinh tế chỉ huy nửa vời. Ở đây NHNN chỉ ra lệnh mà không phân bổ nguồn lực để cho ngân hàng thương mại thực hiện mệnh lệnh, không giống như trong nền kinh tế chỉ huy thuần túy, các cơ quan quản lý phân bổ các nguồn lực cho các đơn vị kinh tế và yêu cầu họ thực hiện các mệnh lệnh của mình.
Ngoài ra, văn bản trên của NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại hướng việc cho vay vốn vào các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và quy định của pháp luật.
Tương tự như đã phân tích ở trên, đây có thể cũng là một thiện ý của NHNN cho cả nền kinh tế nhưng nó cũng chỉ là hiện thân của một kiểu tư duy cũ và nửa vời. Cần hiểu rõ rằng cho vay các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ không luôn đồng hành với lợi nhuận cao và ít rủi ro hơn so với cho vay các lĩnh vực và dự án thông thường khác. Nếu xảy ra thua lỗ, mất mát vốn, NHNN có chịu trách nhiệm bồi thường, hoặc có một hình thức hỗ trợ nào cho các ngân hàng thương mại bị chỉ đạo không?
Đọc thêm: